Điều gì đằng sau 6 phiên tăng liên tiếp của giá dầu thô thế giới?
Giá dầu đã hồi phục tốt trong một tuần gần đây, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định đà tăng của giá sẽ bền vững.
- 16-08-2022Dầu thô của Nga đã trở nên quá phụ thuộc Ấn Độ và Trung Quốc
- 15-08-2022OPEC nâng nguồn cung dầu thô thêm hơn 200.000 thùng/ngày
- 15-08-2022Mỹ gia nhập cuộc đua 'bơm' dầu giá rẻ vào thị trường châu Á, nhu cầu dầu thô sẽ thế nào?
Sau khi tăng phi mã do ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga – Ukraine, giá dầu thế giới đã bước vào một giai đoạn hạ nhiệt kéo dài hai tháng từ tháng 6 tới đầu tháng 8. Triển vọng tiêu thụ dầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì những yếu tố vĩ mô như cuộc chạy đua tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, chính sách kiểm soát dịch COVID-19 chặt chẽ của Trung Quốc và trên hết là rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.
Lo ngại về nhu cầu tiêu thụ khiến cho tình trạng nguồn cung bị thắt chặt lu mờ và trực tiếp khiến cho sức bán trên thị trường dầu gia tăng. Mặc dù vậy, trong một tuần qua, các tin tức về cung - cầu một lần nữa lại chuyển sang hướng có lợi đối với giá dầu thô.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/08, giá dầu WTI tăng 1,23% lên 94,89 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1% lên 101,22 USD/thùng.
Báo cáo tuần của EIA tiết lộ cả thách thức lẫn cơ hội với thị trường
Dầu thô là một loại hàng hoá thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất, nên giá dầu thường rất “nhạy cảm” với các số liệu về nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ. Trong số ba tổ chức lớn là Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), thì EIA là đơn vị tiên phong trong việc ra báo cáo và cung cấp số liệu.
Mặc dù các thông tin đều tập trung vào tình hình thị trường Mỹ, nhưng giới phân tích vẫn đánh giá các báo cáo của EIA như một bản phác thảo sớm về bức tranh cung cầu của thị trường dầu thô. Trong đó, nếu như báo cáo tháng thường có vai trò tổng kết và cung cấp thông tin về triển vọng dài hạn, thì báo cáo tuần của EIA thường phản ánh sát với tình hình cung cầu hiện tại và là một chất xúc tác rất lớn đối với thị trường.
Cụ thể, hai báo cáo tuần gần nhất của EIA đều cho thấy tồn kho dầu thô quay đầu giảm mạnh. Trong tuần kết thúc ngày 12/8 và ngày 19/8, tồn kho dầu thô giảm lần lượt 10,5 triệu thùng và 11,7 triệu thùng. Tồn kho dầu thô thương mại hiện chỉ còn 425 triệu thùng và là mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Mặc dù tồn kho dầu thô giảm mạnh, tuy nhiên, thực tế là giá dầu không nhận được hỗ trợ sau báo cáo này.
Liệu nhu cầu tiêu thụ có thực sự được cải thiện?
Lý giải cho hành vi của giá hôm qua, chính là do trữ lượng xăng dầu của Mỹ sụt giảm chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu. Tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ đã giảm mạnh trong tuần vừa rồi. Sự suy yếu này được phản ánh qua số liệu tiêu thụ xăng dầu giảm 1,88 triệu thùng về 19,33 thùng/ngày, và thấp hơn hẳn 2,5 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê của EIA cũng chỉ ra mức tiêu thụ xăng năm nay đang thấp nhất trong vòng 5 năm. Đáng chú ý, theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), trong giai đoạn gần đây, khi giá xăng trung bình ở Mỹ đã hạ nhiệt 12% so với tháng trước về 3,89 USD/gallon (3,79 lít), nhưng cũng không thể thúc đẩy tiêu thụ trong nước phục hồi ổn định.
Về tình hình xuất nhập khẩu dầu của Mỹ, báo cáo của EIA chỉ ra khối lượng xuất khẩu dầu trong tuần qua giảm nhẹ còn 4,17 triệu thùng/ngày, tuy nhiên vẫn cao hơn mức trung bình 4 tuần gần nhất là 3,7 triệu thùng/ngày. Nhập khẩu vẫn duy trì ổn định trên 6 triệu thùng/ngày và phần lớn sử dụng cho mục đích thương mại thay vì dự trữ ở kho chiến lược SPR.
Trong bối cảnh đó, giá dầu được hỗ trợ nhiều hơn khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arab, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết có thể sẽ cắt giảm sản xuất để giải quyết tình trạng thị trường giao dịch kỳ hạn không phản ánh chính xác bối cảnh cung - cầu hiện nay. Có thể thấy, đà tăng của giá dầu trong các phiên gần đây xuất phát nhiều hơn từ những lo ngại về tình trạng nguồn cung bị thắt chặt, nhất là trên thị trường hàng vật chất, chứ chưa phải được thúc đẩy nhờ triển vọng tiêu thụ được cải thiện.
Sức ép vĩ mô được giải toả trong ngắn hạn
Bên cạnh các yếu tố cung cầu, hợp đồng dầu thô kỳ hạn cũng là một loại sản phẩm tài chính nên cũng không tránh khỏi tác động của các yếu tố vĩ mô. Một trong những “điểm tựa” lớn đối với các thị trường tài chính trong tháng 8 là việc không có một cuộc họp lãi suất nào của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này giúp cho thị trường dầu thô tránh được những rung lắc mạnh và khó lường.
Mặc dù vậy, một rủi ro tiềm tàng mà nhiều nhà đầu tư hiện đang bỏ qua là sự gia tăng mạnh mẽ của đồng USD. Kể từ giữa tháng 8 tới nay, chỉ số Dollar Index đã quay trở lại mức 108,68 điểm, và thuộc vùng cao nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ. Đồng USD mạnh lên dù chưa để lại tác động quá xấu với thị trường dầu nhưng cũng sẽ gây khó khăn cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh hàng thực.
Nhìn chung, động lực hồi phục của giá dầu hiện nay đã rõ ràng hơn so với giai đoạn trước, tuy nhiên các biến số như quyết định sản lượng của OPEC+ hay quyết định lãi suất của Fed vẫn sẽ mang đến những biến động mạnh cho thị trường dầu thô trong thời gian còn lại của năm.
Nhịp sống kinh tế