MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện hạt nhân 10 tỷ USD: Tạm lùi hay dừng hẳn?

Sau 7 năm kể từ khi được QH duyệt chủ trương đầu tư, Dự án điện hạt nhân10 tỷ USD đã được đề xuất tạm dừng. Nói “không” với điện hạt nhân hay chỉ tạm lùi lại là điều còn bàn luận.

Chưa chuẩn bị tốt nhất

Đề xuất của Chính phủ về việc dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được Quốc hội xem xét vào chiều nay (10/11).

Giải thích lý do phải dừng dự án, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng: Hiệu quả đầu tư và nhu cầu không phải là cấp thiết so với dự báo trước đây. Việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác về mặt kinh tế.

Trao đổi với PV.VietNamNet, GS.TSKH Trần Hữu Phát, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cũng khẳng định: Dứt khoát phải lùi thời gian khởi động dự án này, vì chúng ta chuẩn bị chưa thật tốt.


Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Lý do, theo GS. Trần Hữu Phát, trước hết là luật pháp chưa ổn, đó là cái gốc của vấn đề. Luật Năng lượng nguyên tử Việt Nam còn nhiều điều bất cập và cần phải sửa.

Nhưng vị chuyên gia này lo nhất là nguồn nhân lực. GS. Trần Hữu Phát thẳng thắn: Nguồn nhân lực chưa được chuẩn bị kỹ. Đào tạo nhân lực những năm qua chưa đáp ứng, kể cả nhân lực để đảm bảo thực thi pháp luật về năng lượng nguyên tử lẫn vận hành một nhà máy điện hạt nhân.

“Đó là cái tôi lo nhất. Vì để nhà máy điện hạt nhân hoạt động an toàn, ngoài công nghệ, thiết bị, phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Cục An toàn bức xạ hạt nhân, phải đóng vai trò chủ yếu. Hiện Cục đó chưa sẵn sàng, ít nhất trong 5 năm nữa”, GS. Trần Hữu Phát nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cán bộ R&D (nghiên cứu và phát triển) của Việt Nam lại vừa mỏng vừa yếu. Chúng ta có một số người có trình độ nhất định, nhưng chưa thấm vào đâu so với yêu cầu khi đứng trước việc chúng ta chính là chủ đầu tư, phải có cán bộ thực sự am hiểu thấu đáo công nghệ điện hạt nhân.

“Nếu thực hiện dự án theo kiểu chìa khóa trao tay mà một số nước đã làm thì đỡ vì trách nhiệm thuộc bên bán thiết bị, công nghệ cho mình. Nhưng ta không đặt vấn đề với Nga hay Nhật, mà vẫn nhận một phần trách nhiệm trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, kể cả phần an toàn, lựa chọn trang thiết bị. Trong khi chưa có đội ngũ R&D xứng tầm, thì tôi thấy chưa ổn về mặt thực tế cũng như logic”, vị giáo sư nhiều kinh nghiệm lo ngại.

“Vì ba lý do đó nên tôi nghĩ, nên lùi lại một thời gian để hoàn thiện”, ông khẳng định.

Ủng hộ việc dừng dự án, TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty năng lượng sông Hồng, nói thêm Việt Nam chưa chuẩn bị kịp nguồn nhân lực nên việc dừng hay lùi giãn dự án này là hợp lý, nhất là khi nhân lực quản lý, vận hành, kỹ thuật của Việt Nam chưa thích ứng được với điện hạt nhân.


Một nhà máy điện hạt nhân

Một nhà máy điện hạt nhân

Ngoài ra, ông Sơn cho biết: Hiện nay người ta coi hạt nhân không phải là nguồn điện sạch nữa, mà là nguy hại, rất bẩn. Trong khi ở Việt Nam chưa có công nghệ xử lý chất thải hạt nhân sau khi sử dụng. Tất cả các nước trên thế giới đều phải nhờ Mỹ và Nga xử lý mà chi phí lại rất đắt.

Chỉ là tạm dừng, còn dừng hẳn thì phải bàn

Không làm điện hạt nhân, Việt Nam sẽ dựa vào nguồn điện nào để phát triển kinh tế?

TS. Nguyễn Thành Sơn cho hay: Trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam, nhiệt điện, thủy điện chiếm phần lớn. Thủy điện đã khai thác tối đa, còn lại nhiệt điện than, dầu, khí. 3 nguồn nhiên liệu hóa thạch này trong nước thì hữu hạn, song trên thế giới vẫn có cơ hội để chúng ta nhập khẩu về.

“Tất nhiên dầu thì đắt, nhưng nhập than hoàn toàn có khả năng, không có gì đáng ngại. Vấn đề là sử dụng có hiệu quả. Nếu Chính phủ hoãn triển khai hay dừng dự án điện hạt nhân thì cũng không có vấn đề gì cả, chỉ cần đẩy nhiệt điện than, đặc biệt là nhiệt điện chạy khí hóa lỏng lên”, ông Sơn đề xuất.

GS. Trần Hữu Phát lại có quan điểm hoàn toàn khác. Ông cho rằng: Dừng theo nghĩa lùi lại, chưa triển khai ngay theo kế hoạch đã định là đúng đắn. Nếu dừng theo nghĩa thôi không làm nữa, thì ông cho là “đáng tiếc” vì trước sau ta vẫn cần điện hạt nhân.

Nhu cầu phát triển kinh tế tiếp tục đòi hỏi cao về điện năng. Nhưng thủy điện đã cạn kiệt, chỉ trông vào nhiệt điện và điện hạt nhân.

GS. Trần Hữu Phát chia sẻ: Nhiệt điện phát bằng than và dầu, khí. Nếu phát bằng khí là tốt nhất vì đảm bảo môi trường đỡ ô nhiễm, phát bằng dầu cũng đỡ ô nhiễm nhưng giá thành cao, nền kinh tế và người dân khó chịu nổi. Còn phát bằng than thì gây ô nhiễm rất lớn, chưa kể nguồn than không đủ.

Điện gió lại chỉ phù hợp bổ sung ở những vùng có gió và không có truyền tải điện.

“Khi ấy lấy điện ở đâu? Chỉ còn cách đưa điện hạt nhân vào với nhịp điệu phù hợp. Nước ta không còn cách nào khác”, GS. Phát bày tỏ và nhắc lại: “Nếu dừng dự án theo nghĩa lùi triển khai thì tích cực. Còn dừng hẳn thì có lẽ phải tính lại”.

Việt Nam đã chuẩn bị 2 dự án điện hạt nhân song song tại Ninh Thuận. Nhà máy số 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam do Nga hỗ trợ về công nghệ, nguồn vốn khoảng 8-10 tỷ USD. Nhà máy còn lại ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải do Nhật giúp đỡ. Việc khởi công dự kiến diễn ra cuối năm 2014 và phát điện năm 2020.

Tuy nhiên, thời gian khởi công đã dời lại sau năm 2020.

Theo Lương Bằng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên