Điêu đứng vì chủ hụi "mất tích"
Ngày 30-5, Công an quận 1, TP HCM cho biết đã tiếp nhận thông tin nhiều nạn nhân tố bị giật hụi xảy ra tại khu vực chợ Thái Bình (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM). Theo đó, nhiều người đã đến cơ quan công an tố cáo bà A.D.A (SN 1986, tên thường gọi là Phương) đã bỏ đi đâu không rõ khi đang làm chủ đường dây hụi với số tiền lớn.
- 29-01-2021Vỡ hụi tiền tỉ, tiểu thương chợ Vườn Lài ngất xỉu
- 08-07-2020Vỡ hụi tiền tỷ ở Cai Lậy
- 15-10-2019Rúng động vụ vỡ hụi "khủng" Quảng Bình: Có đến hơn 1.000 người tham gia
Trao đổi với phóng viên, bà T.H.B (SN 1968, ngụ quận 1) nghẹn ngào kể lại: "Trong thời gian kinh doanh, buôn bán tại chợ Thái Bình, tôi có gặp gỡ và biết được mẹ con bà Phương tổ chức chơi hụi đã lâu. Nhận thấy bà Phương và mẹ có thâm niên trong việc tổ chức hụi tại địa phương, cùng với việc bà Phương luôn giao các phần hụi cho thành viên đúng thời hạn, tôi và các tiểu thương tại chợ Thái Bình đã tin tưởng tham gia dây hụi do bà Phương tổ chức".
Theo lời bà B., những năm đầu tham gia dây hụi, để tạo sự tin tưởng cho các thành viên, bà Phương thông báo cho các thành viên về nơi cư trú của mình, đồng thời giao các phần hụi cho thành viên lãnh tại mỗi kỳ mở hụi đầy đủ và đúng hạn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, bà Phương bắt đầu có dấu hiệu chây ì trong việc trả hụi, thậm chí có nhiều thành viên đưa ra mức lãi rất cao tại kỳ hụi nhưng vẫn không lãnh được hụi.
"Đến giữa tháng 4-2022, khi không thấy bà Phương ra chợ thu hụi như thường ngày, tôi và các tiểu thương đã đến nhà bà Phương để tìm và phát hiện bà Phương cùng gia đình đã bán nhà đi khỏi nơi cư trú, cắt hoàn toàn mọi thông tin liên lạc. Tôi bị bà Phương chiếm đoạt 2 dây hụi tổng cộng 84 triệu đồng, đó là tài sản lớn nhất của tôi" - bà B. nói trong vô vọng.
Cũng giống bà B., bà N.T.Đ (SN 1960) nhiều ngày nay đứng ngồi không yên khi bà Phương "ra đi không lời từ biệt". Bà Đ. cũng là tiểu thương chợ Thái Bình và tham gia 2 dây hụi do bà Phương tổ chức. "Tôi bị chiếm đoạt khoảng 240 triệu đồng, đó là số tiền dành dụm để trang trải lúc khó khăn cũng như mua hàng hóa kinh doanh. Bây giờ tôi không biết phải làm sao?".
Đến nay có hàng chục nạn nhân đã gửi đơn đến Công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) để tố cáo bà Phương. Liên quan vấn đề này, Công an phường Phạm Ngũ Lão cho biết đã nắm bắt thông tin, tiếp nhận đơn tố giác và chuyển lên Công an quận 1 để xử lý theo thẩm quyền.
Về việc chủ hụi bỏ trốn, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM) cho rằng hành vi có dấu hiệu tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Trong trường hợp này, người dân cần đoàn kết, tập hợp làm đơn tố cáo tập thể để cơ quan tố tụng dễ phân loại, xác minh; cần tập hợp hồ sơ, chứng cứ liên quan để gửi đến các cơ quan chức năng.
"Việc góp hụi này đã hình thành nên thỏa thuận dân sự, có thể xem như một hợp đồng mà các bên phải tuân thủ nội dung đã thống nhất, như: số tiền mỗi lần góp, thời hạn góp, nhận tiền vào cuối kỳ. Giao dịch này có thể không thể hiện bằng văn bản, chỉ bằng miệng nhưng vẫn có giá trị pháp lý. Chủ hụi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền lẽ ra đến kỳ phải trả là đã thỏa dấu hiệu cấu thành tội phạm của điều luật trên. Tuy nhiên, để khẳng định thật sự có giao dịch, phía nạn nhân phải chứng minh bằng các chứng từ, giấy tờ hoặc tin nhắn điện thoại, ghi âm cuộc nói chuyện… Nói chung là phải có chứng cứ" - bà Nhuệ thông tin.
"Công an TP HCM nhiều lần cảnh báo người dân cần cẩn thận khi tham gia các đường dây hụi do cá nhân tổ chức vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã có nhiều chủ hụi bỏ trốn, bỏ ra nước ngoài mang theo tài sản và để lại cho các nạn nhân khoản nợ kếch xù. Nếu có bắt được họ thì khả năng thi hành án cũng gặp nhiều gian nan vì khi bỏ trốn, chủ hụi đã tính toán rất tinh vi, do đó người dân phải hết sức cẩn thận" - bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) nói.
Người lao động