Điện mặt trời mái nhà bao phủ công sở TP HCM
TP HCM đặt mục tiêu biến hàng trăm mái nhà trụ sở công thành những nhà máy điện mặt trời, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho thành phố, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời bảo vệ môi trường.
- 14-05-2024Điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp cần được khuyến khích
- 11-05-2024GS. TSKH Trần Quốc Tuấn: Chưa mua bán điện mặt trời mái nhà là giải pháp tình thế hiện nay
- 05-05-2024Giới chuyên gia phân tích lý do không mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Theo Sở Công Thương TP HCM, đến năm 2030, TP HCM có tiềm năng phát triển khoảng 5.081 MW điện mặt trời mái nhà. Trong đó, hơn 166 MW là từ hệ thống được lắp tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
Chi 650 tỉ đồng lắp điện mặt trời mái nhà
Sở Công Thương TP HCM đã trình UBND dự thảo đề án đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở công trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2028. Theo đó, giai đoạn 1 của đề án sẽ có 440 trụ sở công lắp điện mặt trời mái nhà, công suất 43,312 MWp. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 650 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.
Ông Nguyễn Phương Duy, Phó trưởng Phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương TP HCM, cho biết trong 440 trụ sở được lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà trong thời gian tới, có 65 trụ sở quân đội, 72 trụ sở công an, 57 trụ sở bệnh viện và 246 trụ sở các sở ban ngành, quận huyện và các đơn vị khác.
Tính toán của ngành công thương TP HCM cho thấy, chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà bình quân hiện nay khoảng 12-20 triệu đồng/KWp. Trung bình hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 1 KWp tại TP HCM cho ra sản lượng điện khoảng 3 - 4,5 KWh/ngày. Thông qua việc giảm chi phí chi thường xuyên để thanh toán tiền điện của các cơ quan, đơn vị, thời gian thu hồi vốn cho 1 dự án khoảng 5 - 7 năm. Đối chiếu với tuổi thọ hệ thống pin khoảng trên 20 năm thì việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà bảo đảm hiệu quả.
Thời gian qua, TP HCM đã thí điểm lắp điện mặt trời mái nhà tại một số trụ sở cơ quan hành chính công ở các quận, huyện. Đơn cử, trụ sở Sở Công Thương đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 21 KWp, chi phí đầu tư khoảng 550 triệu đồng, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 130 triệu đồng tiền điện. "Trước khi có hệ thống này, tiền điện Sở Công Thương phải đóng năm 2020 là 344,4 triệu đồng. Sau khi có hệ thống thì tiền điện năm 2021 là 199,7 triệu đồng, năm 2022 là gần 214 triệu đồng" - ông Duy nói.
Hay ở UBND quận 3, hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất 31,04 KWp có chi phí đầu tư khoảng 750 triệu đồng, giúp UBND quận tiết kiệm được 93 triệu đồng mỗi năm.
Khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, từ nhiều năm trước, một số trụ sở công tại TP HCM đã lắp điện mặt trời mái nhà để tiết kiệm một phần điện năng tiêu thụ và chi phí tiền điện phải trả hằng tháng. Trong đó, đầu năm 2019, UBND quận 12 đầu tư điện mặt trời lớn với 188 tấm pin, công suất tối đa lên đến hơn 9.300 KWh/tháng, bằng gần 1/2 lượng điện cơ quan này tiêu thụ mỗi tháng. UBND quận Phú Nhuận cũng đầu tư hệ thống điện mặt trời công suất 90 KWh, bình quân mỗi ngày tạo ra 350-370 KWh điện, chiếm hơn 30% lượng điện tiêu thụ của toàn trụ sở. UBND các quận 4, 8, 10... cũng đã tiết kiệm được trên dưới 10% chi phí tiền điện nhờ sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái.
Nhiều điều kiện thuận lợi
TP HCM không có nguồn phát điện tại chỗ mà phụ thuộc chủ yếu vào nguồn điện cấp từ bên ngoài vào. Theo báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện mặt trời trên mái nhà của TP HCM ước tính khoảng 6.300 MW, gấp 1,4 lần công suất cực đại của thành phố hiện nay. Từ cơ sở này, các chuyên gia năng lượng cho rằng việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở công giúp bổ sung nguồn điện tại chỗ cho nhu cầu sử dụng chung của thành phố là cần thiết, góp phần giảm áp lực về nguồn điện trong thời gian tới. Đây cũng là nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực về nguồn điện trong giai đoạn sắp tới.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM, cho biết từ năm 2013 đến nay, công suất lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà nối lưới tại thành phố tăng rất nhanh qua từng năm: năm 2013 mới chỉ có 200 KWp nối lưới được lắp đặt cho các hộ dân ngoài xã đảo Thạnh An, đến năm 2019 đã lên hơn 69 MWp và đến nay TP HCM có khoảng 14.210 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất gần 360 MWp, chiếm hơn 7,8% tổng công suất nguồn điện. Gần 99% trong số này được lắp đặt để sử dụng tại chỗ. Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành điện ngừng ký hợp đồng mua bán loại điện này để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ. Vẫn có một số cơ quan, hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà để sử dụng với tổng công suất thống kê được khoảng 30 MWp.
"Chi phí đầu tư điện mặt trời mái nhà đã rất rẻ, bằng 1/2 so với trước năm 2021; nguồn cung tấm pin năng lượng mặt trời cũng rất phong phú. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị đầu tư dự án mới. Bất cứ khi nào thành phố triển khai lắp điện mặt trời mái nhà trụ sở công, ngành điện sẽ phối hợp và hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà theo các quy định hiện hành; phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện" - ông Kiên nói.
Theo các chuyên gia năng lượng, TP HCM phấn đấu đạt mục tiêu tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện thành phố đạt tối thiểu 15% trong giai đoạn 2025-2030; đến năm 2028 có tối thiểu 50% các tòa nhà công sở lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP HCM cần sớm phê duyệt đề án đầu tư phát triển lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở công để các bên liên quan sớm triển khai.
Người lao động