Điều gì giúp xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 12 bậc?
Gỡ vướng khó khăn, tích cực tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn… là những động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc điều hành chính sách kinh tế. Cũng nhờ sự quyết tâm đó, bức tranh nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 xuất hiện nhiều điểm sáng.
- 21-10-2023Chậm giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Nam áp lực tiêu hơn 9.200 tỷ đồng
- 21-10-2023Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến về thiết kế vi mạch bán dẫn
- 21-10-2023Dòng vốn FDI vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Trong báo cáo mới đây của Chính phủ ghi nhận, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Báo cáo cũng đưa ra nhận xét: "Nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu".
Báo cáo còn đề cập tới nhiều điểm sáng đáng chú ý đó là, năm 2023, xếp hạng môi trường kinh doanh nước ta tăng 12 bậc. Giá trị thương hiệu quốc gia tăng 1 bậc, xếp thứ 32/100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế.
Riêng về xếp hạng môi trường kinh doanh, một báo cáo được công bố bởi Economist Intelligence Unit (EIU) đánh giá Việt Nam là một trong 3 quốc gia Châu Á (bên cạnh Thái Lan và Ấn Độ) tiến bộ nhất trong hoạt động kinh doanh. Cũng theo đánh giá này, Việt Nam còn là quốc gia có động lực lớn nhất trên toàn thế giới nhờ chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể nói, 2023 được đánh giá là một năm đầy khó khăn và nhiều thách thức. Di chứng của Covid-19, những dấu hiệu trầm lắng từ nền kinh tế thế giới, sự bất ổn tại một số khu vực về chính trị đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua 9 tháng, bức tranh kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những điểm sáng, tích cực.
Nỗ lực gỡ khó của Chính phủ
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia thừa nhận, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước thách thức nhiều hơn thuận lợi. Song, 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhiều lĩnh vực như y tế, thị trường vốn, đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, visa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định 12/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí năm 2023,…
Vị chuyên gia này cũng nhận định, nỗ lực của Chính phủ trong các các quyết sách tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, chủ động phân tích, dự báo để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu…) đã góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Cũng nhờ động thái của Chính phủ, các bộ ngành địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình hồi phục 2022-2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng, cung ứng nguyên vật liệu, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong giải quyết các thủ tục về xây dựng, đầu tư... Cũng nhờ nỗ lực này, bức tranh kinh tế có nhiều điểm khởi sắc trong bối cảnh các nước trên thế giới gặp khó khăn.
Ông Phạm Xuân Hoà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: "Tôi đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế đất nước đặc biệt các chính sách kêu gọi đầu tư thân thiện với doanh nghiệp nước ngoài. Nhìn tổng thể, Chính phủ nỗ lực tích cực gỡ vướng khó khăn, tạo môi trường thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực với động thái quyết liệt và quyết tâm. Kết quả, Việt Nam đã nỗ lực từng bước khắc phục di chứng của Covid-19 để từng ngành, từng lĩnh vực hồi phục".
Vị ĐBQH này cũng chia sẻ thêm: "Tôi còn rất ấn tượng với người đứng đầu Chính Phủ khi đến từng tỉnh, từng khu vực, tích cực đẩy mạnh hoạt động ngoại giao với các nước, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như gỡ vướng khó khăn, định hướng, thúc đẩy sự phát triển các ngành tại các tỉnh".
Nhận định tình hình kinh tế Việt Nam có điểm sáng tích cực hơn so với giai đoạn Covid-19, song ông Hòa cho rằng, năm 2024, kinh tế nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ tình hình kinh tế thế giới nói chung, và khó khăn nội tại tồn đọng từ di chứng của dịch bệnh.
Với sự đánh giá cao tinh thần cầu thị và quyết liệt của Chính phủ, các bộ ban ngành, các địa phương đã và đang nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài và trong nước tiếp cận chính sách ưu đãi, vốn,… ông Hòa kì vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có chuyển biến mới.
"Giữa những biến động của tình hình thế giới, chẳng hạn như căng thẳng ở khu vực Trung Đông thời gian vừa qua, tôi cho rằng 2024 vẫn còn là một năm khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó sẽ là một năm thử thách và mong rằng Chính phủ tiếp tục tìm ra cách giải bài toán để đem đến những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế", vị ĐBQH này cho biết thêm.
Nhịp sống kinh tế