MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Diện tích nhỏ, thiếu tài nguyên, phụ thuộc lớn vào nông nghiệp nhưng quốc đảo này có cách đạt bình quân GDP đầu người 10.000 USD chỉ sau 40 năm

15-04-2017 - 16:27 PM | Tài chính quốc tế

Năm 1976 GDP bình quân đầu người của Mauritius vào khoảng 780 USD thì đến nay đạt mức đỉnh 10.000 USD vào năm 2014, tăng 12,8 lần chỉ sau 40 năm. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sử dụng Mauritius như là hình mẫu cho các quốc gia khác.

Giải lời nguyền thế kỷ 18

Năm 1798, một lý thuyết kinh tế học có lẽ là quan trọng nhất trong lịch sử – Bài luận về Quy luật Dân số (An Essay on the Principle of Population) của học giả Malthus ra đời . Ông cho rằng khi lực lượng lao động trên một diện tích cố định đất nông nghiệp tăng lên, khoản bổ sung vào tổng sản lượng lương thực được tạo ra do thêm lao động ngày càng nhỏ – do thứ gọi là quy luật hiệu suất giảm dần.

Malthus đã đúng ở chỗ là với một lượng vốn và đất đai nhất định, nếu lao động ngày càng tăng thì mức tăng trong sản xuất sẽ càng giảm. Thậm chí ngày nay, nhiều quốc gia cũng đang phải đấu tranh một cách tuyệt vọng để giữ cho mức sống không bị giảm xuống; vì dân số của họ cứ hai thập kỷ lại tăng lên gấp đôi nên lương thực sản xuất ra cũng phải tăng gấp đôi tương ứng và đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Nhưng dù đất đai không thể sinh sôi nhưng những yếu tố khác giúp tăng năng suất lao động và do đó tăng sản phẩm cận biên của lao động- máy móc và kiến thức- lại có thể. Nếu Bài luận về Quy luật Dân số của Malthus là một tác phẩm gây chấn động vào cuối thế kỷ XVIII thì trong thế kỷ XX đã xuất hiện một vài thực tế bác bỏ nó – ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Kể từ khi Malthus viết bài luận nổi tiếng của ông, sản phẩm cận biên và sản phẩm trung bình của lao động không những không hề giảm mà còn tăng mạnh. Ở Anh và Mỹ, năng suất lao động trung bình đã tăng khoảng 20 lần kể từ thời Malthus và nhờ đó, mức sống đã tăng ngoạn mục. Nhưng một hòn đảo nhỏ có dân cư đông đúc ở Ấn Độ Dương có tên Mauritius đã cung cấp một phản ví dụ thậm chí còn ngoạn mục hơn đối với Malthus và một vài bài học cho nhà điều hành.

Sau Thế chiến II, Mauritius bé nhỏ với dân số hơn 1 triệu người đã phải trải qua 5 thách thức lớn: Diện tích nhỏ, thiếu tài nguyên thiên nhiên, quá phụ thuộc vào một vụ mùa duy nhất (đường), xung đột dân tộc (dân số của nó gồm một tập hợp người châu Âu, người Creole, người Trung Quốc, người Hindu và người Hồi giáo có nguồn gốc Ấn Độ) và cách xa những thị trường lớn. Nếu có một "cuộc thi sắc đẹp" dành cho các quốc gia có thể đạt mức tăng trưởng cao, nhiều người sẽ cho rằng Mauritius là quốc gia về bét.

Thực tế, Mauritius lại nằm trong số những người thắng cuộc. Năm 1976 GDP bình quân đầu người của Mauritius vào khoảng 780 USD thì đến nay đạt mức đỉnh 10.000 USD vào năm 2014, tăng 12,8 lần chỉ sau 40 năm. Năm 1983, cứ 5 công nhân thì có 1 người thất nghiệp thì đến năm 1988, tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 1/25. Lạm phát nhìn chung thấp. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sử dụng Mauritius như là hình mẫu cho các quốc gia khác.

Công thức của Mauritius là gì?

