MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều ẩn sau tỷ lệ thất nghiệp thấp của Nhật Bản

22-08-2020 - 20:15 PM | Tài chính quốc tế

Nhật Bản hiện có khoảng 2,4 triệu lao động thuộc diện tạm nghỉ việc và nhận lương từ khoản trợ cấp của chính phủ.

Những con số danh nghĩa về tỷ lệ thất nghiệp thấp tại Nhật Bản được xem là bằng chứng cho thấy nền kinh tế nước này đang chống chịu tốt trước những tác động của đại dịch Covid-19. Song số liệu thực tế lại cho thấy một tương lai ảm đạm đối với nhóm lao động tạm thời, vốn chiếm 38% lực lượng lao động tại Nhật Bản.

Số lượng lao động mất việc làm gia tăng sẽ làm suy yếu một trong số ít những thành quả của các biện pháp kích thích kinh tế mang tên "Abenomics" của Thủ tướng Shinzo Abe.

Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản trong tháng 6 là 2,8%, thấp hơn nhiều so với các con số 10,2% tại Mỹ và 7,8% tại Khu vực đồng tiền chung euro (eurozone).

Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn các số liệu cho thấy lượng người từ bỏ nỗ lực tìm việc làm ngày càng tăng. Điều này khiến cho con số thống kê tỷ lệ thất nghiệp chính thức – tỷ lệ người thất nghiệp vẫn chưa tìm được việc làm – không tăng quá nhiều.

Nhật Bản hiện có khoảng 2,4 triệu lao động thuộc diện tạm nghỉ việc và nhận lương từ khoản trợ cấp của chính phủ. Chính quyền Thủ tướng Abe đang tìm cách gia hạn gói trợ cấp này trước khi hết hạn vào tháng 9.

Theo nhà kinh tế Hisashi Yamada tại Viện nghiên cứu Nhật Bản, con số 2,4 triệu trên đã phản ánh thực tế “các công ty đang vật lộn với tình trạng dư thừa lao động và chịu sức ép buộc phải cắt giảm nhân công”.

“Tình trạng thất nghiệp sẽ tác động tới sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản khi lan rộng hơn sang các lĩnh vực khác trong những năm tới, làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình”, ông Yamada khẳng định.

Kinh tế Nhật Bản chứng kiến sự lao dốc với tốc độ kỷ lục trong quý II bởi đại dịch làm suy giảm mạnh các hoạt động tiêu dùng và xuất khẩu.

Trên thị trường việc làm, chịu thiệt thòi nhất là nhóm lao động không thường xuyên, trong đó bao gồm những người được trả lương thấp hay làm các công việc bán thời gian. Nhóm lao động này hiện chiếm 38% lực lượng lao động tại Nhật Bản, đồng thời chiếm tới 75% lượng lao động đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn – hai nhóm ngành chịu tác động mạnh từ đại dịch.

Một cuộc khảo sát của chính phủ cho thấy trong hơn 40.000 công nhân mất việc kể từ tháng 2 có khoảng 15.000 người là lao động không thường xuyên.

Một người giấu tên nói với Reuters rằng cô đã bỏ công việc bán thời gian là nhân viên trực tổng đài bộ phận chăm sóc khách hàng ở Kanagawa hồi tháng 6.

“Chủ doanh nghiệp không cho phép các nhân viên không chính thức như chúng tôi được làm việc tại nhà. Họ nói rằng tôi sẽ không được nhận lương cho những ngày không đi làm vì thế tôi đã xin nghỉ hẳn. Tôi nghĩ tốt hơn là tôi nên sống bằng bảo hiểm thất nghiệp”, cô cho hay.

Một số nhà kinh tế ước tính tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên gần 4% nếu tính cả nhóm lao động đang tạm nghỉ việc và nhận lương từ khoản trợ cấp của chính phủ như người nêu trên.

Nhìn nhận rộng hơn, suy thoái kinh tế đã và đang dần ảnh hưởng tới cả những người vừa bước chân vào thị trường lao động và cả những người sắp về hưu.

Thống kê cho thấy, khoảng 100 học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp đã nhận được thông báo hủy lời mời làm việc. Con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, lần đầu tiên sau 8 năm, Nhật Bản chứng kiến hơn 50 công ty niêm yết phải đề xuất chế độ nghỉ hưu sớm với khoảng 9.300 lao động.

Một số nhà phân tích dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản sẽ tăng lên mức kỷ lục 5,5%, bằng với con số mà nước này đã từng chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Đây là con số được coi là cao ở Nhật Bản, nơi mà các liên đoàn lao động từ trước tới nay sẵn sàng chấp nhận đề xuất đánh đổi giữa mức lương thấp với bảo vệ việc làm – điều giúp cho tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này luôn thấp hơn nhiều nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Nobuyuki Sato, giám đốc một khách sạn xây dựng và kinh doanh theo mô hình truyền thống của Nhật Bản, cho hay việc chính phủ quyết định chấm dứt trợ cấp cho người lao động có thể buộc doanh nghiệp của ông phải cắt giảm việc làm.

“Các khoản lương và phúc lợi cho người lao động là một gánh nặng lớn với những khách sạn theo kiểu truyền thống như chúng tôi, bởi chúng chiếm tới 30% tổng chi phí vận hành”, ông Sato nói.

Theo Đỗ Hiền

NDH

Trở lên trên