Điện than phải nhập khẩu và quá ô nhiễm, thủy điện lớn đã khai thác hết, vì đâu điện gió Việt Nam chưa thể cất cánh?
Than hiện đang phải nhập khẩu rất nhiều rồi, thủy điện lớn cũng khai thác hết rồi nhưng gió và ánh sáng mặt trời là "của nhà trồng được", không phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và cũng không bao giờ hết nên trong tương lai, điện gió và điện mặt trời rẻ hơn điện than là điều chắn chắn.
"Với giá điện 7,8 cent/kWh thì năm 2017 chúng tôi thu được 113 tỷ. Trả nợ lãi vay hết khoảng độ hơn 80 tỷ, chưa kể chi phí cho anh em ban điều hành. 9 năm nay chúng tôi chưa chia một đồng cổ tức nào cho các cổ đông,"
Đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Thịnh - giám đốc Công ty phong điện Thuận Bình, chủ đầu tư Dự án Điện gió Phú Lạc - tại Hội nghị Điện gió Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội tuần qua.
Theo các chuyên gia tại Hội nghị, do những vướng mắc về chính sách mà trong những năm qua những dự án điện gió Việt Nam vẫn chưa thể cất cánh.
Đầu tư hàng tỷ USD, ký hợp đồng bán điện 20 năm cho EVN, nhà đầu tư có thể bị chấm dứt hợp đồng sau 5 – 7 năm và chỉ được bồi thường 1 năm tiền điện
"Hợp đồng mua bán điện là trở ngại lớn nhất," ông Bùi Vĩnh Thắng - quản lý phát triển kinh doanh của công ty Năng lượng tái tạo Mainstream - phát biểu tại sự kiện.
Theo ông Thắng, hiện nay tại Việt Nam các nhà sản xuất điện chỉ có thể bán điện cho EVN. Nhưng trong hợp đồng mua bán điện với EVN có 3 điều khoản rất rủi ro cho nhà đầu tư.
Thứ nhất là điều khoản về chấm dứt hợp đồng. Mặc dù hợp đồng mua bán điện dự kiến với EVN là 20 năm, nhưng EVN lại "có thể và được phép hủy hợp đồng bất cứ lúc nào trong thời gian 20 năm đấy."
"Các nhà đầu tư đổ tiền vào, mong bán điện được 20 năm nhưng 5 – 7 sau nếu chấm dứt hợp đồng mà chỉ được bồi thường 1 năm tiền điện, Đó là một rủi ro quá lớn," ông Bùi Vĩnh Thắng cho hay.
Ảnh: Hồng Vân
Trong khi đó, theo đại diện Mainstream, chi phí đầu tư vào điện gió rất lớn (tập đoàn này đang phát triển một dự án tại Việt Nam với mức vốn đầu tư 2 tỷ USD), trong đó 90% là chi phí đầu tư ban đầu.
Việc giải quyết tranh chấp bằng luật Việt Nam và tòa Việt Nam cũng là một trong những điểm thắt trong hợp đồng.
"Dự án ở Việt Nam, trên đất Việt Nam nhưng các dự án huy động nguồn vốn FDI thì nên chơi theo luật theo quốc tế. Theo thông lệ chung là luật của Anh hay Singapore, đều được các nhà đầu tư chấp nhận," ông Thắng nói.
Ngoài ra, theo hợp đồng mua bán điện thì EVN, tùy theo điều kiện khách quan và chủ quan mà EVN hoàn toàn có quyền tạm dừng phát điện của nhà máy để bảo hành, bảo dưỡng lưới điện.
"Và trong thời gian đấy là không phát được điện, nhà đầu tư không có tiền. EVN không phải bồi thường gì hết," ông Thắng giải thích. "Hiện tại điều khoản này rất là sơ sài, mang rủi ro quá lớn cho nhà đầu tư."
Ngân hàng quốc tế khó cho vay, 1 dự án hơn 10 năm mới có thể thu hồi vốn
Rủi ro lớn trong hợp đồng mua bán điện khiến các tổ chức tài chính quốc tế không mấy hào hứng trong cung cấp vốn vay cho các nhà đầu tư.
"E ngại là cách nói nhẹ nhàng. Nói thẳng ra thì họ (các tổ chức tài chính) 'nhìn phát thì đi luôn'," ông Thắng nửa đùa nửa thật.
Theo ông Bùi Văn Thịnh, các doanh nghiệp sản xuất điện gió có thể vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài với điều kiện được ngân hàng trong nước bảo lãnh. "Nhưng các ngân hàng Việt Nam hiện nay sẽ charge (tính phí) thêm 1,5 – 2% - đó là một con số cực kỳ lớn với các dự án hiện nay," ông Thịnh cho biết.
Các chuyên gia nhận định cần thay đổi trong hợp đồng mua bán điện và bảo lãnh tài chính từ phía Chính phủ thì tình hình mới có thể sáng sủa hơn.
Thêm nữa, giá điện thấp cũng là một khó khăn mà "diễn đàn nào cũng nói", theo cách miêu tả của ông Bùi Văn Thịnh. Hiện nay giá điện gió EVN mua vào là 7,8 cent/kWh (1.770 đồng/kWh), còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
"Với giá điện hiện nay, trong vòng 2 năm tới, lỗ không dám nói là lỗ, nhưng cũng không có lãi," ông Thịnh nói. Theo tính toán, sau 14 năm thì dự án Phú Lạc của Công ty phong điện Thuận Bình mới có thể thu hồi vốn.
Trên thực tế, bộ Công thương đã nhiều lần đệ trình lên Chính phủ về việc tăng giá điện sạch, nhưng theo ông Martin Hoppe - đại diện đại sứ quán Đức, Tham tán Hợp tác kinh tế và phát triển - thì giá điện gió hiện nay vẫn chưa đủ hấp dẫn và cần được hỗ trợ thêm về giá để thu hút nhà đầu tư.
Năng lượng tái tạo không chỉ là cơ hội mà còn là yêu cầu đối với Việt Nam
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng cục trưởng, Cục điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, Việt Nam đang phải nhập khẩu điện từ nước ngoài.
"Than hiện đang phải nhập khẩu rất nhiều rồi, thủy điện lớn cũng khai thác hết rồi nhưng gió và ánh sáng mặt trời là "của nhà trồng được", không phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và cũng không bao giờ hết nên trong tương lai, điện gió và điện mặt trời rẻ hơn điện than là điều chắn chắn," ông Bùi Vĩnh Thắng nói.
Theo các chuyên gia, kỷ nguyên của năng lượng tái tạo đã đến và Việt Nam, nếu muốn tự chủ về năng lượng thì năng lượng tái tạo là lựa chọn không thể tránh khỏi.
Công suất các nhà máy điện gió hiện tại chỉ ở mức 197 MW, còn cách rất xa với mục tiêu đã đề ra.
Trí thức trẻ