Điều gì đang xảy ra với Thế Giới Di Động: Hơn 5.700 cửa hàng chỉ lãi hơn 7 tỷ đồng một tháng, không bằng 1/3 cách đây 10 năm?
CTCP đầu tư Thế giới di động (MWG) có mức lợi nhuận Quý thấp kỷ lục trong vòng một thập niên trở lại đây.
- 29-04-2023Novaland lần đầu tiên báo lỗ, doanh thu thấp kỷ lục
- 29-04-2023Chuỗi dược Long Châu tiếp tục đi như "vũ bão": Mở mới 119 cửa hàng trong quý 1, tăng trưởng doanh thu gấp rưỡi, mỗi ngày thu về 36,5 tỷ đồng
- 29-04-2023Vietnam Airlines bất ngờ có lãi trở lại
Mặc dù đã được dự đoán trước về tình hình khó khăn trong năm 2023 nhưng BCTC quý I mới công bố của MWG khiến những người quan tâm không khỏi bất ngờ với mức lợi nhuận sụt giảm tới hơn 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với hơn 5.700 cửa hàng trên cả nước, 3 tháng đầu năm, MWG lãi vỏn vẹn 21 tỷ đồng (trung bình 7 tỷ/tháng). Con số này chỉ bằng 1/3 nếu so sánh với lợi nhuận trung bình một quý cách đây 10 năm của MWG.
Vào năm 2013, MWG với doanh thu chưa đầy 10.000 tỷ đồng đã có lợi nhuận sau thuế 258 tỷ, tương đương mức lãi trung bình 64,5 tỷ đồng/quý.
Đang từ đỉnh lợi nhuận cao kỷ lục vào quý 4/2021, sang năm 2022, lợi nhuận của MWG bắt đầu đi xuống. Đến quý 3/2022, lợi nhuận MWG mất mốc 1.000 tỷ và giảm sốc về gần 0 trong quý I năm nay.
Mức sụt giảm lợi nhuận quý I của MWG cơ bản do các yếu tố: Doanh thu giảm 26%, biên lợi nhuận gộp giảm 3%, chi phí tài chính tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận gộp MWG trong quý 1 chỉ còn 19,2% trong khi mức bình quân của năm ngoái là 23% (quý I năm ngoái là 22,2%). Điều này cho thấy lãi gộp trên sản phẩm bán ra đang giảm, đúng như chiến lược kinh doanh của Ban lãnh đạo MWG đặt ra trong năm 2023:
" Biên lợi nhuận gộp của các chuỗi TGDĐ/ĐMX trong năm 2023 có thể thấp hơn giai đoạn 2021-2022 do sức mua yếu và Công ty tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi để bán hàng " Báo cáo thường niên 2022 của MWG viết.
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 8/4 vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới di động đã công bố chiến lược kinh doanh mới đối với các dòng sản phẩm Apple. Ông Tài nói, MWG từ trước tới nay không quá căn ke với các đối thủ về chênh lệch giá các sản phẩm Apple. Tuy nhiên điều này sẽ sớm chấm dứt khi MWG sẽ đặt mức giá bán sát hơn với đối thủ, “tuyên chiến" một cuộc đua về giá mới.
Chủ tịch TGDĐ tuyên bố: " Với vai trò nhà đầu tư, nếu các bạn cũng đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh, các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian sắp tới, và nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu. Các bạn chuẩn bị cho tinh thần đó đi ".
MWG không chỉ "chiến" giá với sản phẩm Iphone. Mới đây, từ ngày 27/04 - 14/05, MWG tung ra chương trình khuyến mại giảm giá với nhiều sản phẩm được bán tại hệ thống Thế giới di động và Điện máy xanh, với mức giảm giá lên tới từ vài phần trăm lên tới 20%.
Cuộc chiến về giá giữa các nhà bán lẻ từ nay đến cuối năm hứa hẹn còn nhiều gay cấn vì các đối thủ chẳng ai muốn mình sẽ là người bị loại khỏi cuộc chơi.
Sau tuyên bố của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, CellphoneS - một nhà bán lẻ điện thoại, máy tính, laptop,... có động thái đáp trả “Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc chiến giá bán."
Còn với CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), trong cuộc họp đại hội cổ đông, đại diện doanh nghiệp cho biết, về ngắn hạn, khi các bên bán hạ giá thì FRT cũng phải hạ theo, nhưng dài hạn FRT sẽ mở rộng ngành hàng để hạn chế cuộc chiến về giá “vô nghĩa” này.
“ Dĩ nhiên trong quá trình thị trường khó khăn sẽ có "đánh nhau", nhưng lâu dài chỉ kéo nhau xuống, chả ăn được của nhau đâu. Cuộc chiến về giá này chúng tôi đánh giá không phải là bài toán hay. Nhưng, ngắn hạn thị trường hạ chúng tôi cũng sẽ hạ để bán được hàng ”, Chủ tịch FRT Nguyễn Bạch Điệp nói.
Sẵn sàng hi sinh biên lợi nhuận cho cuộc chiến về giá nhưng ngay cả trong giai đoạn kinh doanh thuận lợi, hệ số ROS (Lợi nhuận sau thuế trên doanh thu) các năm của MWG cũng chỉ ở khoảng 3% đến 5%, nghĩa là công ty không có quá nhiều dư địa cho việc giảm giá.
Để bảo vệ lợi nhuận dương, công ty phải tìm cách giảm các chi phí ngoài giá vốn khác như chi phí lương nhân viên bán hàng, quản lý,...
Theo chi tiết diễn giải của MWG, 3 tháng đầu năm, chi phí nhân viên của công ty giảm nhiều nhất, tới hơn 882 tỷ đồng
Khi đánh giá về tình hình kinh doanh trong năm 2023, Ban Lãnh đạo MWG cũng đã nhận định những bất ổn kinh tế, xung đột địa – chính trị, vấn đề thiếu hụt năng lượng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên các yếu tố lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, việc làm… Vì vậy, tâm lý tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi trong năm 2023.
Các diễn biến vĩ mô bất lợi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi đó, các doanh nghiệp không đủ sức chống chịu, không có khả năng cạnh tranh sẽ phải rời khỏi thị trường.
Tuy nhiên, MWG vẫn tin rằng, trong khó khăn luôn có cơ hội, chính sự chủ động và tập trung giải quyết phần lớn các vấn đề nội tại cùng với lợi thế tài chính vững vàng sẽ là nền tảng cho MWG sẵn sàng cho sự bứt phá khi hoạt động sản xuất - tiêu dùng hồi phục trở lại.
Nhịp sống thị trường