MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì khiến cổ phiếu phân bón “dậy sóng”?

Điều gì khiến cổ phiếu phân bón “dậy sóng”?

Thông tin các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đồng loạt nhận được lệnh, tạm ngừng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa – được cho là tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam. Cổ phiếu ngành này vì thế phiên 2/8 cũng lập tức phản ánh tích cực vào giá cổ phiếu.

Thứ 6 tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã triệu tập khẩn lãnh đạo các công ty sản xuất phân bón trong nước và được yêu cầu tạm dừng xuất khẩu để ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu nội địa. Động thái này diễn ra trong bối cảnh giá phân bón ở Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục trong năm nay trong khi nhu cầu từ nước ngoài tăng mạnh hơn, còn sản xuất trong nước giảm và chi phí nhiên liệu tăng cao.

Theo số liệu hải quan, Trung Quốc là nhà xuất khẩu phốt phát (phân lân) hàng đầu thế giới và tính đến nửa đầu năm nay nước này xuất khẩu tổng cộng 3,2 triệu tấn phân bón phốt phát diammonium và 2,4 triệu tấn urê sang các khách hàng lớn như Ấn Độ và Pakistan.

Gavin Ju, chuyên gia phân tích hàng đầu về phân bón tại hãng CRU Group cho biết, đợt lũ lụt vừa qua tại tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc đã ảnh hưởng đến năng lực sản xuất và sản lượng tại một số nhà máy phân bón. Và Ông Gavin Ju cho rằng, hoạt động xuất khẩu phân bón sẽ chỉ được cơi nới bắt đầu từ tháng 9 trở đi sau khi tình hình được cải thiện.

Trong khi đó Việt Nam, nền kinh tế có độ mở cao nên biến động trên thị trường thế giới lập tức tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa trong nước. Thực tế này đã diễn ra từ đầu năm đến nay, khi giá các mặt hàng phân bón tăng cao mang lại cơ hội thu lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, giúp cổ phiếu ngành này bứt phá.

Cộng thêm với động thái dừng xuất khẩu của Trung Quốc, được các nhà đầu tư đón nhận tích cực, và cho rằng, diễn biến này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước hưởng lợi cả từ giá bán gia tăng và cả từ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nội địa tăng lên, khi các nhà máy phân bón Trung Quốc chiếm đến 50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam.

Hay nói cách khác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón nội địa có cơ hội chiếm lĩnh thị phần trong nước khi các nguồn phân bón nhập khẩu đang bị chững lại. Qua đó đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn, thị phần lớn hơn đồng nghĩa với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bền vững với các DN trong ngành.

Chính vì vậy, trong phiên 2/8, nhiều cổ phiếu nhóm ngành phân bón tiếp nối đà tăng, có thêm một phiên lan toả sắc xanh toàn ngành, chẳng hạn, cổ phiếu LAS tăng mạnh 6,16% lên mức 15.500 đồng/cp, DDV tăng 5,63% lên mức 15.000 đồng/cp, DCM tăng 2%, DPM tăng 4,11%, BFC kịch trần lên mức 30.100 đồng/cp, SFG tăng 3,67%, …

Điều gì khiến cổ phiếu phân bón “dậy sóng”? - Ảnh 1.

Theo phân tích của AgroMonitor, nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước trong năm 2021 ước đạt khoảng 11,1 triệu tấn, tăng 2,59% so với năm 2020. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ đối với hầu hết các loại phân bón đều tăng, dự kiến DAP tăng 5,64%, phân lân tăng 4,17%, phân NPK tăng 2,26%.

Nhiều dự báo, các doanh nghiệp phân bón báo sẽ có kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong năm nay, nhờ vào mặt hàng phân bón tăng trưởng mạnh về giá bán trong khi sản lượng chưa có nhiều sự cải thiện.

Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm phân tích CTCK SHS chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm, cổ phiếu nhóm ngành phân bón hiện định giá chưa cao nếu xét trên nền tảng tăng trưởng và tài sản. Đặc biệt nhóm phân bón có tài sản cố định hữu hình như DPM đã được khấu hao lớn. Bên cạnh đó, giá lương thực tăng, thực phẩm, rau củ quả tăng... dẫn đến nhu cầu mở rộng sản xuất của nông dân tăng,  kéo theo đó là nhu cầu sử dụng phân bón và tồn trữ phân bón tăng khi giá phân bón đang cao. Vì vậy tình hình kinh doanh của nhóm phân bón dự kiến sẽ còn duy trì tăng trưởng tốt, và ở vốn hóa hiện nay lấy đại điện DPM đang 10.000 tỷ đồng trên vốn hóa sổ sách 7.000 tỷ đồng là chưa cao, chưa đắt.

Hay với quan điểm của VCBS, DDV là doanh nghiệp được VCBS lựa chọn dựa trên diễn biến giá phân DAP thế giới tăng trưởng tích cực do ảnh hưởng của cuộc chiến chip điện tử giữa Trung Quốc – Mỹ ảnh hưởng đến giá các sản phẩm thuộc chuỗi sau của quặng phốt pho. Ngoài ra, doanh nghiệp còn nhận được các động lực tăng giá từ các hoạt động M&A.

Cụ thể hơn, VCBS cho rằng, Các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành phân bón đặc biệt là phân lân + NPK có đòn bẩy hoạt động rất cao. Do đó khi giá sản phẩm đầu ra tăng mạnh mặc dù sản lượng không tăng trưởng quá nhiều thì lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp như DDV sẽ tăng trưởng mạnh – tương đương đẩy hệ số định giá P/E xuống thấp và trở nên hấp dẫn.

Còn theo Mirae Asset, các doanh nghiệp ngành phân bón trên sàn như (DCM, DPM, DDV, DHB, BFC, LAS, SFG) đều có KQKD tích cực trong 2 quý liên tiếp quý 4/2020 và quý 1/2021, sự cải thiện đến cả từ doanh thu lẫn biên lợi nhuận - hứa hẹn một khởi đầu mới cho ngành phân bón sau một chu kỳ đi xuống kéo dài nhiều năm.

Thực tế mùa KQKD quý 2, nhiều DN nhóm này tiếp tục báo lãi tốt, như DPM lãi ròng 684 tỷ đồng, tăng trưởng 126% so với cùng kỳ, DCM lãi 429 tỷ đồng, tăng 20%, LAS lãi hơn 28 tỷ đồng, gấp 3,5 lần quý 2/2020, …

K Phạm

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên