Điện mặt trời đang chờ chính sách
Công suất nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam hiện nay hầu như không đáng kể. Các nhà đầu tư mong chờ Nhà nước sớm có những chính sách cụ thể và cơ chế ưu đãi để họ mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nhiều tiềm năng này.
- 29-01-2016Hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng nhà máy điện Mặt Trời ở Hậu Giang
- 27-01-2016Xây dựng Nhà máy điện mặt trời 66 triệu USD
- 16-12-2015Phát triển điện gió, mặt trời: Khó từ sản xuất đến phân phối
Chưa có dự án thương mại nào
Các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ đang dần cạn kiệt. Việc chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối... trở thành yêu cầu bức thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao và giảm ô nhiễm môi trường.
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng ánh sáng mặt trời cao trên bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000 đến 2.600 giờ/năm. Tuy vậy, theo TS Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam hiện không đáng kể. Đa phần các dự án chỉ ở quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu vào việc khai thác nhiệt năng từ năng lượng mặt trời. Các ứng dụng chủ yếu là điện mặt trời cho hộ gia đình, các trung tâm dịch vụ, hệ thống đun nước nóng mặt trời, hệ thống đèn điện và sấy.
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Quy hoạch, Tổng cục Năng lượng cho biết, hiện chưa có dự án phát điện thương mại nào từ năng lượng mặt trời. Trong khi đó, mục tiêu phát triển điện mặt trời đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo là từ mức không đáng kể hiện nay tăng lên công suất 850 MW năm 2020 và 4.000 MW năm 2025.
Tập đoàn Sơn Hà là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, còn nhiều rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách khiến các DN chưa mặn mà. Mấu chốt là chưa tìm được “đầu ra” cho sản phẩm. Giá bán nguồn điện này còn cao nên khó cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống.
Mặt khác, đầu tư vào lĩnh vực này tốn khá nhiều chi phí, trong khi các DN khó tiếp cận nguồn vốn vay. Thủ tục ưu đãi phát triển khoa học công nghệ ở hầu hết cơ quan nhà nước còn phức tạp, tốn thời gian.
Cần xây dựng cơ chế giá
Hiện nay, cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời với công suất từ 20 MW đến trên 300 MW, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung. Một số nhà đầu tư nước ngoài như Ấn Độ, Pháp, Đức… đang nghiên cứu, đăng ký đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời.
Theo các chuyên gia, gần đây công nghệ điện mặt trời đã có những tiến bộ vượt bậc góp phần giảm giá thành. Một số dự án điện mặt trời đã có giá cạnh tranh được với giá điện từ năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, để DN thực sự yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này thì Nhà nước cần xây dựng và công bố quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời, sớm công bố giá mua bán điện năng lượng mặt trời hợp lý và cơ chế hòa lưới điện quốc gia; ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời và thực hiện thử nghiệm chất lượng.
“Chính phủ cần quy định giá mua, bán điện mặt trời hợp lý, hài hòa lợi ích 3 bên: chủ đầu tư (bên bán điện) - EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh của Chính phủ. Giá mua bán điện cần điều chỉnh linh hoạt theo nguyên tắc giảm dần khi suất đầu tư vào điện mặt trời giảm”, TS Nguyễn Huy Hoạch kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tăng Thế Hùng cho biết, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cơ chế giá điện mặt trời và đợi Chính phủ xem xét phê duyệt.
Bên cạnh đó, để điện mặt trời phát triển thì phải huy động nguồn lực tài chính tổng lực của toàn xã hội. Các tổ chức tín dụng và ngân hàng cần có kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ cho việc thẩm định và xét duyệt tín dụng cho các dự án điện mặt trời. Mặt khác, các DN cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung cơ chế khuyến khích sản xuất các thiết bị điện mặt trời trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa dự án điện mặt trời để giảm giá bán điện.
Báo tin tức