Diễn biến lạ ở Thế giới Di động; hơn 100 doanh nghiệp vàng bị 'sờ gáy'
Kiểm tra 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội; bất ngờ lý do 8 doanh nghiệp trượt gói thầu 'khủng' sân bay Long Thành; Thế giới Di động đóng cửa hơn 170 cửa hàng trong 1 tháng... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
- 25-08-2024Đồ thị giá "lạ" của cổ phiếu một doanh nghiệp có vốn Nhà nước vừa tăng sốc hơn 3.200% sau ba tháng
- 25-08-2024Lịch chốt quyền cổ tức tuần 26/8– 30/8: Cổ tức tiền mặt cao nhất 88%, hai ngân hàng "lăn chốt"
- 24-08-2024Cổ phiếu doanh nghiệp hàng không "siêu lợi nhuận" phá đỉnh lịch sử sau khi "dốc hầu bao" trả cổ tức tiền mặt 80%
Kiểm tra 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên ký ban hành kế hoạch kiểm tra 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể, lực lượng Quản lý thị trường sẽ kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, việc thực hiện niêm yết giá, chấp hành quy định về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm vàng, vàng trang sức.
Trong đợt kiểm tra này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tổ chức lấy mẫu kiểm định chất lượng vàng, các sản phẩm vàng trang sức để phát hiện các dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử, ứng dụng số trong kinh doanh vàng...
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đợt kiểm tra này nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh vàng giả, sản phẩm vàng trang sức có vi phạm về sở hữu trí tuệ; kinh doanh vàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, vi phạm về giá... góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường vàng.
Cũng theo kế hoạch này, danh sách các doanh nghiệp trong diện kiểm tra đợt này có nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý có quy mô lớn: Công ty vàng bạc đá quý Bảo Minh, Công ty TNHH vàng bạc Bảo Tín, Công ty TNHH vàng bạc đá quý Huy Thành; Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Xuân; Công ty vàng bạc Trọng Tín..
Sau khi đạt mức giá cao nhất kể từ đầu năm, ngày 24/8 giá vàng nhẫn tròn trơn bất ngờ quay đầu giảm. Chênh lệch giá mua vào - bán ra nhẫn tròn trơn ở mức 1,1 - 1,3 triệu đồng/lượng tuỳ doanh nghiệp vàng. Nếu trừ chênh lệch mua vào, bán ra, sau 1 tuần nắm giữ, người mua vàng lỗ 1,5 triệu đồng/lượng.
Bất ngờ lý do 8 doanh nghiệp trượt gói thầu 'khủng' sân bay Long Thành
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mời thầu gói thầu 4.7, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác của dự án thành phần 3, thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 .
Dự án có giá chào thầu hơn 6.300 tỷ đồng; phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; hình thức lựa chọn nhà thầu không qua mạng đấu thầu quốc gia.
Có 2 liên danh toàn những “ông lớn” tham gia gói thầu này, trong đó liên danh 1 gồm 8 nhà thầu: Đứng đầu liên danh là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả; Công ty CP Xây dựng Đèo Cả; Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả; Công ty CP Lizen; Tổng công ty Thăng Long-CTCP; Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long-CTCP; Công ty TNHH Hoà Hiệp; và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (viết tắt là Liên danh Đèo Cả).
Ngày 13/8/2024, ACV có thông báo số 3351/TB-TCTCHK VN, thông báo danh sách các nhà thầu đáp ứng và không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Theo đó, liên danh Đèo Cả bị loại vì không đáp ứng điều kiện về tư cách hợp lệ của hồ sơ mời thầu gói thầu số 4.7.
Cụ thể, thành viên Liên danh Đèo Cả là Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long - CTCP, số hiệu trên mạng đầu thầu quốc gia là vn2800177056 đã bị tạm ngưng trên hệ thống từ ngày 30/6/2024 đến thời điểm phê duyệt danh sách nhà thầu.
Theo một chuyên gia về đấu thầu, lỗi mà thành viên của liên danh Đèo cả vấp phải trong trường hợp này có thể nói là rất ngớ ngẩn. Theo Điểm a, Khoản 11, Điều 12, Nghị định 24/2024/NĐ-CP, các nhà thầu phải đóng phí duy trì tên và hồ sơ năng lực trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hằng năm là 330.000 đồng.
Thế giới Di động đóng cửa hơn 170 cửa hàng trong 1 tháng
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm, ghi nhận doanh thu thuần 76.541 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Như vậy, MWG đã hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu.
