MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì đang chờ Phố Wall

S&P 500 giảm 4,3% trong hai phiên 3 và 4/9 nhưng vẫn cao hơn 53% so với đáy hồi tháng 3 – khi nỗi sợ Covid-19 lên đỉnh điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq, tỷ trọng lớn là cổ phiếu công nghệ, giảm 6,4%.

Thị trường như tự hỏi “chuyện gì vừa xảy ra với Phố Wall trong 48 giờ sau khi S&P 500 và Nasdaq ngày 2/9 lần lượt lập đỉnh lịch sử thứ 22 và 43 năm nay còn Dow Jones lần đầu đóng cửa trên 29.000 điểm từ tháng 2, chỉ thấp hơn 2% so với đỉnh lịch sử ngày 12/2?”, Market Watch mô tả.

Với đà đi xuống như trên cùng với thời gian nghỉ cuối tuần dài 3 ngày – Phố Wall nghỉ lễ Lao động 7/9, chiến lược gia phân tích kỹ thuật Robert Sluymer nhận định thị trường có thể giảm hơn nữa.

“Chúng tôi không bất ngờ nếu ‘quy tắc ba ngày’ có hiệu lực”, Sluymer cho biết. “Các đợt bán tháo sâu thường cần ít nhất 3 ngày để ‘giũ sạch’ những người bán hoảng loạn”.

Điều gì đang chờ Phố Wall - Ảnh 1.

Nasdaq và S&P 500 giảm mạnh trong hai phiên cuối tuần trước.



Tuy nhiên, về khía cạnh giá lên, không có nhiều thứ thay đổi. Nhà đầu tư giữ quan điểm giá lên vẫn cảm thấy triển vọng tốt từ lãi suất thấp trong những năm tới, Fed bơm tiền hơn nữa vào hệ thống tài chính, chính phủ Mỹ tung thêm gói kích thích, từ đó chống đỡ cho thị trường, tạo ra lực cản ngăn các đợt lao dốc mạnh trong tương lai.

Những người lạc quan coi đợt giảm tuần trước chỉ là một đoạn gồ ghề trên con đường tăng mạnh hơn nữa.

“Đợt thị trường giá lên này bắt đầu từ tháng 3 và mới chỉ có 2 đợt giảm hơn 5%. Những đợt thị trường giá lên gần đây thường có 3 hoặc 4 lần điều chỉnh trong vòng 9 tháng đầu”, Keith Lerner, giám đốc chiến lược thị trường tại SunTrust Advisory, nhận định.

Lerner lưu ý rằng S&P 500 tăng liên tục 5 tháng cho đến tháng 8 – chỉ xảy ra 27 lần kể từ năm 1950 – là tín hiệu tốt bởi điều này thường ngụ ý thị trường sẽ còn tăng hơn nữa.

Do đó, nhà đầu tư có thể coi đợt giảm này là giai đoạn điều chỉnh tự nhiên giúp xóa bỏ phần nào sự phấn khích từ việc định giá cổ phiếu vượt xa những thước đo thường dùng khi so sánh các tài sản ngang hàng.

Dan Suzuki, phó giám đốc đầu tư tại Richard Bernstein Advisors, nhận định các cổ phiếu công nghệ - đặc biệt là nhóm FANMAG gồm Facebook, Amazon, Netflix, Microsoft, Apple và Google – đã tăng giá quá nhanh trong khi những phân khúc khác trên thị trường lại chứng kiến lợi nhuận ước tính giảm, bóp méo phần P (giá) trong hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) thường sử dụng để định giá một cổ phiếu.

“Hai nhóm cổ phiếu này đều đắt hơn vì những lý do hoàn toàn khác biệt. P/E của FANMAG tăng do P tăng nhanh hơn E trong khi P/E của phần còn lại thuộc S&P 500 tăng do E giảm mạnh hơn P”, Suzuki viết.

