Điện thoại di động đang ầm thầm "giết chết" bạn như thế nào?
Nếu biết 11 tác hại của chiếc smartphone, bạn sẽ muốn "cai nghiện" thiết bị di động ngay lập tức!
- 02-03-2018Khoa học khuyến cáo 10 vị trí không để điện thoại di động
- 27-10-2017Không phải điện thoại di động, béo phì mới là yếu tố liên quan nhiều nhất đến bệnh ung thư
- 13-09-2017Dùng điện thoại di động thế này sẽ bẩn gấp 10 lần bồn cầu và cách giữ điện thoại sạch sẽ
Thanh toán hóa đơn, hẹn hò với bạn bè hay tìm kiếm một nửa yêu thương: ngày nay chúng ta thực hiện mọi thứ chỉ với một vài thao tác nhỏ trên điện thoại.
Điện thoại di động giúp cuộc sống của chúng ta thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, dưới sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… con người ngày càng phụ thuộc vào điện thoại di động, thậm chí nhiều người còn dành phần lớn thời gian trên chiếc điện thoại của mình. Điều này đặt ra lo lắng: Liệu việc sử dụng điện thoại di động có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Câu trả lời là "Có!". Dưới đây là những ảnh hưởng tiêu cực mà chiếc điện thoại nhỏ có thể mang lại cho con người.
1. Sử dụng điện thoại di động quá mức sẽ dẫn đến chứng mất ngủ
Bạn hay trằn trọc vào ban đêm? Mỗi khi lên giường, bạn thường cảm thấy tỉnh táo thay vì buồn ngủ và chìm vào giấc ngủ? Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc chứng mất ngủ do lạm dụng điện thoại di động.
Dành nhiều thời gian trước màn hình điện thoại, bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng xanh – một loại ánh sáng do điện thoại phát ra. Chính ánh sáng này kích hoạt cơ thể bạn sản sinh ra một loại hoóc môn phá vỡ đồng hồ sinh học. Vì vậy, cho dù bạn có muốn thư giãn hay nghỉ ngơi thì đầu óc bạn vẫn vô cùng tỉnh táo, không thể ngủ được.
Để tránh điều này, bạn nên tắt điện thoại di động ít nhất 15 phút trước khi ngủ và để cơ thể được thư giãn trong một khoảng thời gian, nó sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn.
2. Điện thoại di động là con đường lây lan của vi khuẩn
Bạn là một trong số những người không thể bỏ điện thoại di động ngay cả khi đi tắm? Tin xấu dành cho bạn là cơ thể bạn sẽ dần trở nên yếu ớt do nhiễm các loại vi khuẩn. Không những thế, bạn còn có thể lây nhiễm vi khuẩn cho mọi người trong gia đình bởi việc sử dụng điện thoại trong các môi trường như nhà vệ sinh, bệnh viện có thể khiến vi khuẩn lây lan từ nơi này sang nơi khác.
Vì vậy, tại những nơi như thế, tốt nhất là bạn nên cất điện thoại đi, hay bạn cũng có thể vệ sinh thiết bị của mình. Hãy nhớ rằng bạn tiếp xúc với điện thoại bằng tay, cho nên việc vệ sinh thiết bị này là cần thiết.
3. Tăng nguy cơ ung thư
Theo trang tin CNN, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo rằng nguy cơ ung thư có thể tăng cao nếu chúng ta quá lạm dụng điện thoại di động.
Nghiên cứu cho thấy các tia bức xạ phát ra từ điện thoại có thể là căn nguyên cho sự khởi phát của bệnh ung thư.
Hãy cẩn thận! Đừng quá lạm dụng điện thoại và tránh đặt điện thoại gần người khi đi ngủ!
4. Sử dụng điện thoại di động cũng là nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp
Theo các nghiên cứu của Hội tăng huyết áp Hoa Kỳ (American Society of Hypertension), sử dụng điện thoại di động quá nhiều có thể gây tăng huyết áp. Đây là kết quả của một cuộc nghiên cứu trên khoảng 94 bệnh nhân cao huyết áp. Kết quả này cho biết khi các bệnh nhân gọi điện thoại thì huyết áp của họ không ngừng tăng lên.
5. Sử dụng điện thoại di động khiến chúng ta mất tập trung
Bạn cảm thấy khó tập trung vào công việc hay học tập, thậm chí là không thể hoàn thành những nhiệm vụ đơn giản? Điện thoại di động là một trong những nguyên nhân khiến bạn trở nên như vậy.
Theo một nghiên cứu do trang The Guardian công bố, cứ mỗi phút con người nghỉ ngơi để gửi một tin nhắn hay gọi một cuộc điện thoại thì họ lại mất đến 25 phút để có thể lấy lại độ tập trung vào công việc như ban đầu.
Giải pháp cho vấn đề này nằm ở cách quản lý thời gian của bạn. Hãy trả lời những tin nhắn ít quan trọng hay làm những gì bạn thích vào giờ nghỉ giải lao. Bằng cách này bạn sẽ được thư giãn nhiều hơn và không phải lãng phí thời gian để lấy lại độ tập trung làm việc ban đầu.
6. Điện thoại cũng là nguyên nhân gây căng thẳng
Bạn cảm thấy căng thẳng hơn bao giờ hết và đôi khi những điều rất nhỏ nhặt cũng khiến bạn cảm thấy khó chịu? Hãy thử đoán xem đâu là thủ phạm thực sự? Chính là chiếc điện thoại luôn đi theo bên người bạn! Nó có thể là khởi nguồn của sự căng thẳng.
Theo trang The Guardian, sử dụng điện thoại di động quá mức có thể dẫn đến lo lắng và căng thẳng.
Nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 60% người trẻ tuổi cảm thấy bực bội và khó chịu khi không được sử dụng điện thoại.
7. Hội chứng lo sợ khi không có điện thoại
Cũng như các chất gây nghiện khác, điện thoại di động có thể biến con người thành nô lệ của nó. Theo một nghiên cứu được công bố trên Scientific American, điện thoại di động gây ra chứng bệnh nghiêm trọng mang tên "Hội chứng lo sợ khi không có điện thoại" (Nomophobia)
Theo tờ Scientific American, các nhà nghiên cứu tin rằng sự gắn bó với điện thoại cũng giống như sự gắn bó với một người bạn. Theo đó, điện thoại sẽ kích thích tất cả các phần trong não bộ tương tự như việc một người bạn làm chúng ta có cảm tình.
Những người mắc chứng Nomophobia sống hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới ảo. Họ giật mình khi không nhìn thấy điện thoại, không thể ngủ khi không có điện thoại, dành toàn bộ thời gian chỉ để đi tìm điện thoại, thậm chí là điện thoại còn ám ảnh cả trong giấc mơ và xen vào toàn bộ cuộc sống của họ.
8. Hội chứng Fomo
Bên cạnh hội chứng Nomophobia, điện thoại còn gây cho con người hội chứng Fomo (Hội chứng sợ bị lãng quên).
Fomo thường gây ra cảm giác lo lắng và bồn chồn bởi những ý nghĩ mang tính ganh đua rằng những người khác đang trải nghiệm nhiều niềm vui, hạnh phúc hoặc thành công trong cuộc sống hơn.
Một số biểu hiện của hội chứng Fomo là việc liên tục check facebook, email, nhắn tin, truy cập web tin tức… Người bị hội chứng này luôn cảm giác nếu mình không làm vậy, mình đang bỏ lỡ một điều thú vị nào đó.
Dễ dàng có thể hiểu được lạm dụng điện thoại quá mức cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng này.
Việc đặt toàn bộ tâm trí vào những sự việc diễn ra trong cuộc sống của mọi người khiến bạn lãng quên đi những điều tốt đẹp đang diễn ra trong cuộc sống thực tại của mình.
Lời khuyên tốt nhất là đừng để điện thoại chiếm ưu thế!
9. Giảm thính lực
Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Healthy Hearing cho thấy việc sử dụng điện thoại di động có thể gây ra các vấn đề về thính lực.
Theo nghiên cứu, một trong những lý do suy giảm thính lực là sử dụng tai nghe để nghe nhạc với tần suất cao. Ngoài ra, các sóng điện từ do thiết bị cầm tay này phát ra từ một cuộc gọi, trong thời gian dài, có thể gây khiếm thính.
10. Gây ra các vấn đề về cột sống và cổ
Tuy không trực tiếp ảnh hưởng đến xương khớp, nhưng điện thoại di động cũng là tác nhân gián tiếp gây ra các vấn đề cho cột sống và cổ.
Tư thế mà bạn ngồi khi nhắn tin, lướt web, chơi game…có thể gây ra các cơn đau nhức, thậm chí là gây thoái hóa cho cột sống và đốt sống cổ.
11. Gây ra thói quen trì hoãn
Rõ ràng khi dành phần lớn thời gian cho chiếc điện thoại di động của mình, bạn sẽ thờ ơ với mọi công việc và bài tập được giao.
Theo trang The Guardian, 75% sinh viên Mỹ cho biết họ có thói quen trì hoãn mọi việc. Khi trả lời câu hỏi họ đã làm gì trong thời gian làm bài tập thì câu trả lời của đa số sinh viên này là sử dụng điện thoại di động.
Hãy làm chủ chứ đừng trở thành nô lệ!
Trong cuộc sống hiện đại, một chiếc điện thoại di động không thể thiếu với mỗi người. Dù nó đem lại không ít tác hại nghiêm trọng cho con người nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của điện thoại di động trong công việc và cuộc sống của mình.
Vì vậy, một lời khuyên hữu ích dành cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ: Hãy sử dụng điện thoại nhưng đừng quá lạm dụng; hãy biến điện thoại thành công cụ hữu ích cho bản thân chứ không nên trở thành nô lệ cho chúng.
Thay vì 24/24 giờ nhìn vào màn hình điện thoại, bạn hãy tập cách "rời xa" nó. Dành thời gian cho gia đình, bạn bè, đi dạo hay đọc sách sẽ khiến cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn!
Những cách để "cai nghiện" điện thoại di động
Nếu bạn cảm thấy mình không thể tách rời khỏi chiếc điện thoại, hãy thử các cách sau:
* Áp dụng chiến thuật "xa mặt cách lòng": Khi không nhất thiết phải dùng tới điện thoại, hãy bỏ nó ở chỗ bạn khó nhìn thấy và cài đặt chế độ im lặng. Trong trường hợp công việc của bạn cần đến điện thoại, hãy tắt tất cả chế độ thông báo của các ứng dụng không cần thiết.
* Dùng nguyên tắc dừng lại dứt khoát: Chắc hẳn bạn từng nhiều lần rơi vào tình huống tự nhủ mình sẽ chỉ check mail, kiểm tra Facebook, Twitter hay Instagram,… một lát thôi, nhưng rồi "một lát" đó kéo dài cả tiếng như không. Những lúc như vậy, hãy kiên quyết tắt điện thoại và đi giải quyết các vấn đề khác.
* Xóa hết các ứng dụng "gây nghiện" trong điện thoại của bạn: Hãy xóa đi những ứng dụng điện thoại không quan trọng và khiến bạn mất nhiều thời gian vào nó.
* Thực hiện chiến lược "để quên" điện thoại ở nhà: Bạn có thể ra khỏi nhà trong một thời gian ngắn mà không cần mang theo điện thoại. Thực hiện điều đó lặp lại nhiều lần, bạn sẽ dần "rời xa" được chiếc điện thoại của mình.
* Thiết lập 1 mật khẩu thật dài và khó nhớ: Đây là một cách hay để bạn tránh xa cái điện thoại của mình. Nếu mật khẩu của bạn phức tạp bao gồm cả phần chữ, số và các ký tự đặc biệt, bạn sẽ phải vắt óc ra suy nghĩ xem mình đã đặt mật khẩu nào. Việc này sẽ hạn chế bạn mở điện thoại vì mỗi lần mở là cả một cực hình.
* Tập trung hơn vào người đang ở trước mặt bạn: Cố gắng không sử dụng điện thoại trong lúc nói chuyện với người khác, bạn sẽ quên đi cơn nghiện điện thoại, điều này cũng thể hiện rằng bạn đang tôn trọng người nói chuyện với bạn.
MSN