Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018: Không dừng lại ở thảo luận mà tiến tới đối thoại chính sách cấp cao!
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ mang đến bức tranh tổng thế về nền kinh tế Việt Nam cùng những góc nhìn, giải pháp cụ thể. Các nội dung nổi bật trong Diễn đàn ngay lập tức sẽ được đưa ra đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ.
- 02-01-2018Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng
- 01-01-2018Kinh tế Việt Nam 2018: Lạc quan thận trọng, hành động tự tin
Chiều nay (04/01/2018), Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi thông tin trước thềm Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018. Đây là sự kiện thường niên do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và các tổ chức quốc tế.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay dự kiến sẽ diến ra trong hai ngày 11 – 12/01, với 500 – 600 đại biểu tham dự. Diễn đàn lần II này sẽ tập trung vào chủ đề tăng trưởng nhanh và bền vững.
Dự kiến cuối tháng 3, Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính Trị đề án tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới theo hướng nhanh và bền vững. Ban Kinh tế Trung ương cho rằng Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 là cơ hội để chắt lọc những kiến nghị của các chuyên gia cũng như các bộ ngành.
Ngoài bức tranh tổng thể về nền kinh tế Việt Nam, Diễn đàn năm nay hứa hẹn sẽ mang đến nhiều góc nhìn cụ thể. Ban Kinh tế Trung ương cho biết đây chính là điểm khác biệt của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018.
“Bên cạnh những giải pháp tổng thế, chúng tôi muốn so sánh với những trường hợp rất cụ thể của các nước, từ đấy để thấy rằng giải pháp nào mang tính chất đột phá”, Ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Theo đó, ngày đầu tiên (11/01) sẽ diễn ra Hội thảo Kinh tế Vĩ mô nhìn lại nền kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018. Kinh tế Việt Nam có những thành công bứt phá trong năm 2017 như tăng trưởng cao và lạm phát thấp. Năm 2018, liệu những thành công này còn tiếp tục được duy trì trong bối cảnh hội nhập, nhiều hiệp định FTA được triển khai, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng sớm bị xóa bỏ? Bên cạnh đó, các vấn đề như nợ công, động lực tăng trưởng cho năm 2018 và quan điểm của các doanh nghiệp về môi trường vĩ mô của Việt Nam cũng sẽ được đề cập trong Hội thảo.
Ba chuyên đề chính của diễn đàn là công nghệ, năng lượng xanh; năng suất lao động và quản trị rủi ro tín dụng trong Thương mại & Đầu tư. Mỗi chuyên đề đều có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
Chủ đề năng lượng xanh có sự tham gia của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông John Kerry hiện đang chủ trì một nhóm nghiên cứu ở Đại học Harvard về trường hợp năng lượng sạch của Việt Nam. Ban Kinh tế Trung ương cho rằng phát triển năng lượng sạch không chỉ đề đáp ứng nhu cầu năng lượng mà còn thu hút được những nhà đầu tư lớn đến Việt Nam.
Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa cũng là một yếu tố then chốt quyết định sự phát triển kinh tế, nhất là khi năng suất lao động của nước ta còn thấp so với khu vực và thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội lẫn thách thức cho đột phá năng suất dựa trên sáng tạo và công nghệ. Để tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam cần xác định được chiến lược thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong trung và dài hạn.
Cuối cùng, cải thiện minh bạch và chất lượng thông tin tài chính doanh nghiệp giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội áp dụng công nghệ quản lý dữ liệu lớn nhắm cải thiện quản trị rủi ro tín dụng cho doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia trong nước và đại diện của các tổ chức quốc tế (World Bank, IMF, ADB, JICA…) sẽ tham gia trình bày vào thảo luận tại Diễn đàn.
Không chỉ dừng lại ở các bài trình bày hay thảo luận của chuyên gia, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 còn diễn ra Phiên đối thoại chính sách cấp cao vào ngày 12/01. Những nội dung nổi bật được thảo luận trong ngày thứ nhất sẽ được tổng hợp lại để đối thoại với lãnh đạo Nhà nước.
Phiên đối thoại chính sách dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều lãnh đạo từ trung ương đến địa phương như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank Việt Nam và ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện IMF Việt Nam.