Trên thực tế, trong giai đoạn từ tháng 3 đến đầu tuần trước, nhà đầu tư có nhu cầu mua vào các cổ phiếu liên quan công nghệ và một nhóm gọi là “những công ty ở nhà”, bao gồm Zoom Video Communications, do tin rằng nhóm này vừa hưởng lợi từ đại dịch Covid-19, vừa có vị thế tốt nhất để hưởng lợi khi nền kinh tế thoát suy thoái.

Việc lĩnh vực tài chính giúp Phố Wall thoát đáy phiên 4/9 cũng được coi là tín hiệu tốt cho thị trường chung. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 0,72%.

Lợi suất trái phiếu tăng trong khi thị trường cổ phiếu giảm như ngày 4/9 là điều bất thường bởi trong giai đoạn biến động, nhà đầu tư thường chuyển sang tài sản an toàn hơn như trái phiếu, đẩy giá tăng còn lợi suất giảm. Một số người lý giải đây có thể là do nhà đầu tư coi đợt giảm của Phố Wall chỉ là điều chỉnh tạm thời hơn là suy giảm kéo dài.

“Chúng tôi thấy đợt giảm vừa qua là sự chốt lời sau khi thị trường tăng mạnh”, Mark Haefele, giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, nói.

“S&P 500 có tháng 8 tốt nhất 34 năm, tăng 7%, và tăng tiếp 2,3% trong hai phiên đầu tháng 9, liên tiếp lập đỉnh lịch sử. Thị trường được hỗ trợ tốt bởi hàng loạt yếu tố như chính sách nới lỏng từ Fed, giá tài sản rủi ro hấp dẫn và đà phục hồi kinh tế tiếp tục sau khi tái mở cửa”.

Điều gì đang chờ Phố Wall - Ảnh 2.

Tháng 9 thường là tháng thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến kém nhất nhưng giới phân tích không chắc lịch sử lặp lại vào năm nay, dù bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Ảnh: Reuters.


Về khía cạnh giá giảm, triển vọng cổ phiếu đang trở nên bất ổn với nhà đầu tư.

“Đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ hôm 3/9 để lại nhiều sự sợ hãi”, Stephen Innes, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của AxiCorp, lưu ý.

Tháng 9 thông thường cũng là một tháng yếu kém của thị trường, ngay cả khi sự yếu kém đó được tiết chế phần nào trong năm bầu cử. Tháng 10 cũng có thể là giai đoạn khó khăn với Phố Wall vì ngày bầu cử 3/11 cận kề.

Chris Senyek, giám đốc đầu tư chiến lược tại Wolfe Research, cảnh báo khả năng Covid-19 tiếp tục bùng phát vào mua thu và đông cũng sẽ gây áp lực lên thị trường chứng khoán.

Một phần nguyên nhân khiến Phố Wall lao dốc liên quan đến giá cổ phiếu Apple và Tesla giảm sau khi tách cổ phiếu. Cổ phiếu Tesla nằm trong nhóm tăng mạnh nhất vài tháng qua, được một số người coi là chỉ số tâm lý thị trường chung và gần đây lại được coi là tín hiệu yếu kém của thị trường. Ngoài ra, Tesla còn không có tên trong danh sách công ty được đưa vào chỉ số S&P 500.

Thị trường giờ đây sẽ dồn sự chú ý sang cuộc họp chính sách ngày 15 – 16/9 của Fed. Fed có thể thảo luận về chính sách mới về lạm phát trung bình 2% như trong thông báo từ chủ tịch Jerome Powell tại hội nghị thường niên Jackson Hole cuối tháng 8.

Trả lời phỏng vấn đài NPR chiều 4/9, ông Powell nói việc có thêm 1,4 triệu việc làm trong tháng 8 và tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 10,2% xuống 8,4% là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh quá trình phục hồi sẽ chững lại.

“Chúng tôi nghĩ mọi thứ bắt đầu khó khăn hơn từ lúc này”, ông cho biết.

Theo Như Tâm

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên