Điều bất ngờ từ “chiến hạm ma” 360 tuổi dưới sông Thames
Các nhà khoa học Anh tuyên bố họ vừa có "khám phá phi thường" tại cửa sông Thames, nơi có một "chiến hạm ma" ẩn mình
- 10-08-2024Quyết định của Ukraine tấn công vùng Kursk có phải là một "canh bạc"?
- 10-08-2024Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu bánh mì
- 10-08-2024Một quốc gia lên kế hoạch phi đô la hóa trước năm 2030, tăng hình phạt đối với thao túng tiền tệ
Theo Ancient Origins, một thợ lặn từ cơ quan khảo cổ Historic England đã phát hiện một khẩu pháo bằng đồng được bảo quản rất tốt từ "chiến hạm ma" London, bị đắm từ thế kỷ XVII ở khu vực cửa sông Thames.
Phát hiện mới này không chỉ đem về một hiện vật có giá trị cao, được bảo quản tốt nhờ vùi sâu dưới bùn và đất sét dày nơi đáy song mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn một lát cắt lịch sử đặc biệt.
"Chiến hạm ma" tên London từng là một tàu chiến có tầm quan trọng đáng kể về mặt lịch sử, được đóng từ năm 1654-1656 tại Xưởng đóng tàu Chatham trong giai đoạn có nhiều biến động ở Anh.
Đây là thời kỳ đánh dấu hậu quả của Nội chiến Anh (1642-1648) và kết thúc của Chiến tranh Anh - Hà Lan lần thứ nhất (1652-1654).
Thời điểm đó, London đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Anh, là một phần của đoàn tàu hộ tống Charles II trở về từ nơi lưu vong ở Hà Lan vào năm 1660, đưa ông trở lại ngai vàng.
Tuy vậy, London đã gặp một kết cục thảm khốc vào năm 1665 khi nó phát nổ do một tai nạn thuốc súng, chìm ở cửa sông Thames gần Bến tàu Southend.
"Chiến hạm ma" này hiện còn hai phần tàn tích tách biệt dưới đáy sông Thames, luôn nhận được sự quan tâm của giới khảo cổ.
Khẩu pháo mới được phát hiện là một trong những phát hiện quan trọng nhất từ xác tàu đắm, cung cấp cái nhìn sơ bộ hiếm hoi về hỏa lực của hải quân thời kỳ đó.
Làm việc xung quanh xác tàu là thách thức lớn do vị trí này nằm trong môi trường thủy triều cao, gần tuyến đường vận chuyển đông đúc.
Các tàu chở hàng lớn thường xuyên đi qua, làm tăng thêm khó khăn cho việc tiến hành thám hiểm dưới nước.
Bất chấp những thách thức ấy, việc phát hiện khẩu pháo đã làm sáng tỏ hoàn cảnh phát nổ của tàu London và cách nó tách thành hai phần trên đáy sông.
Người Lao Động