"Điện là hàng hóa đặc biệt, không phải cứ dư là cất vào kho"
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, để đảm bảo an ninh năng lượng khi nền kinh tế chỉ cần tăng trưởng 1 thì nhu cầu về điện phải tăng trưởng 1,5.
- 05-11-2024EVN đề xuất thí điểm tính giá điện 2 thành phần
- 01-11-2024Thủ tướng: Giá điện không được 'giật cục', xem xét nhập khẩu từ Trung Quốc
Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết, năm 2023, Quốc hội đã có một chuyên đề giám sát thực thi chính sách pháp luật về năng lượng giai đoạn 2016-2020.
Ông Hạ nhấn mạnh, điện là hàng hóa đặc biệt, không phải dư chúng ta cho vào kho đóng bao mà nhu cầu của nền kinh tế bao nhiêu chúng ta phải phát ra bấy nhiêu, phải đáp ứng được bấy nhiêu. Do vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng khi nền kinh tế chỉ cần tăng trưởng 1 thì nhu cầu về điện phải tăng trưởng 1,5, đó là theo quy luật.
"Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như thế này nếu chúng ta không chuẩn bị trước một bước thì vấn đề an ninh năng lượng sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho nên tôi cho rất cần thiết và cấp bách khi phải sửa Luật Điện lực cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện lực", ông Hạ nêu quan điểm.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)
Liên quan đến nội dung Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết có một số nội dung chúng ta đang khuyến khích để phát triển như vấn đề phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo. Song theo dự thảo lại quy định là trước khi đầu tư nguồn điện thì tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thỏa thuận với các đơn vị mua điện,
"Tôi thấy nếu quy định như vậy thì không khuyến khích được. Bởi vì, nhà nước chỉ độc quyền ở điều độ hệ thống và vận hành lưới điện, còn lại chúng ta là kinh tế thị trường, trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân sản xuất ra, người ta có thể bán điện và người ta thuê đường truyền tải được không? Chúng ta phải quy định như vậy. Bây giờ họ tự sản xuất, họ muốn thuê lại đường truyền tải, họ trả tiền cho Nhà nước, còn lại chỗ dư thừa nữa, vậy đặt vấn đề như thế có được không?", ông Hạ nêu quan điểm.
Đề xuất cơ chế tính giá điện linh hoạt
Cùng tham gia góp ý, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực.
Đại biểu đề xuất xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. Theo ông Bình, điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điểm và quy trình điều chỉnh giá điện.
Ngoài ra, các điều chỉnh giá điện nên được công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)
Về giải pháp triển thị trường điện cạnh tranh, đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, dự thảo luật cần có lộ trình rõ ràng cho việc chuyển đổi từ cơ chế đặc quyền sang thị trường điện cạnh tranh.
Bổ sung quy định cụ thể về các bước thực hiện mở cửa thị trường điện, bao gồm thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý công việc giám sát và điều phối thị trường điện, nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch.
Cùng với đó là đưa ra các quy định về kiểm soát độc quyền của các tập đoàn lớn trong ngành điện, nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhà đầu tư.
Theo dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ phát triển thị trường điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.
Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện, bao gồm giá bán lẻ điện giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường.
Đối với nhóm khách hàng sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tăng dần đối với nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện.
VTV