MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì đang xảy ra với 1/4 GDP thế giới?

15-02-2017 - 08:32 AM | Tài chính quốc tế

Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản đều đang theo đuổi các chính sách kinh tế cấp tiến. Dưới đây là bức tranh khái quát những gì đang diễn ra ở nhóm nước đóng góp tới 1/4 GDP thế giới.

Cấp tiến. Đó có lẽ là tính từ diễn tả chính xác nhất đặc điểm chung của những chính sách kinh tế hoàn toàn khác nhau mà 3 nền kinh tế lớn nhất châu Á đang theo đuổi. Ở Nhật Bản, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang nỗ lực triển khai chương trình hướng đến mục tiêu vượt thoát hoàn toàn khỏi giảm phát. Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình vẫn đang trên “chuyến tàu” chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào đầu tư sang dựa vào tiêu dùng nội địa. Còn ở Ấn Độ, hãy nhắc đến… Modinomics.

3 quốc gia này là nơi sinh sống của 40% dân số thế giới, tạo ra 24% tổng sản lượng của kinh tế thế giới. Và, họ đang tự biến mình thành những “phòng thí nghiệm”.

Ấn Độ

27% trong số 1,28 tỷ người dân sinh sống ở nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới ở độ tuổi dưới 15. 350 triệu người này sẽ gia nhập lực lượng lao động trong thập kỷ tới, trong bối cảnh Thủ tướng Narenda Modi tiếp tục cuộc đấu tranh loại bỏ những phần không hiệu quả đang kìm hãm nền kinh tế Ấn Độ.

Kể từ khi nhậm chức năm 2014, Modi đã theo đuổi bộ chính sách hướng đến mục tiêu không chỉ là hồi sinh nền kinh tế mà còn tăng cường khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài cũng như tăng sức cạnh tranh.

Dưới thời Modi, Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách. Trong 2 năm 2014 và 2015, ông giúp chặn đứng đà suy giảm đột ngột của nền kinh tế. Với ưu tiên hàng đầu là thu hút nhà đầu tư nước ngoài để thành lập các trung tâm sản xuất, ông Modi đã có tới gần 40 chuyến công du nước ngoài trong 2 năm đầu tiên làm Thủ tướng, mang về 75 tỷ USD vốn FDI. Năm ngoái con số cũng là 33 tỷ USD. Đây cũng là kết quả của nhiều bước nới lỏng các rào cản thương mại như thực hiện hải quan một cửa, rút ngắn thời gian cấp phép và nới lỏng quản lý đối với một số ngành.

Nỗ lực chống tham nhũng cũng là một điểm đáng chú ý. Hệ thống số chứng minh nhân dân được gắn liền với số tài khoản ngân hàng và số di động. Tuy nhiên động thái rút các tờ tiền giấy rupee có mệnh giá cao nhất khỏi lưu thông hướng đến mục tiêu chống tham nhũng và một xã hội không tiền mặt lại gây nên những phản ứng phụ. Bên cạnh đó loại thuế mới cũng bị phản đối dữ dội.

Những kết quả mà Modinomics cũng không nhất quán. Tốc độ tăng trưởng vươn từ mức 5,8% trong quý I/2014 lên 7,3% trong quý III vừa qua. Tỷ lệ lạm phát hạ nhiệt xuống mức 3,4% dù 1 phần là nhờ thị trường hàng hóa thế giới u ám. Kể từ năm 2014, NHTW Ấn Độ đã hạ lãi suất 175 điểm cơ bản, giúp các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ và giảm lợi suất trái phiếu xuống còn 6,4%.

Tuy nhiên, việc thành lập hoặc điều hành một doanh nghiệp ở Ấn Độ vẫn còn nhiều khó khăn. Trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của World Bank năm ngoái, Ấn Độ xếp thứ 130 trên danh sách 190 nước. Kể từ khi ông Modi nhậm chức thứ hạng của Ấn Độ đã tăng 10 bậc nhưng vẫn rất thấp.

Trung Quốc

Trong 2 năm qua, đất nước đông dân nhất thế giới đã chuyển mình từ vị thế “công xưởng thế giới” sang một nền kinh tế trưởng thành hơn. Chính phủ của ông Tập tập trung vào việc ổn định đất nước, đặc biệt là giảm bớt tỷ lệ đòn bẩy và bình ổn thị trường ngoại tệ, lãi suất và TTCK.

Tốc độ tăng trưởng giảm từ mức hơn 10% của năm 2011 xuống còn 6,7% trong năm 2016. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của nước này (cho giai đoạn 2016-20) đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5%.

Từng là động lực chính của nền kinh tế, hoạt động đầu tư đang suy giảm. Sau khi đạt đỉnh năm 2007, lượng vốn FDI đổ vào Trung Quốc đã giảm dần và đến năm 2016 số vốn nước này đầu tư ra nước ngoài đã lớn hơn số nhận về và trở thành một trong những nguyên nhân khiến nhân dân tệ giảm giá. Trong năm ngoái đồng tiền này đã giảm tổng cộng 6,5%.

Trung Quốc khá thận trọng về chính sách lãi suất. Một số nhà quan sát dự đoán nước này sẽ hạ mạnh lãi suất để kích thích kinh tế, đến cuối năm 2016 lãi suất repo 7 ngày lại tăng và ở mức 3,24%. Lý do để Trung Quốc không giảm lãi suất là để giảm tỷ lệ đòn bẩy và “xì hơi” bong bóng tài sản.

Năm 2016, chứng khoán Trung Quốc diễn biến tệ hơn so với mức trung bình của thế giới. Chỉ số CSI 300 mất 9,3%, MSCI China Index tăng 1,2% trong khi chỉ số thế giới MSCI World Index tăng 8,2%. Đối với các nhà đầu tư quốc tế, tăng trưởng giảm tốc và nguy cơ phá giá nhân dân tệ là những rủi ro mà họ không muốn gặp phải.

Đối mặt với tình trạng hạn chế cơ hội đầu tư, các công ty Trung Quốc ồ ạt đem tiền ra nước ngoài với các vụ thâu tóm quy mô lớn. Còn đối với nhà đầu tư cá nhân, họ quan tâm đến các sản phẩm bảo hiểm và bất động sản nước ngoài.

Bắc Kinh muốn đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa thị trường tài chính nhưng vẫn còn lăn tăn về những ảnh hưởng đối với sự ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên xu hướng chung vẫn là mở cửa. Tháng 11 năm ngoái kết nối giữa hai sàn Thâm Quyến và Hồng Kông đã đi vào hoạt động, theo sau kết nối Thượng Hải - Hồng Kông.

Vì thế chương trình nghị sự của Trung Quốc năm 2017 không hề đơn giản: phải đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng chậm, lãi suất, tỷ giá, dòng vốn với tốc độ mở cửa thị trường. Ngoài ra còn phải kể đến môi trường quốc tế đầy biến động.

Nhật Bản

Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố chương trình kinh tế Abenomics 2.0 hồi tháng 9/2015. Giống như trước đó 4 năm, mục tiêu vẫn là phá vỡ vòng luẩn quẩn giảm phát đã kìm kẹp kinh tế Nhật suốt 2 thập kỷ. Để làm được điều này, ông Abe muốn GDP danh nghĩa đạt 5.200 tỷ USD vào năm 2020, tức là nền kinh tế phải tăng trưởng 3% mỗi năm. Quý I, tốc độ tăng trưởng là 1,3%.

Bất chấp gói kích thích có quy mô lớn chưa từng có, “đoàn tàu kinh tế Nhật Bản” vẫn ì ạch. Abenomics cũng chưa thể đạt được những mục tiêu dài hạn như cải tổ hệ thống hưu trí hay tăng an sinh xã hội bởi vẫn còn bị đè nặng bởi nợ. Trong khi đó kế hoạch tăng thuế bị trì hoãn.

Hiện NHTW Nhật Bản đang nắm giữ gần 40% tổng số trái phiếu chính phủ và dù mua qua các quỹ ETF thì đến cuối năm nay BoJ cũng sẽ sớm trở thành cổ đông lớn nhất của 25% công ty trong chỉ số Nikkei 225.

Do đó rủi ro lớn nhất đối với Chính phủ Nhật cũng như BoJ sẽ là một đồng yên tăng giá. “Cú sốc Trump” đã khiến yên giảm giá gần 10% kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay, giúp các chỉ số chứng khoán của Nhật Bản tránh được 1 năm giảm điểm và cũng giúp ích cho Abenomics.

Có lẽ ông Abe cần nhiều hơn nữa những vận may như thế này.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên