Điện thoại Samsung là hàng Việt hay có xuất xứ Việt Nam?
Do quy định về hàng hóa Việt Nam hay hàng hóa có xuất xứ Việt Nam còn nhiều phức tạp nên doanh nghiệp cần chú ý để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Ngày 30-7, tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU với chủ đề "EVFTA: Chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện" do Bộ Công Thương tổ chức ở TP HCM, vấn đề xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhấn mạnh để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan phải bảo đảm quy tắc xuất xứ. Do đó, DN phải nắm được quy tắc xuất xứ mới tận dụng lợi thế từ hiệp định này.
Doanh nghiệp Việt Nam và EU trao đổi tại hội nghị sáng 30-7. Ảnh: Tấn Thạnh
"Làm thế nào để xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam? Gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, xuất hiện vụ việc đòi hỏi xác định xem có phải hàng Việt Nam hay không và từ đó thấy nhiều khái niệm khác nhau, dẫn đến có những cách hiểu nhầm. Chẳng hạn như câu chuyện Samsung có phải hàng Việt Nam hay có xuất xứ Việt Nam hay không? Việc này liên quan đến quy định trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) có đề cập như thế nào để xác định xuất xứ hàng hóa và được hưởng ưu đãi thuế quan" - bà Hiền đặt vấn đề.
Trả lời cho câu hỏi này, bà Hiền cho biết chiếu theo quy định về xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia thì mặt hàng điện thoại Samsung có xuất xứ Việt Nam và được Bộ Công Thương chứng nhận xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào được dán nhãn "Made in Vietnam" cũng được chứng nhận là có xuất xứ Việt Nam. Việc ghi "Made in Vietnam" chỉ thể hiện công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện tại Việt Nam. "Giấy chứng nhận hàng hóa có xuất xứ từ đâu mới là chứng từ để DN được hưởng ưu đãi theo cam kết ở các hiệp định mà Việt Nam tham gia" - bà Hiền nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý có 3 cấp độ chứng nhận xuất xứ hàng hóa hiện nay để DN lưu tâm khai thác. Thứ nhất, hàng hóa có "xuất xứ thuần túy", chủ yếu áp dụng cho sản phẩm nông sản từ khi gieo trồng đến thu hoạch đều phải thực hiện trên lãnh thổ của nước thành viên. Thứ hai, hàng hóa được làm từ nguyên liệu "có xuất xứ" và được xác định là xuất xứ Việt Nam. Thứ hai, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhưng được làm từ nguyên liệu không có xuất xứ.
"Sô-cô-la Bỉ, Thụy Sĩ ngon nổi tiếng thế giới nhưng không tìm thấy trên đất Bỉ, Thụy Sĩ bất cứ cây ca cao nào. Nguyên liệu làm nên sản phẩm này có thể được nhập từ nước châu Phi. Đây là trường hợp gây nhiều tranh cãi nhất và cũng là trường hợp chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu xác minh xuất xứ nhất. Trong EVFTA, quy định phức tạp hơn so với trước. Cơ chế trao quyền cho DN tự chứng nhận xuất xứ cũng khiến trách nhiệm của DN tăng lên. Ngoài ra, cơ chế hậu kiểm cũng là vấn đề mà DN cần lưu tâm, bởi hải quan nước đối tác có thể xác minh xuất xứ với những lô hàng sau thông quan chứ không phải ở tại thời điểm thông quan" - bà Hiền lưu ý.
Người lao động