MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chỉnh lương hưu: Cần sớm và đồng bộ

19-04-2021 - 06:58 AM | Xã hội

Nhiều người về hưu trước năm 1995 đang hưởng mức lương hưu thấp hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng

Nhiều người về hưu trước năm 1995 đang hưởng mức lương hưu thấp hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh lương hưu trong bối cảnh hiện nay là phù hợp và cần thực hiện sớm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần kèm theo các cải cách về tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội.

8 nhóm đối tượng được tăng lương hưu

Theo dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng(đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ, từ ngày 1/1/2022), lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng sẽ tăng thêm 15% so với mức áp dụng của tháng 12/2021. Sẽ có 8 nhóm đối tượng được thụ hưởng mức lương và trợ cấp tăng thêm gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu, cán bộ phường, thị trấn...đang hưởng lương hưu hằng tháng.

Dự thảo nghị định này cũng quy định người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định trên nhưng thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh bổ sung. Cụ thể, tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Để không tạo ra áp lực cho ngân sách nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 thời điểm thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng. Phương án được đưa ra là: Phương án 1: Điều chỉnh từ ngày 1/7/2021 với mức là 10%; Phương án 2, được thực hiện từ ngày 1/1/2022 với mức điều chỉnh là 15%.

Để không tạo ra áp lực cho ngân sách nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 thời điểm thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng. Phương án được đưa ra là: Phương án 1: Điều chỉnh từ ngày 1/7/2021 với mức là 10%; Phương án 2, được thực hiện từ ngày 1/1/2022 với mức điều chỉnh là 15%.

Theo phương án 1, số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả ước khoảng 925.189 người. Dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng của năm 2021 là 44.538 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội chi trả ước tính lên đến 2.153.622 người.

Nếu theo phương án 2, số trường hợp được điều chỉnh tăng lương (lấy từ nguồn ngân sách nhà nước chi trả) khoảng 896.823 người. Dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số trường hợp được điều chỉnh từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội chi trả khoảng 2.283.819 người, kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế).

Còn đối với nhóm đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 và có mức lương hưu đang hưởng thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng sẽ có khoảng 426.000 người được điều chỉnh. Dự kiến, kinh phí tăng thêm nếu thực hiện điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 là 700 tỷ đồng.

Cần quan tâm cả người đang làm việc

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trong giai đoạn 2019-2020, lương hưu không thực hiện điều chỉnh, do đó, nhu cầu tăng lương hưu trong thời điểm này rất cần thiết.

Theo ông Huân, lương hưu nằm trong tổng thể chính sách cải cách bảo hiểm xã hội, thuộc đề án về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Do đó, việc tăng lương hưu cần được tính toán cân nhắc để phù hợp với từng nhóm đối tượng hưu trí. Cùng với đó, cần phải quan tâm đến những người lao động đang tại chức.

Ông Huân cho rằng, việc xác định thời điểm tăng lương hưu từ ngày 1/7/2021 hay 1/1/2022 trong bối cảnh này phải cân nhắc rất kỹ. “Nếu tăng vào ngày 1/7/2021, dù người dân được tăng sớm nhưng thời gian rất gấp. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng nữa, Bộ LĐ-TB&XH có chuẩn bị xong dự thảo và các nội dung liên quan hay không. Chính phủ vừa có lãnh đạo mới, “hội đồng tiền lương” còn chưa ổn định, có quyết được kịp thời hay không còn chưa rõ. Còn sang năm 2022, việc tăng lương hưu cần tính toán kỹ để không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách mhà nước”, ông Huân nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia từng nhiều năm công tác tại Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiện tại, với nhóm lao động về hưu trước 1/1/1995, nguồn để tăng lương do ngân sách Nhà nước chi trả (nhóm này lương hưu thấp chỉ dưới 2,5 triệu đồng/tháng/người), còn những người nghỉ hưu từ sau ngày này đến nay do quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả.

“Việc điều chỉnh lương hưu với hai phương án đề xuất mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, phương án 1 phù hợp hơn, vì đáp ứng được mong mỏi của nhiều người dân. Phương án 2, dù mức tăng cao hơn nhưng do dịch COVID-19, ngân sách nhà nước phải chi các khoản để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân rất khó khăn nên chưa thể lường trước được”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, bên cạnh việc tăng lương hưu, cần quan tâm cải cách chính sách tổng thể tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội. Phải thực hiện đồng bộ, phương án tăng lương hưu mới thực sự hiệu quả và công bằng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dự thảo về điều chỉnh lương hưu sẽ được lấy ý kiến trong vòng 2 tháng, tính từ 18/3, sau đó bộ này sẽ tổng hợp lại trình Chính phủ để chốt phương án. Về quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH, vị này cho biết, sẽ căn cứ ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội; chuyên gia và người dân để quyết định.


Theo Vũ Phong

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên