MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện thoại thương hiệu Việt “lấn sân” quốc tế: Kỳ vọng nhiều, thành công còn ở phía trước

05-08-2019 - 10:00 AM | Doanh nghiệp

Chưa bao giờ tham vọng “bành trướng” thương hiệu Việt ra thế giới lại mãnh liệt như những năm gần đây. Với những bước đi dè dặt, mang tính chất thăm dò, Mobiistar, Vsmart và mới đây là BKAV đã lần lượt “xuất ngoại” với nhiều kỳ vọng lớn.

Mobiistar được xem là hãng điện thoại thương hiệu Việt đầu tiên khai phá thị trường nước ngoài khi tham gia vào thị trường Ấn Độ vào tháng 5/2018. Đây được xem là một bước đi táo bạo và đầy mạo hiểm, tuy nhiên, cũng tạo động lực rất lớn cho các thương hiệu Việt. Ông Ngô Nguyên Kha, cựu CEO của Mobiistar từng phát biểu: “Đây là một bước đi mạo hiểm với mong muốn “đi thật xa để trở về””.

Với sự mở màn của Mobiistar, thương hiệu Vsmart thuộc tập đoàn Vingroup tỏ ra rất hào hứng mở rộng thị trường smartphone với việc tấn công liên tiếp các thị trường trong và ngoài khu vực.

Cụ thể, vào tháng 3/2019, Vsmart công bố “tiến công” ra Châu Âu, trước mắt là Tây Ban Nha. Theo VinSmart, các sản phẩm Vsmart sẽ được phân phối qua chuỗi gần 90 cửa hàng của Công ty MediaMarkt - nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng có tiếng tại châu Âu. Cuối tháng 5/2019, Vsmart tiếp tục thông báo phân phối 4 smartphone của hãng này  là Joy1, Joy1+, Active 1 và Active 1+ tại thị trường Myanmar...

Không “thua chị kém em”, tháng 7/2019, Bkav cũng chọn Myanmar để phân phối Bphone 3 sau 6 tháng nghiên cứu thị trường. Theo đó, Bphone 3 được Bkav chính thức phân phối thông qua nhà mạng Mytel (công ty con của Viettel). Bkav cho biết mạng lưới phân phối Bphone 3 tại gần 100 cửa hàng tại quốc gia Đông Nam Á, đã thiết lập 27 điểm tiếp nhận bảo hành và 3 trung tâm bảo hành Bphone trực tiếp.

Đại diện Bkav cho ICTnews biết, sau một tháng triển khai, đến nay, Bphone đã bắt đầu có một cộng đồng sử dụng sản phẩm. Tại đây, các thành viên thảo luận rất sôi nổi về các vấn đề liên quan đến sản phẩm như chụp ảnh, khả năng kháng nước, thiết kế… Bên cạnh đó, còn có sự giao lưu giữa người dùng Việt Nam và Myanmar tạo thành một cộng đồng xuyên biên giới.

Chia sẻ về thị trường Myanmar, đại diện Bkav cho rằng, một trong những thuận lợi tại thị trường này chính là người tiêu dùng tại đây đánh giá khá tốt các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

"Người dân Myanmar cũng yêu thích công nghệ giống như người Việt Nam. Họ thích camera chụp đẹp, thích thiết kế sản phẩm, thích cấu hình cao để chơi game mượt mà nhưng mức giá vừa phải. Các khách hàng trải nghiệm Bphone có những phản hồi tích cực như họ thích camera AI - Smacro, khả năng chống nước, thích Security-Anti Theft  (tính năng chống trộm), thích thiết kế và cầm nắm chắc chắn...", đại diện Bkav chia sẻ về tình hình kinh doanh cũng như thị hiếu của người tiêu dùng Myanmar.

Dù thể hiện sự kỳ vọng nhiều vào thị trường đầy tiềm năng này, nhưng Bkav cũng tỏ ra khá dè dặt khi được hỏi về khả năng phát triển của Bphone tại đây: "Tại Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ lẫn nhau rất tốt, thương hiệu Việt Nam được đánh giá cao… Song để thành công thì còn là một chặng đường dài".

Có thể nói, hầu hết các thương hiệu smartphone Việt đều đang khao khát vươn mình ra biển lớn. Tuy nhiên, con đường dành cho các thương hiệu này vẫn còn rất khó khăn. Đơn cử như Mobiistar, sau hơn một năm "chinh chiến" tại Ấn Độ, mới đây, hãng đã quyết định rút khỏi đây, tạm thời "trở về" sau quãng thời gian "đi xa".

Việc rút lui của Mobiistar diễn ra sau khi đối tác của họ là V-sun phá sản tại Trung Quốc. Ngoài Mobiistar, báo chí Ấn Độ cho biết nhiều hãng Trung Quốc khác cũng thất bại khi tiến vào Ấn Độ.

Còn quá sớm để nói về thành công của Vsmart hay Bphone tại thị trường nước ngoài, tuy nhiên khát vọng bước ra thị trường thế giới của các thương hiệu Việt là rất đáng khích lệ. Việc làm chủ công nghệ và dây chuyền sản xuất, cộng với chất lượng sản phẩm và giá cả có lẽ là những yếu tố cơ bản để các hãng Việt cạnh tranh với các đối thủ bên ngoài.

Theo Phương Uyên

ICT News

Trở lên trên