MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm tương tự giữa kinh tế và bóng đá hay từ kỳ tích U23 Việt Nam ngẫm về cách hoá rồng, hổ châu Á của Việt Nam

Kỷ luật, sự đoàn kết và chiến thuật mới mẻ, sáng tạo là thứ được nhiều người nhắc đến sau kỳ tích đạt ngôi vị Á quân châu Á của U23 Việt Nam. Những thứ này nếu áp dụng vào nền kinh tế đất nước, cũng có khả năng tạo ra điều thần kỳ tương tự.

Đội tuyển U23 Việt Nam đã làm nên kỳ tích khi giành được vị trí Á quân châu Á. Những gì mà thày trò huấn luyện viên Park Hang Seo làm được đã khiến nhiều người, trong nước cũng như quốc tế không thể tin được. Kỷ luật, sự đoàn kết, chiến thuật mới mẻ, sáng tạo là thứ được nhiều người nhắc đến sau bước ngoặt ấy. TS. Phạm Sỹ An, phụ trách phòng Kinh tế vĩ mô và Thể chế kinh tế (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng những điều này nếu được áp dụng chặt chẽ vào nền kinh tế, đất nước sẽ có sự chuyển mình tương tự.

Từ thành công của U23 Việt Nam, nhiều người lạc quan rằng nền kinh tế Việt Nam cũng có thể đạt kỳ tích như vậy bởi chúng ta đang trong đà phát triển mạnh (GDP 6,81%, 13/13 chỉ tiêu được hoàn thành), chúng ta có cơ hội không?

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, 13/13 chỉ tiêu phát triển đều đạt và vượt, nhiều chỉ số kinh tế đạt kỷ lục như dự trữ ngoại hối, kim ngạch thương mại hàng hóa, xuất khẩu nông sản… đã giúp nền kinh tế củng cố vững chắc hơn.

Nhiều tổ chức quốc tế như HSBC, ADB hay World Bank đã đưa ra triển vọng lạc quan về  kinh tế Việt Nam năm 2018 trong các dự báo của mình. Khả năng đạt được mức tăng trưởng cao và nằm trong nhóm các nước dẫn đầu (về tăng trưởng kinh tế) trong khu vực là không khó vì thực tế Việt Nam đã nằm trong nhóm này rồi.

Tuy nhiên, nếu so về năng suất lao động hay mức sống thì Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói gì đến khu vực châu Á. Vì thế, để đạt được kỳ tích như U23 Việt Nam trong giải bóng đá U23 châu Á vừa qua, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam phải vừa nhanh và vừa bền vững.

Điểm tương tự giữa kinh tế và bóng đá hay từ kỳ tích U23 Việt Nam ngẫm về cách hoá rồng, hổ châu Á của Việt Nam - Ảnh 1.

Đồ hoạ: Hương Xuân

Bất kỳ kỳ tích nào trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng đều có cơ hội. Nhưng khả năng hiện thực hóa cơ hội đến đâu phụ thuộc vào thể chế để phát huy nội lực bên trong nền kinh tế, trong đó gồm có duy trì ổn định kinh tế trong dài hạn, khuyến khích đầu tư vào khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân và thị trường tài chính,…

Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: "Phát triển kinh tế là cuộc đua đường trường". Để đạt được kỳ tích như các nước Đông Á trước đây, hay so sánh một cách hình tượng hơn, để đạt được kỳ tích như đội tuyển U23 Việt Nam vừa qua, chúng ta cần tập trung, nỗ lực vượt lên trong từng trận đấu.

Đội tuyển U23 Việt Nam thành công nhờ sự mới mẻ trong chiến thuật và tính kỷ luật cao. Những điều này nếu muốn áp dụng lên quy mô toàn nền kinh tế liệu có khả thi không? Theo ông, đâu là điểm mấu chốt của vấn đề?

