Điều gì sắp diễn ra với chứng khoán?
Chứng khoán trong nước vừa khép lại tuần thứ 6 tăng điểm liên tiếp. Qua nhịp tăng dài, áp lực chốt lời ngày càng mạnh lên, các cổ phiếu lớn thay nhau chống đỡ. Tuần tới, giới phân tích cho rằng nhịp điều chỉnh có thể vẫn chưa kết thúc.
- 13-08-2023Góc nhìn chuyên gia: VN-Index gặp khó tại kháng cự mạnh 1.240-1.250 điểm, cơ hội sinh lời trở nên "chắt lọc"
- 13-08-2023Giá thép trôi dần về đáy 3 năm, Hòa Phát có thể cán đích lợi nhuận năm 2023?
- 13-08-2023Ông Trương Anh Tuấn bán sạch 16 triệu cổ phiếu HQC, vợ chồng Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân không còn nắm vốn tại công ty
Quan sát kháng cự mạnh 1.240-1.250 điểm
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index đóng cửa tại mức 1.232 điểm, tăng nhẹ 0,5% so với đầu tuần. Hoạt động chốt lời gia tăng, cùng với thông tin kém khả quan liên quan tới nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc và Mỹ nhích tăng trở lại trong tháng 7, khiến các chỉ số chứng khoán rung lắc.
Sự phân hóa diễn ra rõ rệt hơn. Nhóm bất động sản, thép tăng điểm tích cực trong khi nhóm hóa chất và xây dựng điều chỉnh. Bất động sản tiếp tục là nhóm tăng điểm mạnh nhất sau khi Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước thúc đẩy tín dụng với các doanh nghiệp bất động sản. VIC (tăng 16,7%) tiếp tục là động lực chính dẫn dắt thị trường khi đóng góp 10,1 điểm vào VN-Index. Theo sau là nhóm các cổ phiếu ngân hàng như STB (tăng 10,0%), CTG (tăng 3,5%), SSB (tăng 7,1%) và LPB (tăng 4,8%).
Thanh khoản tuần này giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 26.329 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 209 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Nhóm phân tích của Chứng khoán SHS cho rằng, việc thị trường có những phiên điều chỉnh, rung lắc mạnh như vừa qua là bình thường. Các nhịp điều chỉnh sẽ còn tiếp tục diễn ra, trước khi có nhịp tăng mới.
Theo SHS, kinh tế vĩ mô nhìn chung vẫn đang trong giai đoạn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng không xấu đi. Tuy nhiên, thường thị trường chứng khoán sẽ có những phản ứng sớm hơn thực tế nền kinh tế, SHS kỳ vọng việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực là có thể hiểu được, nhờ tâm lý lạc quan, khi khó khăn vĩ mô có thể sẽ dần qua.
"Thị trường trong ngắn hạn đang hình thành nền tích lũy mới và đã có các phiên điều chỉnh, tuy nhiên nhịp điều chỉnh có thể vẫn chưa kết thúc, do đó nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng và chỉ nên giải ngân trong các phiên điều chỉnh. Trong trung, dài hạn thị trường đã hình thành uptrend (xu hướng tăng), và mục tiêu VN-Index hướng tới là khu vực 1.300 điểm", chuyên gia từ SHS nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia của Chứng khoán VNDirect cho rằng, tuần tới, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó tại vùng kháng cự mạnh 1.240-1.250 điểm. Trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã qua đi, thị trường đang tiến vào vùng trống thông tin.
"Sau một giai đoạn tăng giá kéo dài và trước việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, thị trường cần một nhịp nghỉ để tích lũy và thiết lập mặt bằng giá mới. Do đó, thị trường khó có thể thiết lập xu hướng rõ rệt trong một vài tuần tới. Trong bối cảnh điểm số lĩnh xình, dòng tiền đầu cơ có thể liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, hình thành các nhịp tăng/điều chỉnh ngắn.", chuyên gia VNDirect phân tích.
Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế bị cuốn theo những biến động ngắn hạn. Ở thời điểm hiện tại, đối với các nhà đầu tư có giá vốn thấp thì hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục, chỉ xem xét chốt lời đối với những cổ phiếu đã tăng nóng. Đối với những nhà đầu tư mới bán ra và đang nắm giữ tiền mặt cũng chưa cần thiết phải giải ngân mua lại ngay mà chờ các nhịp điều chỉnh trong tuần để giải ngân dần nhằm tạo lợi thế nhờ giá vốn cạnh tranh.
Cổ tức tiền mặt nhiều DN cao chót vót
Tuần tới, 28 doanh nghiệp trên sàn thông báo chốt quyền cổ tức. Trong đó, 23 doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt. Mức cao nhất lên tới 278%.
Tỷ lệ cổ tức cao chót vót thuộc về Công ty cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Sông Tiền (mã SST). Doanh nghiệp sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 278%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 27.800 đồng.
Như vậy, với 4 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, Bia Sài Gòn Sông Tiền sẽ phải chi 111,2 tỷ đồng để trả cổ tức. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 18/8, thời gian chia cổ tức dự kiến thực hiện ngày 6/9/2023. Các năm qua, SSI đều đặn duy trì cổ tức tiền mặt ở mức 3 con số.
Bia Sài Gòn Sông Tiền cũng được xếp vào TOP những doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao. EPS năm 2021 đạt 12.054 đồng, năm 2019 đạt "khủng" 34.937 đồng, năm 2018 đạt 20.805 đồng.
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của công ty ghi nhận doanh thu đạt 4.509 tỷ đồng, tăng 39,18% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 115,5 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 110% và EPS đạt 27.913 đồng.
Cổ phiếu SST của Bia Sài Gòn Sông Tiền được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM từ giữa tháng 7/2018 với khối lượng chứng khoán 4 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị theo mệnh giá 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, cổ phiếu SST vẫn chưa chính thức gia nhập thị trường UPCoM.
Bia Sài Gòn Sông Tiền tiền thân là chi nhánh của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (mã SAB). Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, Bia Sài Gòn Sông Tiền vẫn là công ty con của Sabeco, trong đó Sabeco sở hữu 90% vốn tại SST.
Ngoài SST, một số doanh nghiệp sẽ chia cổ tức tiền mặt cao trong tuần tới, gồm Công ty cổ phần Phụ tùng Máy số 1 (mã FT1), Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã RAL) Công ty cổ phần May mặc Bình Dương (mã BDG)...
Tiền Phong