Samsung, điện thoại Trung Quốc thống trị tuyệt đối thị phần tại Việt Nam
Tính đến cuối năm 2021, Samsung chiếm khoảng 35% thị phần tại Việt Nam trong khi các hãng như Oppo, Xiaomi, Vivo cũng chiếm xấp xỉ 10% mỗi thương hiệu.
- 15-06-2021Người dùng điện thoại Vsmart nhận tin vui bất ngờ
- 28-05-2021Vsmart One lộ diện: Sinh ra để xuất khẩu sang Mỹ, chưa rõ số phận sẽ ra sao
- 14-05-2021Điện thoại Vsmart đồng loạt giảm giá, cao nhất lên tới 2 triệu đồng
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GfK, trong 2 tháng cuối năm 2021, doanh số của thương hiệu Vsmart đã không đủ lớn để hiển thị thị phần tại thị trường Việt Nam. Trước đó đúng một năm, thương hiệu di động Việt vẫn còn chiếm 8,8% thị phần di động, xếp thứ 5 trong số những nhà sản xuất lớn nhất tại Việt Nam.
Tháng 5/2021, công ty VinSmart bất ngờ công bố ngừng sản xuất điện thoại thông minh và TV tại Việt Nam để tập trung cho VinFast. Thời điểm đó, thị phần của hãng đạt khoảng 4,3%. Trong 2 tháng sau đó, doanh số của điện thoại Vsmart vẫn khá tốt, thậm chí giúp hãng gia tăng thị phần lên lần lượt 5,2% trong tháng 6 và 5,7% trong tháng 7. Đây là giai đoạn nhà sản xuất cũng như nhiều nhà bán lẻ tung các chương trình kích cầu bán hàng lớn cho điện thoại Vsmart để đẩy hàng tồn, khiến doanh số sản phẩm tăng.
Thị phần một số hãng di động lớn tại Việt Nam trong năm 2021. Số liệu: GfK.
Trong các tháng 8 và 9, doanh số điện thoại Vsmart bắt đầu giảm dần, khiến thị phần của thương hiệu này giảm xuống còn lần lượt 4,1 và 3,5% . Đến giai đoạn tháng 10, 11, 12, doanh số điện thoại Vsmart xuống thấp, không còn đủ để hiển thị trên bảng thị phần của GfK.
Theo khảo sát, một số hệ thống bán lẻ lớn hiện đã không còn hàng tồn kho hoặc còn rất ít điện thoại Vsmart. Chẳng hạn, Thế Giới Di Động đã loại bỏ thương hiệu này khỏi danh mục kinh doanh, FPT Shop cũng chỉ còn bán mẫu Aris Pro phiên bản RAM 8 GB với giá khoảng 5 triệu đồng, CellphoneS còn một lượng ít Vsmart Aris, Aris Pro và mẫu Joy 4.
Ở giai đoạn đỉnh điểm, Vsmart từng chiếm đến hơn 16% thị phần tại Việt Nam (tháng 4/2020), nằm trong top 3 nhà sản xuất lớn nhất thị trường (sau Samsung và Oppo). Các mẫu di động của hãng thuộc các dòng Live, Joy hay Active được đánh giá cao nhờ cấu hình cao, giá bán hấp dẫn so với đối thủ cũng như chính sách bảo hành vượt trội (18 tháng so với 12 tháng của đối thủ). Một số di động của Vsmart cũng ghi nhận kỷ lục đặt hàng khi mở bán và trở thành các mẫu điện thoại "quốc dân". Vsmart cũng ghi dấu ấn khi là hãng di động đầu tiên đưa chiếc smartphone sử dụng camera ẩn dưới màn hình về nước với bản Aris và Aris Pro.
Quyết định dừng sản xuất smartphone của VinSmart vào giữa tháng 5/2021 gây nhiều bất ngờ nhưng được xem là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh thị trường di động ghi nhận cạnh tranh cao, lợi nhuận thấp và không có động lực tăng trưởng. Hiện tại, các kỹ sư của VinSmart chủ yếu tập trung nghiên cứu về hệ thống infotaiment để trang bị cho các dòng ô tô của VinFast.
VinSmart đã dừng sản xuất smartphone từ giữa năm 2021.
Trong khi đó, thị trường di động Việt Nam vẫn chứng kiến sự thống trị gần như tuyệt đối của Samsung và một số thương hiệu Trung Quốc. Tính đến tháng 12/2021, Samsung vẫn là "ông vua" thị trường với 35% thị phần – cao hơn 3 thương hiệu lớn gần nhất cộng lại.
Oppo đứng thứ 2 thị trường với 13,5 thị phần. Thương hiệu Nokia với ưu thế về các dòng di động phổ thông xếp thứ 3 với 10,1% trong khi đứng thứ 4 là Vivo với 8,8%. Các thương hiệu xếp sau lần lượt là Apple (8,7%), Xiaomi (7,9%) hay Reame (4,8%).
Về phía các thương hiệu Việt, chỉ có Mastel có tên trong nhóm được xếp hạng thị phần với khoảng 3,4% thị phần di động. Thương hiệu này hiện chỉ yếu kinh doanh các dòng di động phổ thông giá mềm hoặc một số smartphone giá siêu rẻ, tập trung tại các thị trường tỉnh.
Nhìn vào bức tranh thị trường di động hiện tại, nhiều khả năng trong nửa đầu 2022, khó có bất ngờ lớn xảy ra trên thị trường khi vị trí thống trị vẫn nằm trong tay Samsung và các thương hiệu Trung Quốc. Apple dù có kết quả kinh doanh cực kỳ tốt trong giai đoạn cuối 2021, đầu 2022 – là mùa mua sắm chủ đạo tại Việt Nam, cũng rất khó để bứt doanh số bởi sản phẩm của hãng chủ yếu nằm ở phân khúc cao cấp, hướng tới một nhóm người tiêu dùng nhất định.