Hãy bắt đầu với một lực lượng lao động có giáo dục. Các nhà kinh tế học chỉ ra rằng hàng hóa và dịch vụ là thành quả của lao động, nguồn vốn, nguyên vật liệu, công nghệ và"kiến thức," hay cách làm. Trong số 5 yếu tố trên, yếu tố nào tạo ra lợi thế lớn nhất, lâu dài nhất cho một quốc gia?

Ngày càng rõ ràng rằng con người (các kỹ năng, động lực của họ và những kiến thức cũng như nguồn lực mà họ cần) là yếu tố chính và có lẽ là duy nhất tạo ra lợi thế như vậy. Cả công nghệ và kiến thức đều không phải là những yếu tố tạo lợi thế đương nhiên. Giống như vốn, công nghệ và kiến thức có tính di động cao, chúng di chuyển rất nhanh từ quốc gia này (quốc gia phát kiến) đến quốc gia khác, thách thức mọi nỗ lực nắm giữ hay sở hữu độcquyền chúng. Lao động là yếu tố quan trọng nhất trong 4 yếu tố sản xuất vì nó có ít tính di động nhất trong thị trường toàn cầu ngày nay.

Lao động có một lợi thế nữa là trong những điều kiện thích hợp, lao động tiến bộ theo thời gian, theo độ tuổi và theo kinh nghiệm, không giống như máy móc và công nghệ hiện tại, những thứ mà gần như chỉ luôn giảm hiệu quả dần. Trong những điều kiện thích hợp, con người học hỏi thường là rất nhanh trong khi máy móc thì không.

Quay lại với Mauritius, trong năm 1960 quốc gia này đã phổ cập giáo dục tiểu học. Từ năm 1960 đến năm 1985, số người đăng ký học cấp 3 đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ người Mauritius biết đọc biết viết cao, hệ thống giáo dục của họ tuyệt vời và Đại học Mauritius đã đào tạo ra rất nhiều những con người tài năng cho các vị trí cao trong doanh nghiệp và chính phủ.

Mauritius theo chế độ dân chủ nghị viện và đề cao quyền con người. Bây giờ, hãy chuyển sang khía cạnh kinh tế học thị trường tự do. Chính phủ Mauritius ủng hộ các thị trường tự do và đã hành động để tạo ra chúng. Năm 1984, Mauritius đã giảm thuế, gỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu và tạo ra một khu chế xuất (Export Processing Zone – EPZ), nơi mà hàng hóa được sản xuất để xuất khẩu không phải chịu những ràng buộc về thủ tục hành chính áp cho những hàng hóa hoặc vốn nhập khẩu. (Về địa lý thì cả hòn đảo là một khu chế xuất).

Các nhà xuất khẩu châu Á, chủ yếu từ Hong Kong cũng như Đài Loan và Singapore, chọn Mauritius là nơi đặt cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Nguồn vốn chảy dồi dào vào khu chế xuất này. Khoảng 600 công ty sản xuất bắt đầu hoạt động ở đây. Họ nhanh chóng biến Mauritius thành nhà xuất khẩu hàng dệt len lớn thứ 3 thế giới – "kẻ nghèo rớt đã thành người giàu sang." Hàng chục quốc gia châu Phi hiện cũng đang bắt chước cạnh tranh với khu chế xuất của Mauritius.

Tuy nhiên, Mauritius vẫn còn phải đối mặt với những thách thức khó khăn khác. Kinh tế học cũng giống như bóng chày, việc thăng hạng sẽ mang đến những cạnh tranh gay gắt hơn. Cầu về lao động cao sẽ làm tăng tiền lương và khiến lực lượng lao động mất đi sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, từ đó dẫn đến lo ngại rằng các nhà máy sẽ chuyển đến các quốc gia khác có mức tiền lương thấp hơn. Để giải quyết vấn đề này, Mauritius tìm kiếm một vai trò mới là "nhà gia công thuê ngoài" cho các công ty châu Âu và Mỹ và đang cố đa dạng hóa sang các lĩnh vực như đồ trang sức, nhựa, thậm chí cả hóa dầu và tránh khỏi ngành may mặc.

Hiện nay ngoài nông nghiệp và sản xuất, những ngành đang được Mauritius đẩy mạnh là du lịch và tài chính đặc biệt là ngân hàng và thuê ngoài kinh doanh.

Theo Kim Thủy

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên