MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều hấp dẫn bất ngờ trong quan điểm kinh tế của Donald Trump

22-03-2017 - 08:53 AM | Tài chính quốc tế

Những khẩu hiệu, chính sách mà Trump đưa ra đánh trúng vào câu hỏi cốt lõi mà hơn 30 năm qua hàng triệu người Mỹ luôn đặt ra đối với chính sách kinh tế: Thế còn tôi thì sao? Ở Mỹ, từ năm 1980 đến 2014 thu nhập trước thuế trung bình trên mỗi người trưởng thành tăng tăng 61% nhưng tính riêng nhóm trung lưu thì mức tăng chỉ là 1%.

Từ nhiều năm nay, bất kể khi nào người dân Mỹ phàn nàn rằng kế sinh nhai của họ đang dần biến mất, các chính trị gia luôn nói với họ rằng “hãy cố gắng tìm kiếm cơ hội” hoặc hãy “bồi đắp thêm các kỹ năng và làm việc chăm chỉ hơn”. Đi kèm với đó là giả định sẽ không có cách nào để ngăn chặn những lực đẩy trên thị trường, và điều tốt nhất mà người dân có thể làm là chiến đấu giành lấy “miếng bánh” nhỏ bé của mình.

Tuy nhiên, đó đã là chuyện xưa cũ. Tổng thống mới của nước Mỹ, Donald Trump, không nghĩ như vậy. Theo ông, để tạo nên nền kinh tế thịnh vượng chỉ có một con đường - “tuân theo 2 quy tắc đơn giản: mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ”. Đây cũng là triết lý mà Donald Trump đã nhắc lại rất nhiều lầnm trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội hay trong chuyến thăm tới Michigan để gặp mặt các công ty sản xuất ô tô hôm trung tuần tháng 3.

"Thế còn tôi thì sao"?

Chính sách kinh tế của Donald Trump là sự kết hợp giữa học thuyết kinh tế trọng thương và sức mạnh của vị thế Tổng thống. Theo Trump, nước Mỹ được đặt lên trước tiên khi họ lôi kéo được các công ty đến xây dựng nhà máy ở Mỹ và thuê lao động Mỹ. Phong thái mạnh mẽ, nói được làm được của Trump cũng là một nhân tố tạo nên sự hấp dẫn. Theo như cách nói của Trump, không ai có thể cứu được người dân Mỹ, trừ ông.

Xét đến những khía cạnh cụ thể, khác với những người tiền nhiệm, các chính sách kinh tế của Trump chưa rõ ràng và không tạo thành một thể thống nhất. Tuy nhiên, ẩn trong đó có một logic không thể chối cãi. Những khẩu hiệu, chính sách mà Trump đưa ra đánh trúng vào câu hỏi cốt lõi mà hơn 30 năm qua hàng triệu người Mỹ luôn đặt ra đối với chính sách kinh tế: Thế còn tôi thì sao? Thay vì nói rằng “Hãy chờ đi, cuối cùng chúng ta sẽ thu được thành quả”, các chính sách của Trump truyền đi một thông điệp rất thỏa mãn về mặt tâm lý: “Chúng tôi nghĩ đến bạn, những người dân Mỹ, đầu tiên”!

Điểm đặc biệt của “học thuyết kinh tế Trump” là nó khác xa so với những ý tưởng truyền thống của các nhà hoạch định chính sách. Trong khi các chính trị gia cũng như ông chủ của những tập đoàn đa quốc gia luôn quan niệm cách duy nhất để vươn tới thịnh vượng là thúc đẩy hoạt động thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế, Trump sẽ đi theo một hướng hoàn toàn khác. Theo ông, toàn cầu hóa không phải là xu hướng tất yếu hay điều không thể không tuân theo.

Khi Thế chiến thứ hai nổ ra, khi thế giới thừa nhận rằng chiến lược “ăn mày hàng xóm” (tức áp dụng chính sách thương mại có lợi cho mình nhưng gây thiệt hại cho quốc gia khác) trong những năm 1920 và 1930 đã tạo nên những điều kiện kinh tế hỗ trợ sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít và sau đó là chiến tranh thế giới. Trong bối cảnh này, có một niềm hi vọng được thắp lên, rằng các mối quan hệ vì lợi ích chung sẽ đem đến hòa bình. Ý tưởng này được phát triển từ quan điểm của nhà tư tưởng Immanuel Kant, người 150 năm trước nói rằng “sớm hay muộn thì tinh thần thương mại sẽ bao phủ tất cả các nước, thương mại là khắc tinh của chiến tranh”.

Do đó, trước cả khi chiến tranh kết thúc, 44 quốc gia đồng minh đã tụ họp ở Bretton Woods, New Hampshire, để tạo dựng một trật tự mới cho kinh tế thế giới với tinh thần tôn vinh hòa bình, với sự hậu thuẫn của các tổ chức đa phương như IMF (quản lý tiền tệ), World Bank (thúc đẩy đầu tư, phát triển) và WTO để giảm bớt thuế quan và thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế. 10 năm sau đó, châu Âu bắt đầu xây dựng khối cộng đòng kinh tế.

Từ đó đến nay, thế giới đã chứng kiến giai đoạn mà chuyên gia kinh tế Paul Krugman gọi là “siêu toàn cầu hóa”. Tỷ trọng đóng góp của xuất khẩu trong GDP Mỹ tăng từ mức 13% của năm 1960 lên 30%. Và toàn cầu hóa không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu từ nước này sang nước khác. Những công ty lớn nhất thế giới hiện nay đều là các tập đoàn đa quốc gia phụ thuộc vào chuỗi cung ứng hết sức phức tạp (nhưng cũng mong manh) trải rộng trên toàn cầu. Nhà máy được đặt ở bất cứ nơi nào có chi phí thấp nhất chứ không phải ở quê nhà.

Siêu toàn cầu hóa giúp thế giới tạo ra một lượng của cải khổng lồ và hạ thấp giá tiêu dùng. Nhiều người nghèo giờ đã gia nhập tầng lớp trung lưu. Branko Milanovic, chuyên gia kinh tế tại ĐH New York, nhận định từ năm 1988 đến 2012 thu nhập của tầng lớp trung lưu trên toàn thế giới đã tăng khoảng 44 đến 66%, nhanh nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, cũng có hàng triệu người Mỹ trung lưu đã bị bỏ lại phía sau. Đối lập với mô hình giả định của các chuyên gia kinh tế, những cộng đồng bị mất đi việc làm vì xu hướng thuê ngoài đã không được đền bù xứng đáng. Và chuyện này không chỉ xảy ra ở Mỹ. Nhiều nền kinh tế phát triển khác cũng nhìn thấy chỉ có những người giàu nhất được hưởng lợi. Ở Mỹ, như Thomas Piketty, Emmanuel Saez và Gabriel Zucman đã chỉ ra, từ năm 1980 đến 2014 thu nhập trước thuế trung bình trên mỗi người trưởng thành tăng tăng 61% nhưng tính riêng nhóm trung lưu thì mức tăng chỉ là 1%. Những người thuộc top 1% giàu nhất có thu nhập tăng tới 205%.

Cả bà Clinton và ông Trump đều đã đề cập đến chênh lệch giàu nghèo trong chiến dịch tranh cử của mình, nhưng khẩu hiệu của họ lại đối lập nhau. Bà Clinton hô hào “Stronger Together”, khẩu hiệu có nhiều điểm tương đồng với các ý tưởng của một người ủng hộ toàn cầu hóa. Trump nhìn thấy bức tranh hiện thực tương tự, nhưng khẩu hiệu của ông là “America First”, đánh trúng vào tâm lý của những người đã bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, chiến dịch America First cũng có nhiều điểm hạn chế. Những thay đổi về chính sách nhập cư và viện trợ nước ngoài đã gây ra nhiều phản ứng.

Chính phủ can thiệp vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp

Trong tuần đầu tiên Trump dọn vào Nhà Trắng, ông đã cho thấy America First là như thế nào khi đi vào thực tế. Một số nhà sản xuất tuyên bố họ sẽ chuyển nhà máy về Mỹ. Nhiều người cho rằng Trump có thể làm được điều này bởi ông là một doanh nhân giỏi lõi đời. Ông biết rằng khi Carrier nói họ “không có lựa chọn nào” nên mới phải đặt nhà máy ở Mexico, họ chỉ đang nói dối. Kết quả là Carrier đã “chịu thua”.

Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng Mỹ đang từ chối những quy luật cơ bản của thị trường, không tuân thủ quy tắc vẫn được duy trì bấy lâu nay là Chính phủ không nên can thiệp vào quá trình quyết định kinh doanh và nỗ lực tối ưu hóa lợi nhuận của các lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhìn bề ngoài, có vẻ như các chính sách kinh tế của Donald Trump gần giống với học thuyết trọng cung. Những ý tưởng cơ bản bao gồm cắt giảm mạnh thuế đánh vào người giàu, giảm thiểu luật lệ, tư nhân hóa ngành y tế, xóa bỏ chính sách bảo vệ người tiêu dùng…

Trump đã đúng khi tập trung tạo thêm việc làm ở Mỹ. Tuy nhiên rất khó hình dung “America First” sẽ diễn ra như thế nào trong một thế giới mà các công ty lớn nhất của Mỹ đều mang tầm cỡ quốc tế chứ không phải quốc gia. Các tập đoàn đa quốc gia không trung thành với quốc gia nào cả. Trong không ít trường hợp, họ bỏ ra rất nhiều công sức để tìm cách tránh né thuế.

Trụ sở của các tập đoàn lớn nhất nước Mỹ không đặt ở những nơi đã bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump. Liệu một cuộc điện thoại của Tổng thống có đủ sức mạnh để thay đổi kế hoạch kinh doanh? Và Chính phủ phải cân bằng như thế nào khi một dự án rất tiềm năng về mặt kinh doanh nhưng lại phải đánh đổi bằng những cộng đồng dân cư?

Một số nhà nghiên cứu chính trị cho rằng trước khi Trump thắng cử, người Mỹ đang chán ngán với hiện tại nhưng Chính phủ hoàn toàn mới vẫn chưa hề xuất hiện. Trong trường hợp này, một vị Tổng thống “ngoại đạo” sẽ xuất hiện. Trở thành Tổng thống, Trump đại diện cho đảng Cộng hòa nhưng không hoàn toàn đi theo hệ tư tưởng của đảng này. Có thể Trump không thực hiện được những cam kết đã đưa ra, nhưng có rất nhiều lý do đủ tốt để ông làm điều đó.

Thu Hương

Atlantic

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên