MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM 2024 - PHIÊN THỨ BA: Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công: Thay đổi cách làm

Các khách mời tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Phiên thứ 3: "Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công" đã hiến kế, góp ý nhiều giải pháp mới, hay

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM:

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH

Ngân hàng đáp ứng tốt nhu cầu vốn

Các dự án, công trình lớn như hạ tầng giao thông, năng lượng và điện, đường, trường, trạm... đều có sự tham gia của vốn tín dụng ngân hàng. Dòng vốn này đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời có sự tác động tích cực trở lại đối với tăng trưởng tín dụng.

Ở góc độ vĩ mô, khi dự án đầu tư công được thực hiện, nguồn vốn được hấp thụ, tạo lập được dòng tiền sẽ mang ý nghĩa rất lớn trong việc đưa dòng tiền trung chuyển vào thị trường. Với nhu cầu vay vốn tín dụng của các nhà thầu, đơn vị thi công tham gia dự án đầu tư công hiện nay, ngành ngân hàng hoàn toàn đáp ứng được.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM:

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA

Cần xã hội hóa dự án đầu tư công

Các dự án đầu tư công hiện nay đều do nhà nước hay ban quản lý dự án thực hiện. Có tình trạng thừa tiền nhưng nghẽn giải ngân do vướng ở cơ chế, thủ tục, quy trình và đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ. Các cơ quan, ban, ngành cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận trong triển khai dự án.

Cộng đồng doanh nghiệp hiện rất sốt ruột vì phải giải ngân nhanh cho các dự án đầu tư công thì mới có việc làm. Doanh nghiệp sẵn sàng bảo đảm bằng nguồn vốn chủ sở hữu song cũng cần có sự hỗ trợ của các ngân hàng thông qua tài trợ vốn lưu động không bảo lãnh, thế chấp bằng quyền thu hồi tiền thi công.

Dự án nút giao An Phú ở cửa ngõ phía Đông TP HCM khởi công cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dự án nút giao An Phú ở cửa ngõ phía Đông TP HCM khởi công cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông NGUYỄN NGỌC NGHIỆM, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng Bản Việt (BVBank):

Ông NGUYỄN NGỌC NGHIỆM

Ông NGUYỄN NGỌC NGHIỆM

Giải pháp tài chính trọn gói

Đối với lĩnh vực đầu tư công, BVBank cung cấp hạn mức tín dụng dựa trên việc đánh giá tổng thể phương án và dòng tiền của khách hàng, tỉ lệ tài trợ lên đến 80% giá trị hợp đồng thi công. BVBank cung cấp lãi suất cố định từ 5,5%/năm, giúp các dự án đầu tư công dễ dàng quản lý dòng tiền và giảm thiểu rủi ro lãi suất. Ngân hàng cũng sẵn sàng chấp nhận tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ từ hợp đồng thi công với tỉ lệ tài trợ lên đến 70%. Bên cạnh đó là chính sách phát hành bảo lãnh với tỉ lệ ký quỹ từ 0% và tỉ lệ tín chấp lên đến 100%...

Ông LÊ BÁCH CƯƠNG, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam thuộc Cục Quản lý Đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT):

Ông LÊ BÁCH CƯƠNG

Ông LÊ BÁCH CƯƠNG

Nghiên cứu vật liệu thay thế

Các dự án ở khu vực miền Trung và miền Bắc cơ bản không thiếu vật liệu xây dựng nhưng vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ gặp một số khó khăn, nhất là dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Để tháo gỡ, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề xuất giao chỉ tiêu cho các địa phương chuẩn bị nguồn vật liệu để thực hiện các dự án. Dự kiến tháng 9-2024 sẽ tháo gỡ được nguồn vật liệu cát ở Tây Nam Bộ. Bộ GTVT cùng các bộ cũng đã nghiên cứu, triển khai nguồn vật liệt thay thế, trong đó có giải pháp thí điểm sử dụng cát biển mở rộng.

ThS CAO MINH NGHĨA, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM:

ThS CAO MINH NGHĨA

ThS CAO MINH NGHĨA

Tháo gỡ vướng mắc cho quỹ đầu tư phát triển

Có 2 giải pháp cho vấn đề quỹ hạ tầng giao thông, gồm tận dụng quỹ đầu tư phát triển của các địa phương và thành lập quỹ mới. Tận dụng quỹ cũ có ưu điểm là làm nhanh nhưng vướng về pháp lý. Còn nếu lập quỹ mới thì sẽ áp dụng các quy định mới dễ hơn song sẽ rất nhiêu khê, phải qua nhiều thủ tục phức tạp.

Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội cho phép TP HCM sử dụng ngân sách địa phương cho công trình giao thông trọng điểm mang tính chất liên tỉnh nhưng chỉ ở một vài dự án, chưa có công thức chung.

TRƯƠNG NGUYỄN HIẾU, Trưởng Phòng Quản lý đầu tư công - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh:

Bà TRƯƠNG NGUYỄN HIẾU

Bà TRƯƠNG NGUYỄN HIẾU

Tháng 4-2025, bàn giao mặt bằng cao tốc TP HCM - Mộc Bài

Liên quan dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, UBND tỉnh Tây Ninh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông làm chủ đầu tư dự án thành phần 4 giải phóng mặt bằng đoạn qua Tây Ninh.

Tây Ninh đã bố trí vốn cho dự án và đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để triển khai giải phóng mặt bằng với tổng số vốn hơn 1.500 tỉ đồng. Dự kiến đến trước ngày 30-4-2025, tỉnh Tây Ninh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án. 

Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN

Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN

Tham khảo cách làm hay của các nước

Qua phân tích của các chuyên gia và nhà đầu tư, hiện nay có những điểm nghẽn cần tháo gỡ trong giải ngân đầu tư công. Do đó, Báo Người Lao Động quyết định chọn chủ đề này cho phiên thứ 3 của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024.

Cần nhìn nhận rằng trong đầu tư công, câu chuyện "không tiền thì kêu, có tiền thì không tiêu" là vô lý. Vướng mắc nằm ở cơ chế, cách làm, cần giải quyết để thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, địa chính trị có những yếu tố tác động từ bên ngoài. Đồng thời, phải huy động được mọi nguồn lực của xã hội. Có thể tham khảo cách làm hay của các nước, rút ra kinh nghiệm phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Với sự quyết liệt và tâm huyết của lãnh đạo TP HCM nhằm thúc đẩy đầu tư công, hy vọng từ nay tới cuối năm, lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp cho đầu tư công của cả nước, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa để nền kinh tế chuyển dịch tích cực.


Theo Thái Phương - Lê Tỉnh (ghi)

Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên