MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện một giá: 2.890 đồng/kWh, chuyên gia nói "không hợp lý"

11-08-2020 - 20:33 PM | Thị trường

Với mức giá điện một giá 2.703-2.890 đồng/kWh, tương đương 145% và 155% giá bán lẻ bình quân mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng "đều không hợp lý".

Với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng một kWh, theo tính toán người dùng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 145% và khoảng 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 155%.

Chỉ có lợi cho người dùng hàng nghìn kWh

Thậm chí, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực, người từng đóng góp ý kiến trong quá trình Bộ Công Thương soạn thảo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, còn bày tỏ "thất vọng" với những phương án được đưa ra. Đồng thời khẳng định, mức giá điện một giá chênh lệch 145% và 155% với giá bán lẻ đều không hợp lý.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích, giá điện bao nhiêu trước tiên phải đảm bảo hài hoà lợi ích cho Nhà nước, mà ở đây là ngành điện phải có lời mới có tiền dành cho đầu tư, phát triển, và phải có lợi cho người sử dụng điện.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, mức điện một giá đưa ra theo đề xuất hiện nay có lợi cho người tiêu thụ nhiều điện, khi họ dùng hàng nghìn kWh cũng chỉ bị áp một giá vì chỉ phải trả mức rẻ hơn nhiều so với trước khi dùng bậc thang.

Mức điện một giá bộ đang lấy ý kiến khoảng 2.704 – 2.890 đồng mỗi kWh (chưa có thuế VAT). Trong khi đó, một trong số phương án biểu giá 5 bậc thang là với các khách hàng dùng 700 kWh trở lên, giá điện là hơn 5.000 đồng mỗi kWh (274% giá bán lẻ điện bình quân). Như vậy, sẽ không ít người dùng nhiều điện (trên 700 kWh) chuyển sang dùng một giá. "Khi đó, mục tiêu đảm bảo hài hoà lợi ích, tiết kiệm năng lượng sẽ không đạt được", ông Ngãi nêu vấn đề.

Ông Trần Văn Bình, chuyên gia về ngành điện cũng cho rằng, việc đưa ra phương án một giá theo như dự thảo còn mang tính "đối phó" với dư luận. Ông Bình phân tích, với mức giá điện một giá là 145% hoặc 155% như ở hai phương án, người dùng phải trả lên tới khoảng 2.890 đồng một kWh. Trong khi đó, nếu dùng phương án bậc thang, với các khách hàng dùng 700kWh trở lên thì sẽ phải dùng giá điện khoảng hơn 5.000 đồng/kWh.

"Như vậy, thử hỏi bao nhiêu hộ sẽ dùng ở mức 700 kWh/tháng. Tôi nghĩ số hộ đó rất ít và họ sẽ chọn một giá. Còn lại đương nhiên những hộ dùng nhiều hơn con số 700 kWh thì họ sẽ chọn phương án 5 bậc. Như thế sẽ rất có lợi cho những người dùng nhiều, những hộ khá giả vì chỉ phải trả mức giá rẻ hơn nhiều so với khi trước dùng bậc thang", Bình nói.

Các chuyên gia cho rằng, dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lần này vẫn chưa khắc phục được thực trạng giá điện sinh hoạt cao hơn sản xuất, bù chéo cho các ngành khác, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 30% tổng sản lượng điện.

Trong khi đó, GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam đưa ra nhiều băn khoăn xung quanh phương án một giá điện. Theo ý kiến của ông Long, đã đưa ra phương án một giá thì chỉ đưa vào một mức nào đó xác định, không nên đưa ra 2 mức (145% và 155%) như vậỵ.

"Chính phủ đã có mức giá bán lẻ bình quân mà hiện là 1.864,44 đồng/kWh, khi tính toán thì lấy mức đó rồi cân đối cho phù hợp, đảm bảo lợi ích các bên. Tôi chưa hiểu vì sao phải đưa ra 2 phương án về điện một giá như thế", ông Long nói.

Chưa phải lúc tính đến điện một giá

Đáng chú ý, ông Long cho rằng, việc đang từ 5 bậc giảm xuống ngay một giá như vậy có phần "đột ngột".  "Tôi thấy thời điểm này chưa thích hợp để đưa giá điện một giá", chuyên gia Trần Đình Long nhắc lại. Đồng quan điểm, ông Trần Viết Ngãi cũng cho rằng, vẫn nên duy trì biểu giá luỹ tiến bậc thang, bởi sẽ có lợi hơn cho người dùng điện.

"Nhưng nên cân nhắc các bước giãn cách giữa các bậc hợp lý hơn nữa để người dùng nhiều điện phải trả tiền nhiều hơn, do đây phần lớn là các hộ khá giả", ông Ngãi lưu ý.

Góp ý về biểu giá 5 bậc thang, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nên nới rộng khoảng cách luỹ tiến giữa bậc 1-2, bậc 2-3 và tối đa bậc 3 là 300 kWh. Giá cao nhất bậc 3 cũng không nên trên 3.000 đồng một kWh (đã gồm thuế VAT), để đảm bảo người nghèo, công chức, người về hưu... có điều kiện chi trả mà không chịu tác động quá lớn về tiền điện.

Còn bậc 4 và 5 tương ứng 400 kWh hoặc 700 kWh trở lên để buộc người dùng nhiều phải trả tiền điện cao hơn. Mức chia như vậy, theo ông, sẽ đảm bảo công bằng, có sự bù trừ giữa hộ dùng ít và dùng nhiều, trong khi tránh cho ngành điện không thua lỗ.

Trước đó, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương đưa ra đã đề xuất 2 phương án lựa chọn. Cụ thể, phương án 1 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc.

Phương án 2 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá (khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá). Trong đó, gồm phương án 2A và 2B với giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá tương ứng là 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên