Điểm tên những khu chung cư "nhà giàu" khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt
Nhiều người dân ở nhiều khu chung cư cao cấp ở các quận Nam Từ Liêm, Mỹ Đình, Hà Đông, Thanh Xuân...đang khốn khổ vì tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Ngày 16/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) thông báo tạm ngừng cấp nước đã khiến hàng chục nghìn người dân điêu đứng, trong số đó có hàng nghìn căn hộ chung cư cao cấp tại nhiều khu vực khác nhau.
Hầu hết các khu chung cư cao cấp bị cắt nước nằm dọc đại lộ Thăng Long, xung quanh khu vực Mỹ Đình, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm.... Hiện các khu chung cư này đều đang sử dụng nguồn nước dự phòng từ các bể chứa của khu đô thị. Vì vậy, ban quản lý kêu gọi cư dân có phương án sử dụng nước tiết kiệm.
Thông báo của Ban quản lý Mulberry Lane.
Nhiều chung cư cao cấp khác cũng thông báo cắt nước theo giờ bắt đầu từ ngày 17/10.
Cụ thể, tại khu chung cư cao cấp Mulberry Lane (Lao Mỗ, Hà Đông), theo thông báo từ ban quản lý Mulberry Lane ngày 16/10, do chưa có nước cấp vào chung cư nên ban quản lý phải chia thời gian cấp nước theo từng giờ để cư dân chủ động lấy nước.
Ban quản lý một khu đô thị cao cấp ở Nam Từ Liêm cũng phát đi thông báo tạm dừng cấp nước từ ngày 17/10 và chỉ cấp lại vào một số khung giờ nhất định trong ngày vì vậy cư dân phải tranh thủ canh để tích trữ nước.
Ngoài ra, còn một số khu chung cư cao cấp khác cũng phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt như chung cư Golden Palm, khu chung cư cao cấp Rivera Park, khu đô thị Hapulico, Royal City (Thanh Xuân), Mỹ Đình Peal, Green Bay (Nam Từ Liêm), Golden Place, The Manor (Mỹ Đình), Udic Complex (đường Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy), Thăng Long Number One (Cầu Giấy).....
Nhiều người dân sống ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) đón nhận xe nước sạch miễn phí đầu tiên từ Công ty Nước sạch Hà Nội.
Trên cộng đồng cư dân nhiều người cho biết cuộc sống bị đảo lộn khi có thông báo cắt nước. Bể bơi dừng hoạt động, nước sinh hoạt không đủ, nhiều khu chung cư mới bàn giao tất cả các công tác cải tạo sửa chữa liên quan đến việc dùng nước đều bị ban quản lý yêu cầu tạm dừng.
Chị Chi (cư dân khu chung cư The Manor) cho biết, hai ngày hôm nay nhà chị phải thuê phòng khách sạn tá túc vì khu nhà chị mất nước liên tục, hiện chưa biết khi nào mới có lại.
Tại nhiều khu chung cư như Golden Palace ngay sau khi có thông báo cắt nước, người dân đã gọi nhau tích trữ nước sinh hoạt, còn nước uống và đun nấu thì phải mua bằng nước đóng chai.
Người dân chung cư Linh Đàm đi hứng nước.
Tình trạng, thiếu nước cắt nước theo giờ mới chỉ xảy ra 1 ngày trở lại đây tại nhiều khu chung cư cao cấp do bể chứa ngầm đang cạn kiệt dần. Tuy nhiên, tại nhiều khu chung cư giá rẻ khác, tình trạng mất nước đã kéo dài suốt vài ngày qua. Có thể điểm đến như các khu chung cư HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai), chung cư Gemek Tower và một số tòa chung cư nằm trong KĐT Nam An Khánh (huyện Hoài Đức)...
Được biết, hiện nay các cơ quan chức năng chưa có thông báo chính thức về việc khi nào có thể xử lý xong nguồn nước để người dân có thể sử dụng nước sạch trở lại. Trong khi đó, bàn về vấn để xử lý nước nhiễm dầu thải PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết việc dầu lẫn vào trong nguồn nước mà không có thiết bị lọc, xử lý dầu thì nó sẽ tồn tại mãi.
"Dầu một khi phân tán vào nước sẽ tạo ra mùi cực kỳ khó chịu, rất khó có thể xử lý"- PGS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Cũng theo PGS Thịnh, việc dùng hệ thống lọc nước không phải là giải pháp. Bởi hệ thống lọc nước cũng chỉ xử lý được ở một mức giới hạn. "Ngay cả khi dùng hệ thống lọc nước thì nước vào cũng phải là nước sạch. Với nước ô nhiễm, thì hệ thống lọc nước cũng không thể xử lý được hết ô nhiễm.
Ông Thịnh phân tích, dầu bản thân là hoạt chất khó xử lý, xử lý bằng phương pháp hóa học cũng khó, mà phải dùng biện pháp hấp thụ mới tách được. Tuy nhiên, phương pháp này khá đắt, tốn kém.
Những khu vực bị ảnh hưởng
Công ty Cổ phần Viwaco hiện đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho hơn 147.000 khách hàng, tại khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì (phía Tây Quốc lộ 1A). Nguồn cấp nước chính hiện nay vẫn là từ nước sạch sông Đà với công suất khoảng 200.000-210.000m3/ngày đêm.
Trong khi đó, công ty Nước sạch Hà Đông (Hadowa) hiện sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà với công suất 40.000-50.000m3/ngày đêm. Hiện Hadowa cấp dịch vụ nước cho khoảng hơn 150.000 khách hàng, tại khu vực quận Hà Đông, một phần Nam Từ Liêm, một số xã của huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa...
Nước sông Đà cũng được phân phối cho khu vực nông thôn dọc Đại lộ Thăng Long ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức. Việc cung cấp dịch vụ này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồng Tiến Thành Hà Nam và Cổ phần Tây Hà Nội, Công ty Ngọc Hải thực hiện. Sau khi tiếp nhận nước từ Viwasupco, các đơn vị này sẽ phân phối tới hơn 80.000 khách hàng trong khu vực.