Điều gì đã xảy ra với Skype?
Từng là một trong những ứng dụng gọi thoại phổ biến bậc nhất thế giới, Skype giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình.
- 04-07-2023Những trường hợp sẽ bị khóa tài khoản định danh điện tử người dân cần biết
- 04-07-2023Quyết đấu với Apple Vision Pro, Mark Zuckerberg trả lương cao ngất cho nhà phát triển VR, hứa hẹn tạo ra “vua nghề” mới
- 04-07-2023YouTube mạnh tay với người dùng không muốn xem quảng cáo
So với thời kỳ hoàng kim, vị thế của Skype ở thời điểm hiện tại đã kém xa khi xưa. Ứng dụng thoại, video và nhắn tin này đã trở nên nổi tiếng vào những năm 2000 khi cho phép người dùng nói chuyện với bạn bè và các thành viên trong gia đình qua Internet, thay vì tốn một khoản chi phí lớn cho các cuộc gọi điện thoại đường dài.
Vào năm 2005, Skype đã được ông lớn thương mại điện tử vào thời điểm đó là eBay lên kế hoạch thâu tóm. Vì nhiều lý do khác nhau, thỏa thuận này đã không diễn ra như kế hoạch và một nhóm nhà đầu tư do Silver Lake đứng đầu đã mua phần lớn cổ phần. Microsoft sau đó bước vào, chi ra 8,5 tỷ USD cho công ty vào năm 2011.
Những tưởng thương vụ này sẽ giúp Skype tiến thêm một bước, trở thành ứng dụng đứng đầu trong lĩnh vực thoại, video và nhắn tin. Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng đổi khác khi Skype về tay Microsoft.
Ngay cả khi được hỗ trợ bởi công ty phần mềm lớn nhất thế giới, Skype đã và đang thất thế. Trong đại dịch, người dùng và nhân viên kinh doanh đã chuyển sang các công cụ như Zoom và Meta WhatsApp, chưa kể hàng loạt tùy chọn khác nhau để kết nối nhanh chóng với các nhóm bạn bè và đồng nghiệp qua smartphone. Nói cách khác, Skype không thực sự phù hợp cho các cuộc gọi hay cuộc họp nhóm.
"Skype chủ yếu vẫn được coi là ứng dụng một đối một", Jim Gaynor, phó chủ tịch nghiên cứu của công ty tư vấn Directions on Microsoft, cho biết.
Trên thực tế, bản thân Microsoft đã liên tục có những động thái khác nhau nhằm giúp Skype lấy lại vị thế. Chẳng hạn, hãng công nghệ này đã quảng bá Skype trong Outlook và Windows, thậm chí còn làm phong phú thêm ứng dụng bằng chatbot trí tuệ nhân tạo Bing. Tuy nhiên, tình hình của Skype vẫn không mấy khả quan.
Vào tháng 3 năm 2020, Microsoft cho biết Skype có 40 triệu người dùng hoạt động hàng ngày. Kể từ đó đến nay, số người dùng đã giảm xuống còn 36 triệu.
Ngược lại, ứng dụng liên lạc Teams mới hơn của Microsoft đang ngày càng phổ biến, tăng từ gần 250 triệu người dùng hàng tháng vào tháng 7 năm 2021 lên kỷ lục hơn 300 triệu trong quý đầu tiên.
Jaan Tallinn, một trong những kỹ sư sáng lập của Skype, nói rằng mặc dù đã hơn một thập kỷ trôi qua kể từ khi ông rời Skype, nhưng đây vẫn là lựa chọn mặc định của ông cho các cuộc gọi.
"Nếu mọi người muốn sử dụng một số ứng dụng khác, thì tôi rất sẵn lòng tuân theo", ông nói.
Tất nhiên, mặc dù đang trên đà sa sút, việc Skype biến mất hoàn toàn vẫn chưa thể xảy ra ở thời điểm hiện tại hay tương lai gần.
"Skype sẽ vẫn là một lựa chọn tuyệt vời cho những người yêu thích nó và muốn kết nối qua tin nhắn, cuộc gọi âm thanh và video cũng như Bing Chat," người đại diện của Microsoft khẳng định.
Tham khảo CNBC
Phụ nữ số