Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi, phát triển kinh tế và doanh nghiệp
Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi, phát triển kinh tế và doanh nghiệp do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI tổ chức hồi 14h ngày 24/11 tập trung phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2021.
- 24-11-2020Hàng hóa qua cảng biển tăng mạnh bất chấp dịch Covid-19
- 24-11-2020Đường sắt từ TP. HCM đi Cần Thơ có thể đưa vào quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050
- 24-11-2020Asia Times: Việt Nam sẽ một lần nữa khiến các nước trong khu vực phải 'ghen tị'
Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi, phát triển kinh tế và doanh nghiệp tập trung phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2021, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo.
Từ trái qua phải: Ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế; TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
BA CHÂN KIỀNG CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM VẪN GIỮ VỮNG
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chúng ta đã trải qua 3/4 của năm 2020 đầy giông bão do đại dịch COVID-19 gây ra. Nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng rất nặng nề, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đồng loạt hạ mức tăng trưởng dự báo và bức tranh kinh tế thế giới đã ngày càng trở nên bi quan hơn.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Tuy vậy, theo Báo cáo Cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021.
Đáng chú ý, báo cáo đánh giá Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.
Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.
"Năm nay, chúng ta duy trì được tăng trưởng dương đã là kỳ tích. Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển sản xuất kinh doanh", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo đó, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, đối với mục tiêu kinh tế chúng ta đạt cả 3 yêu cầu ổn định, tăng trưởng và kết nối.
Chủ tịch VCCI so sánh: "Trong bối cảnh đen tối của nền kinh tế toàn cầu thì "bếp lửa" của nền kinh tế Việt Nam vẫn sáng đèn". Cụ thể, ba chân kiềng của nền kinh tế vẫn giữ vững. Ba chân kiềng đó gồm: đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ. "Đây là ba chân kiềng trong bếp lửa của nền kinh tế Việt Nam, là động lực tăng trưởng. Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương quyết liệt, kịp thời, các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội đã bước đầu phát huy tác dụng", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhận định rằng những biện pháp đã được triển khai kịp thời và bao phủ, nhưng quan trọng hết theo TS Lộc vẫn là khả năng chống chịu của người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI cho biết, niềm tin của người dân và doanh nghiệp vẫn rất lớn. "Qua đại dịch cũng như mỗi khi đất nước trải qua thời kỳ khó khăn, chúng ta đều nhận thấy chính niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là một trong những nguyên nhân quan trọng bậc nhất dẫn tới thành công của chúng ta", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhận định đất nước chưa khỏi những khó khăn, doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm, phụ hồi doanh nghiệp đang trở thành mệnh lệnh, Chủ tịch VCCI cho rằng "Song song với triển khai gói hỗ trợ lần 1 thì gói hỗ trợ thứ hai cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Những lĩnh vực mà nếu vượt khó khăn trước mắt sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng như hàng không, du lịch".
Nhận định sự hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không là đúng đắn và kịp thời, Chủ tịch VCCI cho rằng cũng cần hỗ trợ các hãng hàng không khác tiếp cận nguồn cho vay. "Đây là các biện pháp hỗ trợ có chọn lọc tập trung vào các doanh nghiệp có tiềm năng tạo sự phục hồi, động lực phát triển của nền kinh tế sau đại dịch", TS Vũ Tiến Lộc nói.
Cho biết ngay trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tâm sự rằng "không cần tiền, chỉ cần thể chế, cơ chế", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng tài khoá, tín dụng… luôn là hữu hạn, thì những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… luôn là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển.
"Xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tại ASEAN chưa được thay đổi nhiều, cho thấy chúng ta có nhiều dư địa. Tôi tin rằng việc dỡ bỏ rào cản, nâng cao sự cạnh tranh của môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội sẽ là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển. Đây chính là động lực cho phát triển. Đây chính là gói giải pháp quan trọng nhất", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định ngay trong những ngày tháng COVID-19 khó khăn này chúng ta vẫn ký kết RCEP. "Những nỗ lực hội nhập trong khu vực được xem là rộng lớn nhất trên thế giới. Có thể khẳng định, thúc đẩy hội nhập chính là một động lực cho tăng trưởng của Việt Nam", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, chuyển đổi số cũng là điểm tựa quan trọng cho bước phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
HỘI NHẬP QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN MỚI - CÁC VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý
Đánh giá về bối cảnh kinh tế chính trị thế giới hiện nay, ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế cho biết, Việt Nam đang tưng bừng đón cỗ xe toàn cầu hóa.
"Thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh của toàn cầu hóa. Sự phát triển nhanh chóng khoa học kỹ thuật đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình toàn cầu hóa tại tất cả các nước trên thế giới", ông Minh Anh nhấn mạnh. Cũng theo ông Minh Anh, trong 5 năm qua, chủ nghĩa bảo hộ, dân túy mạnh đã mạnh lên.
"Tổng thống Mỹ D.Trump xuất hiện đã làm chủ nghĩa bảo hộ, dân túy mạnh hơn khi tố cáo các nước xuất siêu cướp đi việc làm của nước Mỹ, hứa tạo ra 23 triệu việc làm mới, dọa đánh thuế vào hàng hóa Mexico, từ bỏ TPP, từ bỏ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu", ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.
Ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế
Ngoài ra, một trong những diễn biến có tác động lớn tới tình hình chính trị thế giới trong 5 năm qua chính là việc nước Anh rời khỏi EU và sự cải tổ của EU.
"Tất cả những sự kiện này đã tạo ra nguy cơ tới nền kinh tế Việt Nam khi chúng ta là một đất nước có độ mở cao" – ông nói và lý giải nguyên nhân của những nguy cơ này, ông Minh Anh cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc Trung Quốc đã và đang thể hiện tham vọng sẽ trở thành cường quốc số một trên thế giới cả trên lĩnh vực kinh tế và chính trị, an ninh.
"Ngoài ra, Trung Quốc đã và đang tập trung tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng cường quốc về công nghệ cao của thế giới. Cùng với đó chính là việc nước này đã và đang xây dựng các sáng kiến về khuôn khổ hợp tác về kinh tế, thương mại toàn cầu theo các giá trì của Trung Quốc", ông Minh Anh nhấn mạnh.
Ông Minh Anh nhấn mạnh hội nhập là chủ trương lớn của đất nước. "Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập nên mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng có nhiều mặt trái cần quan tâm", ông Minh Anh nhấn mạnh.
Theo đó, ông Minh Anh nhấn mạnh tới sự bất bình đẳng về thu nhập, phát triển không đều giữa các quốc gia; quyền của người lao động bị xâm phạm, môi trường bị hủy diệt khi biến đổi khí hậu và tài nguyên bị khai thác cạn kiệt.
Trong bối cảnh ấy, ông Minh Anh cho rằng, Việt Nam cần phải cố gắng tận dụng hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP.
"Cùng với đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục tận dụng thị trường Trung Quốc nhưng cũng phải có chiến lược phòng vệ, lặp lại sự cạnh tranh công bằng, dựng hàng rào cho các vụ M&A, từ bỏ ưu ái quá mức cho FDI và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt", ông Minh Anh nhấn manh.
XU HƯỚNG KINH DOANH VÀ HƯỚNG ĐI MỚI SAU ĐẠI DỊCH COVID-19
Đánh giá về xu hướng và hướng đi mới sau đại dịch COVID-19, ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, có 6 vấn đề cần lưu ý gồm: tác động không đồng đều của đại dịch, những cơ hội mới từ các nền tảng số, cơ hội từ phát triển hạ tầng năng lượng, cơ hội đầu tư vào ngành chăm sóc sức khoẻ, cơ hội từ xu hướng sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội từ sản xuất hàng xuất khẩu tận dụng EVFTA và RCEP.
Ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN
Cụ thể hơn, theo ông Thành, tác động không đồng đều của đại dịch được thể hiện về y tế và kinh tế, châu Âu và Hoa Kỳ đang chịu tác động nặng nề nhất; Châu Á có sức chống chịu tốt hơn; ASEAN là một điểm sáng của châu Á trong đó có Việt Nam. Tác động không đồng đều còn thể hiện ở các doanh nghiệp lớn thường bị ảnh hưởng nhiều hơn với nguyên lý"thuyền to sóng cả".
Chính vì vậy, kinh tế Internet là một điểm sáng trong bức tranh đại dịch tối tăm mà Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng 5% trong khu vực ASEAN. Trong đó, có một loạt nhóm hàng tăng trưởng mạnh liên quan đến thương mại điện tử như may mặc, hàng điện tử và thực phẩm. Những mảng như cho vay hay dịch vụ giáo dục, giải trí, nội dung số cũng tăng mạnh.
Xét về quy mô nền kinh tế Internet, Việt Nam đang được đánh giá ở mức 14 tỷ đô, ngang ngửa Thái Lan và chỉ xếp sau Indonesia. Nhìn sâu vào bức tranh này sẽ thấy, lượng khách hàng tăng đột biến từ 30-50%, đây là con số mà các ngành kinh doanh mơ ước.
Một ưu thế khác đó là đa số khách hàng đến từ khu vực thành thị, với những ưu điểm về sức mua, cơ sở hạ tầng với nền tảng công nghệ tốt, cùng mức thu nhập bình quân cao,... Trong tương lai, nếu đại dịch vẫn còn tiếp tục, giao dịch Internet sẽ còn tăng"nóng" với các nhóm ngành tiêu biểu như gọi xe điện tử, giao nhận thức ăn, tài chính ngân hàng,...
Riêng dịch vụ tài chính số, Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực, cụ thể là ứng dụng internet trong ngân hàng. Dự báo trong tương lai gần, các nhóm ngành mà đầu tư nước ngoài sẽ đổ tiền vào gồm lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và một số dịch vụ khác như phát triển hạ tầng, năng lượng, đòi hỏi nguồn đầu tư lớn.
"Chúng ta cần tận dụng hội nhập kinh tế quốc tế và sắp xếp lại cung ứng toàn cầu, đặc biệt không quên tập trung đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực thương mại điện tử đang thắp sáng bức tranh kinh tế hiện nay" – ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.
SỰ CẦN THIẾT DÒNG VỐN FDI CHO PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Bắc – Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP ĐMT Sunseap Link Việt Nam nhấn mạnh tới dòng vốn FDI. Là một doanh nhân Việt Kiều Canada, ông Bắc cho biết đã đầu tư vào Việt Nam hơn 20 năm qua. Theo ông, các vấn đề các dòng vốn FDI vào Việt Nam gồm vốn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và dòng vốn của bà con việt kiều đang đầu tư vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Bắc – Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP ĐMT Sunseap Link Việt Nam
"Đón dòng vốn FDI từ năm 1986, đến tháng 12/2019 chúng ta 335 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giải ngân được 193 tỷ USD. Đây là động lực quan trọng, tạo nhiều công ăn việc làm, tạo cơ hội để lao động Việt tiếp cận được xu hướng, kỹ thuật công nghệ mới… Chúng ta có đón được "đại bang" hay không còn do cơ chế và thể chế", ông Bắc nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, nếu không thu hút đầu tư nước ngoài chúng ta khó có thể "xoay chuyển càn khôn", bởi nền tảng công nghệ vẫn là từ thế giới.
Theo đó, ông Bắc chỉ ra hai vấn đề trong thu hút đầu tư FDI, từ năm 2000 trở lại đây kiều hối về trong nước rất lớn, nguồn vốn từ các kiều bào về Việt Nam đến nay đã đạt hơn 125 tỷ USD. "Do đó, cần cơ chế chính sách thu hút tốt hơn nữa, nhằm xây dựng lộ trình tháo gỡ và thu hút đầu tư", ông Bắc cho biết.
Do đó, ông Bắc kiến nghị, khi đã ra chính sách thì cần thông thoáng từ cấp trên đến địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà đầu tư.
Về ứng dụng công nghệ 4.0 cần có phân tích cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. "Muốn đất nước phát triển cần huy động các nguồn, muốn vậy, thể chế và luật pháp là quan trọng nhất, không thể "sáng nắng chiều mưa"", ông Bắc chia sẻ.
ĐỐI SÁCH CHO DOANH NGHIỆP TRONG MÔI TRƯỜNG KINH DOANH 2021
XU HƯỚNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH NĂM 2021
NHỮNG ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA CHUYÊN GIA, DOANH NGHIỆP
Điều phối viên nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, các nội dung thảo luận xoay quanh 3 vấn đề: Doanh nghiệp và sự tìm kiếm các cơ hội bứt phá; Vấn đề thể chế; Thị trường.
Theo ông Tuấn, các bài tham luận của các diễn giả xoay quanh 3 vấn đề: Thể chế; Hội nhập; Yếu tố mới trong kinh doanh trong thời kì hậu covid-19.
Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điều phối phiên thảo luận.
Ông Tuấn ví von, doanh nghiệp như một con tàu đang chuẩn bị hải trình mới khi chúng ta đang chuẩn bị kết thúc một năm đầy biến động và thế giới đang ở trạng thái tương đối tĩnh. Nhà nước như mặt biển và thị trường như môi trường xung quanh.
"Đại diện của Liên hợp quốc cho rằng thế giới đang ở trạng thái nén chuẩn bị cho một chu kì bung mới. Chìa khóa để gỡ nút nét là vắc xin. Có vắc xin chúng ta chưa thể thoát khỏi COVID nhưng chúng ta có thể thoát khỏi thế kìm hãm như hiện nay. Nếu doanh nghiệp không đón bắt được sẽ mất đi cơ hội trăm năm mới có", ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho biết, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất với Việt Nam là chưa tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, đang đi sau so với các quốc gia khác trong khu vực.
Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba)
"Giữa bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, Việt Nam dù chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy có nhiều dư địa để làm tốt hơn nữa" – ông Vân nói.
Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực; Hiệp định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký kết ngày 15/11/2020 vừa qua tại Hà Nội; đang đàm phán 2 FTA, thì Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.
Trong thu hút đầu tư, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ 2019 nhưng vẫn tốt hơn so với mức giảm trung bình 30%-40% trên toàn cầu năm 2020. Đây là kết quả ban đầu khá tốt so với phần còn lại của thế giới, là đòn bẩy để Việt Nam lội ngược dòng ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19.
"Ngành công nghiệp hỗ trợ đang cố gắng thích ứng để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Vân nói.
Về đề xuất, ông Vân cho biết mong muốn VCCI, các cơ quan Nhà nước, cộng đồng báo chí, các chuyên gia sẽ đồng hành để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có điểm tựa.
Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, rất cần tập trung vào giải pháp phát triển. Ngày 6/8/2020 Thủ tướng Chính phủ ký nghị quyết về các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ chỉ rõ các giải pháp, trách nhiệm cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện và cơ quan TW địa phương chung tay.
Để phát triển ngành, ông Vân cho rằng cần hai yếu tố là đào tạo nhân lực chất lượng cao và hạ tầng kết nối.
Ngoài ra, theo ông Vân, các bộ ngành địa phương xác định ưu tiên chiến lược, tạo khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao vai trò của các Hội, Hiệp hội như Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) trong liên kết các DN. Để từ đó, các DN Việt Nam, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có thể chủ động và sẵn sàng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã trở thành thảm họa toàn cầu, làm đảo lộn mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội con người. Cùng với sự lây lan dịch bệnh, tác động kinh tế của đại dịch là hết sức nghiêm trọng.
Kinh tế thế giới, vốn đã giảm tốc từ năm 2019, suy thoái nặng nề năm 2020. Nhiều đánh giá cho thấy GDP toàn cầu 2020 giảm tới khoảng 4% - 5%; thất nghiệp, thu hẹp giờ làm và giảm thu nhập đeo bám hàng trăm triệu lao động. Nhiều nước đã phải dùng các "gói" hỗ trợ kinh tế chưa từng có tiền lệ, cả về qui mô, diện bao phủ, biện pháp và trao quyền.
TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
Ông Thành cho biết, phía trước, rủi ro, bất định còn nhiều. Năm 2021 kinh tế thế giới được dự báo có mức tăng trưởng khá cao, có thể trên 5%, song thách thức và khó khăn vẫn rất lớn.
Với Việt Nam, ông Thành nhấn mạnh là một nền kinh tế hội nhập rất sâu rộng, đặc biệt với nhiều đối tác đầu tư, thương mại, du lịch chủ chốt (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ,…) đã và đang phải hứng chịu dịch bệnh rất nặng nề, tăng trưởng kinh tế giảm sâu.
"Bản thân Việt Nam cũng phải gồng mình chống dịch, chấp nhận "cách ly địa giới" và "giãn cách xã hội" ở những thời điểm dịch bùng phát (tháng 4 trên phạm vi cả nước; cuối tháng 7 và tháng 8 ở một số tỉnh thành). Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu những tác động rất tiêu cực của dịch Covid-19. Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,81% nửa đầu năm 2020, mức thấp nhất trong suốt tiến trình Đổi mới. Do dịch bùng phát trở lại cuối tháng 7 và tháng 8, tăng trưởng dự báo có thể chỉ đạt 2%-3% cho cả năm 2020", ông Thành nhấn mạnh.
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, ông Thành cho biết sáu tháng đầu năm 2020, gần 31 triệu lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực; con số đó trong tháng 8 là khoảng 5 triệu. Dịch Covid-19 tác động xấu tới gần như tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế như du lịch, lưu trú ăn uống, giải trí, vận tải, logistics, phân phối, công nghiệp chế tác, công nghiệp khai khoáng, và cả nông nghiệp.
Theo quan điểm của ông Thành đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn, càng phải cầm cự, duy trì "năng lượng" để khi cơn bão dịch đi qua, chúng ta có thể lại vươn lên mạnh mẽ.
Để Việt Nam bước qua khó khăn, ông Thành nhấn mạnh, trong một thế giới đang có những biến đổi sâu sắc, doanh nghiệp cần 8 nỗ lực:
Thứ nhất là tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTAs (như AEC; CPTPP; EVFTA,…) mà Việt Nam tham gia.
Thứ hai là tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất toàn cầu dựa trên kết nối, lựa chọn đối tác hiệu quả và "cùng thắng".
Thứ ba là chuyển động cùng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhất là chuyển đổi số
Thứ tư là, học hỏi và biết cách huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo.
Thứ năm là dối thoại và ứng xử theo luật, đảm bảo hợp đồng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, người lao động.
Thứ sáu là, xây dựng thương hiệu và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhân văn.
Thứ bảy là, "Đối thoại", đồng hành với Chính phủ, các bộ ngành, góp phần hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh.
Và cuối cùng là học và vận dụng tốt cách thức quản trị bất định và rủi ro.
"Nói ngắn gọn, doanh nghiệp cần tái cấu trúc trên cơ sở: nhận ra xu thế; tận dụng lợi thế; đau đáu sáng tạo; kết nối khôn ngoan; quản trị rủi ro. Tin rằng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, sự sáng tạo, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua được giai đoạn rất khó khăn hiện nay và vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời hậu dịch", ông Thành nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Traphaco
Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Traphaco bày tỏ, trong thời gian qua, ngành dược cũng gặp khó khăn khi tổng cầu giảm, người dân chỉ mua những sản phẩm cần thiết, tuy nhiên Traphaco vẫn hoàn thành kế hoạch, thậm chí vượt mức doanh thu so với cùng kỳ năm trước từ 12-13%.
Bà Thuận cho biết, đại dịch Covid-19 giống như một cơn"đại hồng thuỷ" gây khủng hoảng thế giới và ai ai cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, "dược phẩm là ngành kinh doanh có điều kiện khắt khe, chúng tôi cần nhà nước cũng phải hoạt động nhanh hơn, mạnh hơn, cùng sự chuyển động của doanh nghiệp, tháo gỡ cho doanh nghiệp về thời gian, chính sách,... Doanh nghiệp cần tăng sức đề kháng trước cơn đại dịch chưa có hồi kết, có thể diễn biến kéo dài tới những năm tiếp theo" – bà cho biết.
Bà cũng cho biết Traphaco đã áp dụng công nghệ số trong triển khai vận hành và quả thực chưa bao giờ lại có sự chuyển đổi nhanh như vậy, đó là thành quả của sự chuẩn bị từ trước.
"Không ai có thể nói trước điều gì cho đến khi khó khăn ập đến, nền tảng thực sự quan trọng, liên tục đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị tốt hơn. Cuối cùng là văn hoá doanh nghiệp, dù là cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, đoàn kết mới là sức mạnh và cần phát huy trong chặng đường dài" – bà Thuận nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Tân - Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Tân - Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất được hoãn đến 31/12/2020 nhưng đến nay vẫn chưa phổ biến cho các chi cục thuế các tỉnh để phổ biến đến doanh nghiệp. Trong khi đó hiện nay chính sách ngân hàng liên thông với thuế nên doanh nghiệp có hiện tượng nợ thuế được xem giống như nợ xấu ngân hàng.
Ông đề xuất "cần tách bạch việc nợ thuế để hỗ trợ việc vay vốn của doanh nghiệp". Ông Tân cũng cho biết hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp hầu như không được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viên nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (INBUS)
Ông Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viên nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (INBUS) cho biết, các nguồn lực đã được chuẩn bị sẵn sàng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, quỹ đổi mới khởi nghiệp quốc gia thành lập nhiều năm nay vẫn chưa hoạt động được, các doanh nghiệp chưa thể tiếp cận do điểm nghẽn cơ chế.
"Các chính sách từ chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thực thi, bản thân doanh nghiệp thậm chí không biết để tiếp cận. Nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí thời gian, nỗ lực để tiếp cận các gói này là rất lớn, lớn hơn nhiều so với việc hiệu quả từ các nguồn hỗ trợ này", ông Quân cho biết.
Trong khi đó, nhiều cơ quan không biết dựa vào đâu để hỗ trợ doanh nghiệp "vì vậy, vấn đề là chúng ta chọn đối tượng hỗ trợ" do đó, ông Quân cho rằng, chất lượng hỗ trợ cần được bàn tới. Một trong những trọng tâm mà được vị chuyên gia nhấn mạnh tới là cần khảo sát sâu rộng để thấy doanh nghiệp thiếu gì, yếu gì thì hỗ trợ đó.
Ông Trịnh Minh Anh – Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế
Ông Trịnh Minh Anh – Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, thế giới vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ và chúng ta vẫn chịu sự kiểm soát về xuất xứ hàng hoá, đổi lại doanh nghiệp đã kịp đón lõng được sự dịch chuyển đầu tư từ các nước trên thế giới.
Ông cho rằng, thời gian tới, việc xuất khẩu sang Mỹ có thể không dễ dàng nếu Mỹ đánh thuế cao các mặt hàng, mặc dù không giống như việc Mỹ đánh thuế với Trung Quốc trong cuộc so găng giữa hai quốc gia, nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam.
"Điểm sáng là Việt Nam có các kênh mới như TPP, EVFTA,... Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý khai thác tốt thị trường Trung Quốc" – ông Minh Anh nói và cho biết "chúng ta không nên từ bỏ thị trường này dù chuyện gì xảy ra, vì chúng ta xuất khẩu được rất nhiều. Cuối cùng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp nên tận dụng các cơ hội từ chuyển hướng thương mại".
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, tại địa phương, nhiều doanh nghiệp không biết về các chính sách hỗ trợ của địa phương.
"Tôi đi hơn một chục tỉnh và thấy rằng nhiều doanh nghiệp không biết về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tại sao lại như vậy? Qua quá trình tiếp xúc, tôi thấy rằng việc tuyên truyền phổ biến của nhiều địa phương về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ còn nhiều hạn chế", ông Long nhấn mạnh.
Một vấn đề khác cần lưu ý chính là về ưu đãi của các nhà đầu tư của các địa phương vẫn còn hạn chế. "Đã có tỉnh nào có riêng những khu đất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa? Tôi thấy là chưa có", ông Long đặt vấn đề.
Ngoài ra, cũng theo ông Long, vấn đề thanh, kiểm tra doanh nghiệp cũng là vấn đề cần phải lưu tâm.
"Nhiều tỉnh có chính sách nếu thanh tra thì quyết định tập hợp lại tất cả các vấn đề thanh tra để làm cả thể, tránh tình trạng thanh tra rải rác làm khó doanh nghiệp. Với việc này, nhiều nơi như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… đang làm rất tốt và các nơi chưa tốt hoàn toàn có thể cải thiện được vấn đề này", ông Long nhấn mạnh.
Nhắc lại đại dịch COVID0-19, ông Long nhấn mạnh, thời gian đại dịch đã tác động lớn tới các doanh nghiệp tư nhân.
"Từ giờ đến cuối năm, chúng ta có thể xuất khẩu được hơn 35 tỷ USD, đây là một điểm sáng ấn tượng. Trong đại dịch chúng ta cũng chứng kiến các doanh nghiệp tư nhận chuyển nhanh chóng từ xuất khẩu dệt may sang xuất khẩu trang thiết bị y tế", ông Long nhấn mạnh.
Với khu vực kinh tế nhà nước, ông Long nhấn mạnh thời gian qua nhắc đến khu vực kinh tế nhà nước chúng ta thường có cách tiếp cận tiêu cực.
"Chúng ta hay gắn cho doanh nghiệp nhà nước các từ ngữ tiêu cực như: "chậm cổ phần hóa, phát triển không xứng với nguồn lực nhưng cũng cần phải nhìn nhận lại rằng nhiều doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa lại hoạt động rất hiệu quả", ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, để khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, thì các doanh nghiệp này cần phải đổi mới cách làm, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tổng kết lại Diễn đàn, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổng hợp lại những nội dung chính.
Ông Tuấn cho biết, tại diễn đàn đại diện các cơ quan nhà nước, các chuyên gia, các doanh nghiệp đã đưa ra các góc nhìn về vai trò nhà nước, tác động của thị trường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sự thay đổi của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Ở đây, vai trò của nhà nước chủ yếu tập trung vào vấn đề thể chế, đồng thời làm sao để hỗ trợ thứ nhất về mặt kiến tạo, thứ hai là khai thác hợp lý các nguồn lực; thứ ba là về xây dựng các lộ trình phù hợp cho doanh nghiệp và thứ tư là dẫn đường cho chuyển đổi số.
Đối với thị trường, chúng ta đều có chung nhận thức về môi trường kinh doanh hiện nay đang biến đổi rất nhanh và rất khó lường, các ngành nghề đang có sự thay đổi trong tương lai và chủ nghĩa bảo hộ như chủ nghĩa đơn phương đang trở thành xu hướng trong các thị trường lớn.
Đối với doanh nghiệp, vấn đề lớn nhất là doanh nghiệp tự thân như người ta vẫn nói "quả trứng được đập từ bên trong hay được đập từ bên ngoài" và chúng ta cần khai thác tối đa các cơ hội mới như FTA, chuyển đổi số, chuyển dịch trong các chuỗi cung ứng cũng như dòng tiền tệ mới cụ thể hơn nữa như các mặt hàng mới theo xu hướng trong thời gian tới.
Diền đàn doanh nghiệp