Trong cơ cấu doanh thu, Điện máy xanh chiếm tỷ trọng cao nhất với 46,2%, xếp sau là Bách hóa xanh 30,1%, Thế giới di động (gồm cả Topzone) 20,9% và cuối cùng là mảng khác. Cụ thể, doanh thu của Thế giới di động và Điện máy xanh đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ nhưng giảm so với tháng liền trước.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu của chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh đạt 51.300 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Bách hóa xanh mang về cho MWG khoảng 23.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Điểm đáng chú ý, làn sóng đóng cửa các cửa hàng thuộc Thế giới Di động vẫn tiếp tục lan rộng. Tính đến cuối tháng 7, MWG này còn 1.028 cửa hàng Thế giới di động (gồm Topzone), giảm 18 cửa hàng so với cuối tháng 6. Tương tự, chuỗi Điện máy xanh giảm 59 cửa hàng, xuống còn 2.034 cửa hàng.
Lý do ngân hàng 'dốc tiền' cho vay bất động sản
Vietbank cho vay kinh doanh bất động sản đạt 20.050 tỷ đồng, tăng 25%. Sau nửa năm qua, tỷ trọng tín dụng rót vào lĩnh vực này trên tổng tín dụng cũng tăng từ tỷ lệ 19,8% lên 22,5% tại ngân hàng này.
Nam A Bank có dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tăng từ 12.802 tỷ đồng lên 16.849 tỷ đồng sau 6 tháng, tức tăng gần 32%.
Theo báo cáo Thị trường bất động sản quý II của Bộ Xây dựng, chỉ trong 2 tháng đầu quý, các ngân hàng đã rót thêm vào thị trường bất động sản 42.640 tỷ đồng đưa tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản lên mức 1,2 triệu tỷ đồng.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng vừa công bố, Công ty Chứng khoán VPBankS cho biết, động lực tăng trưởng tín dụng bền vững cần xuất phát từ nhu cầu vốn của người dân và phần quan trọng trong đó là tín dụng được thúc đẩy bởi ngành bất động sản bao gồm nhu cầu mua nhà, kinh doanh bất động sản...
Nhóm tín dụng liên quan đến bất động sản được đánh giá là nhóm có nhu cầu vay vốn cao và ổn định, cũng như đi kèm các tài sản thế chấp giúp giảm rủi ro nợ xấu.
Du lịch đêm: 'Không làm thì thiếu, làm thì thừa'
Ngày 21/8, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng. Ông Hòa cho rằng, phát triển du lịch đêm trên thực tế còn nghèo nàn, hoạt động nghệ thuật chủ yếu vào cuối tuần.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để kích cầu, phát triển du lịch đêm, tăng cường các hoạt động giải trí lành mạnh, giữ chân du khách qua đêm, tạo nguồn thu cho các địa phương.
Trả lời chất vấn của đại biểu đoàn Đồng Tháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vấn đề này đã được ông trả lời tại kỳ họp thứ 7. Bộ VH,TT&DL đã có đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu, tính toán các dòng sản phẩm, đánh giá nhu cầu của khách du lịch để xây dựng phù hợp.
Bộ trưởng VH,TT&DL đồng tình với ý kiến của ĐBQH nêu và cho rằng, nhiều địa phương “không làm thì thiếu, làm thì thừa”. Làm ra khách hàng không đến như ĐBQH cảnh báo. Tuy nhiên, ông cho rằng đây là trách nhiệm của UBND, HĐND các tỉnh. Bộ VH,TTDL đã có các khung hướng dẫn chứ không thể làm sản phẩm du lịch riêng cho địa phương nào được.
Phó Tổng Giám đốc FLC từ chức trước ngày đại hội bất thường
Tập đoàn FLC vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thôi giữ các chức vụ của bà Trần Thị Hương tại tập đoàn. Theo đó, HĐQT chấp thuận cho bà Hương thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực, người phụ trách quản trị từ ngày 22/8.
Đối với đơn xin thôi giữ chức thành viên HĐQT của bà Hương, HĐQT sẽ tiến hành các thủ tục trình đại hội đồng cổ đông tại kỳ họp gần nhất.
Vừa qua, FLC bất ngờ triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường. Danh sách cổ đông tham dự họp sẽ được chốt vào ngày 12/9 tới. Thời gian và địa điểm họp chưa được công bố
Nội dung cuộc họp bao gồm việc miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT, ban kiểm soát; sửa đổi quy chế hoạt động của HĐQT, ban kiểm soát... Hiện FLC chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Tiền phong