Tính kỷ luật cao không chỉ có trong bóng đá mà trong kinh tế cũng hay bàn đến. Một nền kinh tế có những thiết chế mang tính kỷ luật cao sẽ là điều kiện quan trọng để đảm bảo tính ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Chẳng hạn, "ràng buộc ngân sách cứng" là kỷ luật áp dụng trong chính sách tài khóa, "thực hiện chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu" là kỷ luật áp dụng trong chính sách tiền tệ, đảm bảo mức trần nợ công được thiết lập… đều là những kỷ luật hay những ràng buộc đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách.

Điểm tương tự giữa kinh tế và bóng đá hay từ kỳ tích U23 Việt Nam ngẫm về cách hoá rồng, hổ châu Á của Việt Nam - Ảnh 2.

Đồ hoạ: Hương Xuân

Điểm mấu chốt của vấn đề là tính kỷ luật phải "cao". Nếu các quy tắc đã có nhưng không có tính kỷ luật cao và thường xuyên bị vi phạm thì một nền kinh tế cũng như một đội bóng, khó mà thành công được.

Còn với sự mới mẻ trong chiến thuật bóng đá, gặp đối thủ nào thì phải có những chiến thuật tương ứng, giống như trong điều hành và quản lý nền kinh tế, điều hành và quản lý cần thích nghi với sự thay đổi của môi trường.

Tuy nhiên, chuẩn bị năng lực thích ứng là rất khó. Nền kinh tế có vững mạnh, dư địa chính sách còn nhiều, thị trường có đủ linh hoạt thì sức kháng cự với các cú sốc, khả năng thích ứng và khả năng thay đổi chiến thuật mới cao.

Mấu chốt của vấn đề là tính kỷ luật trong điều hành và thực thi chính sách phải "cao". Muốn đạt được điều này, thiết kế và triển khai chính sách cần minh bạch, trách nhiệm giải trình cao, phải gắn trách nhiệm đến từng cá nhân; và cơ chế thưởng – phạt cần phân minh và tương ứng với kết quả đạt được hay hậu quả gây ra.

Hơn nữa, như đội tuyển U23 cho thấy, để đạt được thành công còn cần sự đoàn kết của toàn đội và cần một thuyền trưởng có tầm nhìn, biết hướng cả đội đến mục tiêu chung.

Thủ tướng đã tuyên bố: "Thể chế, thể chế và thể chế". Mặc dù vậy, những thay đổi dường như là rất chậm. Theo ông đâu là nguyên nhân của điểm nghẽn. Việt Nam cần phải làm gì?

Thể chế đúng sẽ khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích người dân đầu tư vào giáo dục và đào tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ; vào cơ sở hạ tầng; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đến nền kinh tế nước ta. Từ đó tạo nên thịnh vượng cho nền kinh tế.

Ngược lại, thể chế sai sẽ cản trở cạnh tranh, cản trở đầu tư vào giáo dục – đào tạo, vào khoa học – công nghệ,.. hay nói chung là vào các nhân tố nâng cao năng suất và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Thủ tướng đã đúng khi lập lại ba lần từ "thể chế" bởi vì nó quá quan trọng cho sự thịnh vượng của một quốc gia.

Nhưng thể chế cho dù có tốt cho nền kinh tế trên tổng thể thì mỗi sự thay đổi của thể chế cũng đều có những người hay những nhóm mất mát từ đó. Vì thế, thiết kế thể chế cho sự thịnh vượng đã khó, việc triển khai thực hiện trên thực tế còn khó khăn hơn bởi những nhóm thất bại từ thay đổi thể chế sẽ phối hợp để ngăn cản sự thay đổi và cố gắng duy trì thể chế cũ đang đem lại lợi ích cho họ.

Chính phủ đã đề ra phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Chỉ cần Chính phủ kiên trì, bền bỉ (bền trí và bền khí) theo đuổi phương châm này trong mỗi chính sách được thiết kế; trong mỗi bước triển khai thực hiện từ trên xuống dưới thì tốc độ thay đổi thể chế theo hướng thân thiện với thị trường, hỗ trợ cạnh tranh, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới sẽ tăng dần đều. Từ đó, khả năng tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ dài càng cao và khả năng tạo nên sự thịnh vượng, trở thành con hổ mới của châu Á sẽ ngày một lớn hơn.

Cảm ơn ông!

   

Phương Ánh (Thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên