MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện gió khó hoàn vốn?

Các nhà đầu tư mong Chính phủ đưa ra mức giá mua điện gió hấp dẫn ngay lúc này, sau đó giảm dần.

Bộ Công Thương vừa chính thức đề xuất Chính phủ mức giá mua điện gió của các dự án trên bờ tương đương 8,77 cent/KWh, tăng khoảng 1 cent so mức giá 7,8 cent hiện nay do các dự án điện gió đều gặp khó khăn, nhất là thu xếp vốn vay, lợi nhuận thấp, dự án không hiệu quả.

Kết nối cũng khó

Theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ , quy định giá điện gió của các dự án trên đất liền hiện nay là 7,8 cent/KWh và đã áp dụng cho 2 dự án đã hoạt động tại tỉnh Bình Thuận là Phú Lạc và Phong điện I Bình Thuận, riêng nhà máy điện gió ở tỉnh Bạc Liêu (đầu tư trên biển) được áp dụng giá 9,8 cent. Với mức giá này, theo Bộ Công Thương, các dự án đều khó khăn trong thu hồi vốn. Mức giá này cũng xếp trong nhóm giá năng lượng tái tạo thấp nhất thế giới.

Theo đại diện chủ đầu tư dự án điện gió Phú Lạc, hiện khó khăn nhất là giá điện gió thấp nên thu hồi vốn lâu. Chưa kể kết nối lưới điện cũng khó khi nhiều dự án muốn đấu nối nhưng đường dây không đáp ứng được. Có những dự án phải tự đầu tư thêm đường dây để đấu nối. Cùng đó, vận hành điện gió cần nhân sự trình độ cao nhưng thị trường điện gió chưa phát triển, thiết bị hỏng hóc thì sửa chữa rất khó khăn nên phải dự phòng lớn dẫn đến hiệu quả kinh tế giảm.

Một dự án điện gió đã hoạt động tại tỉnh Bình Thuận

Một dự án điện gió đã hoạt động tại tỉnh Bình Thuận

"Với mức đầu tư 1.100 tỉ đồng và giá điện 7,8 cent thì dự kiến Phú Lạc phải mất 14 năm mới hoàn vốn bởi dù doanh thu đạt 100 tỉ đồng/năm nhưng trả vốn vay và lãi mất 80 tỉ đồng, chưa kể phần phục vụ cho vận hành, bảo dưỡng và lương" - vị đại diện này cho biết và nói nếu giá mua điện gió 8,77 cent/KWh thì nhà đầu tư yên tâm hơn để tiếp tục làm. Ngoài Phú Lạc, đơn vị này cũng đã đăng ký, khảo sát và phát triển dự án nhà máy điện gió Hải Lợi (tỉnh Ninh Thuận) với chi phí bỏ ra khá lớn. Nếu không nhanh chóng triển khai thì khả năng bị thu hồi dự án và mất số tiền đầu tư. Nhưng để thành công vẫn cần những điều kiện khác, chẳng hạn tổng chi phí vay phải nhỏ hơn 4%/năm và thời gian trả nợ phải lớn hơn 13 năm.

Phải giảm chi phí đầu tư

Trên cả nước, hiện có 48 doanh nghiệp đăng ký làm điện gió với quy mô xấp xỉ 5.000 MW, vượt xa mục tiêu đề ra trong tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh là 800 MW vào năm 2020. Nếu giá điện đề xuất được phê duyệt, giới đầu tư chắc chắn quan tâm và mục tiêu của tổng sơ đồ điện VII đề ra sẽ tiệm cận với thành công.

Tuy nhiên, nếu mức giá điện gió tăng theo đề xuất sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 0,08 đồng/KWh trong năm 2017 và 0,23 đồng/KWh năm 2019. Tuy mức ảnh hưởng trước mắt có vẻ không đáng kể nhưng trong bối cảnh sẽ tăng dần sản lượng điện gió thì mức ảnh hưởng sẽ tăng dần qua mỗi năm.

Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng cùng với tăng giá mua điện, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan phải nghĩ đến bài toán giảm chi phí đầu tư cho điện gió. Hiện suất đầu tư điện gió đang rất cao, ở mức 2 triệu USD/MW. Trong đó, cần tăng nội địa hóa, nhất là những phần Việt Nam có thể làm được như thân cột, thiết bị điều khiển, công tác xây dựng. Trong tương lai, Việt Nam có thể sản xuất được thêm phần cánh quạt (chiếm 10% giá thành), máy phát (7% giá thành)... Chỉ những phần không thể làm được như máy phát, tua-bin thì có thể nhập khẩu.

Cùng với đó, lãi suất cho vay với các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, cũng cần có những ưu đãi nhất định. Đối với các dự án điện gió nằm trong vùng dự trữ khoáng sản titan trong tầng cát đỏ cũng cần kiến nghị Chính phủ có chủ trương ưu tiên cho các dự án điện được thực hiện trước. "Ở các nước châu Phi, châu Mỹ, điện gió là loại hình rẻ nhất để tăng sản lượng điện phục vụ nhu cầu sản xuất. Chi phí làm điện gió tại các quốc gia cũng đang đi xuống. Việt Nam cũng phải như vậy" - một chuyên gia cho hay.

Một phương án được các nhà đầu tư góp ý là Chính phủ nên đưa ra mức giá hấp dẫn ngay lúc này để kích thích đầu tư rồi sau đó giảm dần, nhiều nước khác đã áp dụng và thành công. Việt Nam đang làm ngược lại, tức là đưa ra giá điện thấp rồi sau đó tăng dần thì các nhà đầu tư sẽ luôn trong tình trạng chờ đợi, thất vọng và không khuyến khích tăng trưởng được nguồn năng lượng tái tạo.

Tăng giá lên 12 cent/KWh vào năm 2020

Theo các nhà đầu tư, Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ xem xét tăng giá mua điện gió lên mức 12 cent/KWh vào năm 2020 nhằm thu hút các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay. Ngoài ra, cần có chính sách để các nhà đầu tư được tiếp cận và vay vốn từ các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để phát triển điện gió.

Theo Phương Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên