Diện mạo Đà Nẵng sau 20 năm phát triển
Trải qua quá trình 20 năm hình thành và phát triển, thành phố Đà Nẵng đang bắt đầu đối mặt với nhiều thách thức: ngập lụt, kẹt xe, phá vỡ quy hoạch... Chỉ trong 5 năm trở lại đây, hàng loạt cao ốc chọc trời "mọc" lên, gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông.
- 15-12-2016Đà Nẵng chọn xây hầm chui qua sông Hàn
- 12-12-2016Đây là lý do vì sao Đà Nẵng cấm xây chung cư cao tầng ngay trung tâm thành phố
- 09-12-2016Đà Nẵng: Dự án khách sạn căn hộ quốc tế tăng tốc đón APEC 2017
- 09-12-2016Đà Nẵng: Dành 700 tỷ đồng đầu tư Quảng trường Trung tâm
Điều này buộc chính quyền địa phương đang tính phương án cấm không được đầu tư xây dựng chung cư cao tầng ngay trung tâm thành phố!
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện thành phố có 572 cơ sở lưu trú với 21.197 phòng; trong đó có 15 khách sạn 5 sao và tương đương (3.252 phòng), 25 khách sạn 4 sao và tương đương (3.305 phòng), 73 khách sạn 3 sao và tương đương (4.775 phòng), 449 khách sạn 1-2 sao và tương đương (9.946 phòng); còn lại là căn hộ, biệt thự du lịch cao cấp, cơ sở nhà nghỉ du lịch, homestay…
CBRE Việt Nam dự báo các năm 2017-2018 Đà Nẵng bổ sung thêm 6.000 phòng khách sạn. Hiện Đà Nẵng có 76 dự án đầu tư vào du lịch với tổng vốn trên 12 tỷ USD. Đó là chưa kể hàng chục dự án căn hộ khách sạn (condotel) đang vùn vụt "mọc" lên dọc các tuyến đường ven biển Đà Nẵng.
Hiện phân khúc thị trường condotel ở Đà Nẵng phát triển nóng nhất với 2.817 căn hộ chào bán mới, đưa tổng nguồn cung lên 5.751 căn trong năm 2016. Nguồn condotel này cùng với nguồn cung phòng khách sạn làm hạ tầng đô thị gia tăng trong lúc Đà Nẵng đang có tổng nguồn cung lên 11.415 phòng thuộc các khách sạn chuẩn dịch vụ từ 3-5 sao. Theo dự báo của Savills, đến năm 2018, thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ có khoảng 14.000 sản phẩm condotel.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng diễn ra mới đây, nhiều đại biểu cho rằng tình trạng đầu tư nhà cao tầng ở vệt bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, dọc hai bờ sông Hàn đang tạo ra nhiều lo ngại phá vỡ quy hoạch cảnh quan và gây áp lực lên hạ tầng đô thị.
Một diện mạo thành phố biển mà nhiều đại biểu đưa ra là: trong tương lai hàng loạt các cao ốc condotel với hàng chục nghìn người sinh sống sẽ góp phần gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có việc gây áp lực lên hạ tầng giao thông, gây tắc nghẽn cục bộ. Một áp lực khác là tác động môi trường, không khí, cấp nước, rác thải, rồi đến hệ thống điện nước, cứu hỏa, hạ tầng xã hội...; thêm nữa là kết nối cảnh quan, kiến trúc đô thị.
Trước mắt, để giải quyết vấn nạn kẹt xe, chính quyền địa phương đã triển khai xây dựng 3 hầm chui tại các giao lộ "điểm đen". Theo đó, dự án Nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn là công trình cấp III, có tổng chiều dài hầm 255 m, trong đó hầm kín dài 40 m và hầm hở dài 215 m. Tổng mức đầu tư công trình hơn 137 tỷ đồng.
Dự án nút giao thông thứ 2, Đà Nẵng dự kiến đầu tư 220 tỷ đồng xây dựng nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương (hầm chui đường Điện Biên Phủ). Công trình sẽ hoàn thành vào năm 2017. Hầm chui có dạng hình chữ Y với 3 hầm hở ở 3 nhánh và hầm kín ở giữa nút giao dài 80 m. Đường Điện Biên Phủ ở phía tây nút giao được làm 2 làn đường cho xe buýt nhanh (BRT).
Một dự án đang tạo "sóng" trong những ngày gần đây là chính quyền địa phương sẽ đầu tư xây dựng hầm vượt sông Hàn. Nếu dự án này thành hiện thực, thì đây là dự án hầm vượt sông hiện đại thứ hai được đầu tư tại Việt Nam.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, áp lực mật độ dân cư hai bờ sông Hàn, phương tiện lưu thông nội thị đang ngày một gia tăng. Tính riêng 5 năm trở lại đây, phương tiện tăng gấp đôi. 10 năm nữa chắc chắn phải tăng gấp 2-3 lần. Mỗi ngày thành phố phải ký 3-4 giấy phép xin xây cao ốc, căn hộ, trung tâm thương mại nên nếu không giải quyết bài toán về công trình qua sông Hàn ở đây sẽ bị chậm trễ.
Cận cảnh thành phố du lịch sau 20 năm phát triển
Thành quả nổi bật trong 20 năm qua là cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương và Trung ương, thành phố đã huy động nhiều nguồn khác nhau, từ nhân dân đóng góp, từ khai thác quỹ đất…, để đẩy nhanh, mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, không gian đô thị của thành phố "nở" gấp 4 lần trước đây và nhiều công trình giao thông đã trở thành biểu tượng, mang dấu ấn năng động, sáng tạo của thành phố.
Thành phố Đà Nẵng đang thực hiện quy hoạch lại hai bờ sông Hàn, hướng đến một thành phố xanh.
Đà Nẵng đang được xem là đại công trường với mật độ xây dựng ngày càng cao.
Nhiều dự án cao tầng đang đẩy nhanh tiến độ thi công ngày đêm để đón đầu cơ hội khi Đà Nẵng tổ chức APEC 2017.
Hai bờ sông Hàn và các tuyến đường ven biển sắp tới sẽ bị cấm đầu tư dự án chung cư cao tầng nhằm giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng cơ sở.
Một dự án 4 mặt tiền đường của VinaCapital đang chuẩn bị được triển khai.
Rất nhiều tuyến đường quanh trung tâm thành phố, hầm chui ngay tại các nút giao thông đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Khách sạn lớn nhỏ mọc lên như nấm.