MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì đã khiến cổ phiếu Vinamilk thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong những phiên giao dịch gần đây?

27-03-2017 - 08:12 AM | Doanh nghiệp

Giá sữa nguyên liệu bình quân năm 2017 của Vinamilk có thể chỉ khoảng 2.700 USD/tấn, tăng 35% và thấp hơn nhiều so với ước tính mức tăng 50% được nhiều CTCK đưa ra hồi đầu năm 2017.

Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu Vinamilk (VNM) đã có nhịp tăng khá tích cực từ vùng giá 130.000 đồng lên trên 140.000 đồng và điều này đã góp phần quan trọng giúp VnIndex vượt qua vùng 720 điểm.

Việc cổ phiếu VNM bứt phá mạnh trong thời gian gần đây bên cạnh yếu tố khối ngoại liên tiếp mua ròng còn có nguyên nhân từ việc công ty đã mua sữa nguyên liệu đợt cuối phục vụ cho hoạt động sản xuất trong năm 2017 với mức giá thấp hơn kỳ vọng.


Cổ phiếu VNM bứt phá mạnh trong thời gian gần dây

Cổ phiếu VNM bứt phá mạnh trong thời gian gần dây

Vinamilk cho biết đã mua sữa nguyên liệu đợt cuối phục vụ cho hoạt động sản xuất trong năm nay (khoảng 55-60% nhu cầu sữa nguyên liệu cả năm 2017). Theo ước tính của một CTCK, giá mua bình quân của Vinamilk đợt này khoảng 2.450 USD/tấn. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá mua đợt đầu (khoảng 40-45% nhu cầu sữa nguyên liệu cả năm) vào cuối năm 2016, ước tính là 3.000 USD/tấn.

Như vậy, giá sữa nguyên liệu bình quân năm 2017 của Vinamilk có thể chỉ khoảng 2.700 USD/tấn, tăng 35% và thấp hơn nhiều so với ước tính mức tăng 50% được nhiều CTCK đưa ra hồi đầu năm 2017. Hiện tại, sữa nguyên liệu chiếm khoảng 39% giá vốn bán hàng của Vinamilk.

Với việc ảnh hưởng của giá sữa nguyên liệu tăng là ít hơn so với dự báo trước đây và tỷ suất lợi nhuận gộp dự báo sẽ được cải thiện sẽ giúp lợi nhuận năm 2017 của Vinamilk tăng trưởng tích cực.

Trong những năm tới, triển vọng tăng trưởng của Vinamilk cũng được các CTCK đánh giá rất khả quan nhờ lượng tiêu thụ sữa tăng ổn định cùng với lợi thế cạnh tranh của Vinamilk ở những phân khúc quan trọng và khả năng mặc cả giá với khách hàng.

Thâu tóm nhà máy sữa Campuchia, bàn đạp sang thị trường Myanmar

Một thông tin khác hỗ trợ cho đà bứt phá của VNM là việc công ty vừa thông báo đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của đối tác tại Angkormilk.

Được biết, nhà máy sữa Angkor được đầu tư bởi Vinamilk và công ty BPC, trong đó, VNM nắm giữ 51% cổ phần và BPC nắm giữ 49% cổ phần. Dự án được cấp phép đầu tư từ tháng 1/2014, tọa lạc tại thủ đô Phnompenh với tổng diện tích 30.000m2. Nhà máy này đã đi vào hoạt động trong năm ngoái với công suất 19 triệu lít sữa nước, 65 triệu hộp sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc mỗi năm trong Giai đoạn 1.

Theo nhận định của một CTCK trên thị trường, mức đóng góp doanh thu, lợi nhuận của Angkormilk vào Vinamilk hiện vẫn rất khiêm tốn, tuy nhiên đây là nhà máy có triển vọng tăng trưởng mạnh và có thể là mô hình để Vinamilk trong tương lai mở rộng sang các thị trường khu vực như Myanmar.

Khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam, nắm giữ 55% thị phần sữa nước

Năm 2016 vừa qua là một năm “rực rỡ” của Vinamilk khi doanh thu thu thuần lên tới 46.965 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế tăng 21% lên 9.364 tỷ đồng.

Không những vậy, thị phần của tất cả các ngành hàng đều được giữ vững và có sự tăng trưởng đáng kể ở 3 ngành hàng chủ lực là sữa nước, sữa chua ăn và sữa chua uống. Trong đó, thị phần sữa nước chiếm 54,5%, thị phần sữa chua ăn chiếm 84,7% và thị phần sữa chua uống chiếm 33,9%.

Đáng chú ý, thị phần sữa nước đã tăng 1,5% so với năm 2015 còn thị phần sữa chua uống tăng đột phá 1,9%. Thị phần sữa chua ăn tăng 0,4% so với năm trước đó.

Năm 2016 cũng là năm đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc trong chăn nuôi bò sữa khi Vinamilk lần đầu phát triển thành công trang trại bò sữa hữu cơ (organic) đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 2017 được xem là năm tiền đề cho việc thực hiện chiến lược trong giai đoạn mưới 2017-2021. Do vậy, công ty sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bằng cách đẩy mạnh phân khúc trung và cao cấp. Trong đó có việc tiếp tục mở rộng thêm 4 thị trường tiềm năng trọng điểm tại khu vực Châu Phi.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên