MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm tên 9 ngành "đau" vì Covid-19 nhất

Những ngành này đều có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động trên 90%.

Tổng cục Thống kê cho biết, thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của người dân, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Trước yêu cầu đòi hỏi cung cấp thông tin kịp thời, làm cơ sở để Chính phủ đưa ra những chính sách điều hành phù hợp, Tổng cục Thống kê đã triển khai cuộc điều tra đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào tháng 4/2020 và nhận được sự đánh giá cao từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp.

Kết quả điều tra lần 1 cho thấy, tính đến thời điểm kết thúc khảo sát (20/4/2020) với 126.565 doanh nghiệp tham gia trả lời (chiếm 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm hiện nay, trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn), có tới 85,7% số doanh nghiệp được hỏi trên cả nước bị tác động bởi dịch COVID-19.

Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chịu nhiều tác động nhất từ dịch COVID-19 với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi khu vực nông, lâm, thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 78,7%.

Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cao, điển hình như: Ngành hàng không 100%, dịch vụ lưu trú 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%, giáo dục và đào tạo 93,9%, tiếp đến là các ngành dệt may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 quay trở lại từ tháng 7/2020 với diễn biến phức tạp, Tổng cục Thống kê tiếp tục tiến hành cuộc Điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lần thứ 2 theo Quyết định số 1369/QĐ-BKHĐT, ngày 7/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mục đích của cuộc điều tra lần này nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cũng như đánh giá mức độ hỗ trợ và sự lan tỏa của các chính sách của Chính phủ, các cấp, các ngành đối với doanh nghiệp trong thời gian qua. Thông qua đó, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương có các chính sách, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn trước dịch COVID-19 lần 2.

Phạm vi điều tra là các doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc; hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế VSIC 2018, không bao gồm ngành O (hoạt động của Đảng; tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc) và ngành T (hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình).

Nội dung điều tra bao gồm: Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra (tên, địa chỉ, điện thoại, fax, email, mã số thuế, loại hình kinh tế, ngành hoạt động sản xuất kinh doanh chính); tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; các giải pháp ứng phó của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch COVID-19; đánh giá hiệu quả các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19; thông tin chuyên đề về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Điều tra sử dụng phương pháp điều tra trực tuyến, thông qua sử dụng bảng hỏi web-form, điều tra viên trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử điều tra trực tuyến của cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2020.

Cuộc điều tra triển khai thu thập thông tin từ 10-20/9, kết quả công bố dự kiến cuối tháng 9/2020.


H.S

Trở lên trên