Điểm tên 5 dự án hạ tầng giao thông vốn đầu tư “khủng” triển khai giai đoạn 2021-2026
Với các dự án đầu tư công, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó làm chủ đầu tư; với dự án PPP sẽ giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành phải giúp đỡ, hỗ trợ địa phương.
Trước đó, Chính phủ nêu quyết tâm từ nay đến năm 2025, phải hoàn thành đầu tư xây dựng thêm 2.000 km cao tốc.
Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô, vành đai 3 Tp.HCM, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là 5 hạ tầng trọng điểm sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2026.
Được biết, tổng chiều dài của 5 dự án này khoảng 500km, vốn đầu tư gần 256.000 tỉ đồng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, về vốn đầu tư Trung ương bố trí 50% và địa phương cân đối 50% nguồn vốn cho các dự án này, gồm nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các nguồn vốn khác. Việc bố trí vốn phải linh hoạt, sát tình hình, tiến độ và bảo đảm đủ để hoàn thành 5 dự án trong nhiệm kỳ này (2021 - 2026).
Vành đai 3 Tp.HCM vốn đầu tư 75.400 tỉ đồng
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Vành đai 3 Tp.HCM, dự án đi qua bốn địa phương gồm Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Giai đoạn 1 của dự án có chiều dài 76km, tổng vốn đầu tư khoảng 75.400 tỉ đồng. Trong giai đoạn này, quy mô của dự án sẽ gồm 4 làn đường cao tốc và đường song hành hai bên.
Hiện các địa phương có tuyến đường đi qua đang tổ chức rà soát quỹ đất dọc hai bên tuyến đường để tạo nguồn vốn thực hiện dự án. Cụ thể, Tp.HCM hiện có khoảng 2.400ha đất dọc dự án, trong đó có hơn 500ha đất nông nghiệp do nhà nước quản lý. Nếu bán đấu giá số đất nông nghiệp này thành phố dự kiến sẽ thu về khoảng 27.000 tỉ đồng.
Tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, quỹ đất dọc dự án trên địa bàn tỉnh này khoảng 214ha, nếu đấu giá sẽ thu về nguồn vốn hơn 4.330 tỉ đồng. Trong khi đó, hai tỉnh Long An và Bình Dương cho biết, vẫn đang rà soát quỹ đất hai bên dự án.
Vành đai 4 Thủ đô vốn đầu tư 87.000 tỉ đồng
Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô có dự kiến tổng chiều dài 111,2 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố. Cụ thể: Địa phận Hà Nội 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông). Tỉnh Hưng Yên dự kiến tuyến dài 19,8 km, đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm). Tỉnh Bắc Ninh dự kiến tuyến dài 24,2 km và tuyến nối 9 km đi qua 3 huyện (Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình) và thành phố Bắc Ninh.
Tổng vốn đầu tư của dự án đường Vành đai 4 dự kiến khoảng hơn 87.000 tỉ đồng.
Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột vốnn đầu tư gần 22.000 tỉ đồng
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, dự án này có chiều dài 117,5km. Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột (cao tốc Bắc Nam phía Tây), thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Tuyến cao tốc sẽ được xây dựng quy mô là 4 làn xe. Trong giai đoạn phân kỳ, dự án sẽ đầu tư quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m, hoàn thiện quy mô 4 làn xe tại thời điểm thích hợp; riêng hầm xây dựng 2 ống riêng biệt, trước mắt hoàn thiện để khai thác 1 ống, ống còn lại hoàn thiện tại thời điểm đầu tư hoàn chỉnh 4 làn theo quy hoạch.
Tổng vốn đầu tư sơ bộ của tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dự kiến khoảng 21.935 tỉ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hơn 44.000 tỉ đồng
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 45.000 tỷ đồng; đã hoàn thiện lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đầu tư công.
Dự án có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 tại khoảng Km123+757 thuộc xã Vĩnh Tế, Tp. Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối đoạn tuyến tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Tổng chiều dài đoạn tuyến thuộc Dự án là 188,2 km, trong đó đoạn tuyến qua địa phận tỉnh An Giang 56,74 km; thành phố Cần Thơ 37,72 km; tỉnh Hậu Giang 37,02km và tỉnh Sóc Trăng 56,67 km.
Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được quy hoạch với quy mô 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, mặt cắt ngang 32,25 m (6 làn xe cơ giới mỗi làn rộng 3,75 m, chiều rộng dải phân cách giữa và dải an toàn trong 2,25 m, chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp 6 m và chiều rộng lề đất 1,5 m). Tuy nhiên, trong giai đoạn 1, Dự án sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 khoảng 44.306 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư là 8.487 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 27.534 tỉ đồng.
Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu gần 18.000 tỉ đồng
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội xem xét. Giai đoạn 1 của dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu có điểm đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh QL1 đoạn qua TP. Biên Hòa, Đồng Nai; Điểm cuối tại Km53+700 giao với QL 56 thuộc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tổng chiều dài dự án là hơn 53 km, trong đó đoạn qua TP.Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (34,2 km); TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (19,5 km). Quy mô giai đoạn 1 dự kiến gồm 4 – 6 làn xe, vận tốc 100km/giờ.
Tổng vốn đầu tư của giai đoạn 1 là 17.837 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công. Dự kiến, trong năm 2022 dự án hoàn tất thủ tục đầu tư, năm 2023 khởi công và hoàn thành cơ bản trong năm 2025.