Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là điểm đến đã rất quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế. Vịnh đã 2 lần được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới cho các giá trị thẩm mỹ (năm 1994) và địa chất địa mạo (năm 2000). Tuy vậy, những vị khách không có nhiều thời gian lưu lại có thể bỏ lỡ rất nhiều trải nghiệm đa dạng ở nơi đây. Vẻ đẹp của vịnh Hạ Long được tạo nên từ những đảo đá muôn hình vạn trạng nằm rải rác trên mặt biển, sắc nước thay đổi theo màu của mây trời. Vịnh có diện tích 1.553 km2 với 1.969 hòn đảo, trong đó 980 hòn đảo đã được đặt tên. Nắng sớm trùm lên lớp lớp đảo đá tạo nên khung cảnh ngoạn mục của Hạ Long. Quá trình kiến tạo địa chất đá vôi từ khoảng 300 triệu năm trước đã hình thành nên một vùng vịnh với địa hình độc nhất vô nhị, có đảo vách đá dựng đứng cao 200m, có đảo nối nhau như bức tường thành, nhưng lại đột ngột mở lối khi thuyền rẽ sóng tới gần. Vào thu đông, sương trắng la đà trên mặt biển khiến vịnh đẹp như một bức tranh thuỷ mặc, khác hẳn với sắc xanh bất tận trong nắng hè. Cách đơn giản nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp này là đi tàu tham quan vịnh, hành trình từ 4-8 tiếng trong ngày với các tuyến khác nhau. Từ boong tàu, muôn vàn đảo đá dần hiện ra với hình dáng tựa như tên gọi giản dị mà ngư dân đã đặt: hòn Trống Mái, Đỉnh Hương, Chó Đá, Con Cóc, Lã Vọng… Ngay cả cái tên Hạ Long cũng gắn liền với truyền thuyết kỳ ảo, đây là nơi đàn Rồng xuống hạ giới giúp người Việt chống ngoại xâm, cùng phun châu nhả ngọc biến thành những đảo đá chặn thuyền giặc. Giặc tan, Rồng Mẹ cùng Rồng Con ở lại, nơi Rồng Mẹ đáp xuống là vịnh Hạ Long, nơi Rồng Con đáp xuống là vịnh Bái Tử Long. Để có cái nhìn cận cảnh hơn, du khách thường lựa chọn rời tàu lớn, đi thuyền nan do người dân địa phương chèo để tới thăm những hang động, tham gia trải nghiệm trồng rừng ngập mặn, khám phá các quần thể thực vật đặc hữu trên vịnh… Vẻ đẹp kỳ diệu của các hang động ẩn trong lòng núi cũng là nguyên nhân khiến vịnh Hạ Long trở nên hấp dẫn: động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, động Mê Cung… Xuyên qua tán rừng, những bậc thang men theo vách núi đến các hang động, du khách như bước vào thế giới khác, nơi có những vòm hang khổng lồ bao phủ bởi măng nhũ đá lộng lẫy, tráng lệ, điêu khắc nên những hình thù kỳ lạ theo trí tưởng tượng của mỗi người. Hang Luồn là điểm đến độc đáo bậc nhất không thể bỏ qua. Hang như một đường hầm xuyên qua chân núi với những dải nhũ đá lơ lửng từ trần hang rủ xuống. Chèo thuyền xuyên qua hang Luồn để tiến vào hồ nước phía trong là một trải nghiệm đáng giá. Du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích chèo thuyền kayak vào hang Luồn, tận mắt ngắm nhìn đàn khỉ vàng chơi đùa trên vách đá dựng đứng, hoang sơ và yên bình. Hạ Long còn sở hữu những bãi cát trắng mịn nằm dưới chân các đảo đá, nơi du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi tắm biển, tham gia các trò chơi bãi biển. Trong đó đẹp nhất phải kể đến Ti Tốp – hòn đảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, khi cùng nhà du hành vũ trụ người Nga Gherman Titov tới đây vào năm 1962. Nghỉ đêm trên vịnh là một sản phẩm du lịch hấp dẫn không kém. Trên các du thuyền sang trọng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh Hạ Long từ bình minh, hoàng hôn cho đến bầu trời đêm huyền ảo, thưởng thức hải sản tươi rói hay tham gia câu mực đêm… Những người yêu thích văn hoá sẽ được thấy một Hạ Long rất khác tại điểm tham quan các làng chài cổ như Cửa Vạn, Vung Viêng,… Không chỉ có những di chỉ khảo cổ về cuộc sống của người Việt cổ từ 18 – 3,5 nghìn năm trước, du khách còn được trải nghiệm các nét văn hóa biển độc đáo của người dân chài Hạ Long, các điệu hát giao duyên, hò biển, tự tay đan lưới, đánh câu… Năm 2019, vịnh Hạ Long đón hơn 4 triệu lượt khách. Mặc dù giảm mạnh trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng giờ đây, du khách đã sôi động trở lại. Cao điểm hè năm 2022, trung bình mỗi ngày vịnh có khoảng 20.000 lượt khách tham quan. Ngành du lịch địa phương vẫn đang tính toán các giải pháp tối ưu để bảo tồn di sản, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường và phát triển du lịch bền vững./.