MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều khiến Trung Quốc lo sợ Mỹ 'động chạm' đến quy định về hàng nhập khẩu dưới 800 USD

04-02-2024 - 23:19 PM | Tài chính quốc tế

Giống như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành xuất khẩu tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), công ty vận chuyển hàng hóa của Victor Wang đã tham gia lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Thay vì đặt các container lớn chở hàng trên tàu biển, Wang lựa chọn gửi những bưu kiện nhỏ qua đường hàng không, trực tiếp từ các nhà máy địa phương đến người mua hàng ở Mỹ.

Quy định thương mại gần 100 năm tạo nhiều thuận lợi

Điều khiến Trung Quốc lo sợ Mỹ 'động chạm' đến quy định về hàng nhập khẩu dưới 800 USD - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: shipbob.com

Thay đổi trong kinh doanh tại công ty Wang là không điều không thể tránh khỏi bởi khách hàng của họ - hàng trăm nghìn nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, đã đổ xô vào thương mại điện tử. Ông Wang tiết lộ Mỹ là điểm đến hàng đầu cho những kiện hàng này.

Dòng chảy của các kiện hàng nhỏ được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống của các đơn đặt hàng bán buôn từ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Các đơn đặt hàng ngày càng giảm bắt nguồn từ mức thuế trừng phạt áp dụng từ thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Thêm vào đó là nỗ lực của Tổng thống Joe Biden, người kế nhiệm ông Trump, nhằm kêu gọi các công ty Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc.

Dữ liệu gần đây của chính phủ Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của những kiện hàng nhỏ khi chúng đạt tổng giá trị vượt 250 tỷ USD mỗi năm. Động lực thúc đẩy tăng trưởng này nằm ở một điều khoản thương mại lâu đời của Mỹ được gọi là quy định de minimis trong Đạo luật Thuế năm 1930.

De minimis cho phép vận chuyển kiện hàng có giá trị dưới 800 USD đến các tiểu bang tại Mỹ mà không phải trả thuế nhập khẩu, thuế hoặc phí hoặc phải trải qua các thủ tục sàng lọc. Trước 2016, mức quy định là 200 USD nhưng được nâng lên thành 800 USD để giảm bớt gánh nặng cho hải quan Mỹ.

Trong một diễn biến khác, cô Annie Yua đã có thâm niên trong ngành thương mại điện tử ở Bắc Kinh đang trải qua những ngày bận rộn nhất từ trước đến nay. Mỗi ngày, công ty của Yuan phải xử lý thủ tục hải quan và giao hàng chặng cuối cho hàng trăm nghìn kiện hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc đến Mỹ và Canada. Công ty của Yuan chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp logistic được các nền tảng mua sắm điện tử lớn ở Mỹ ký hợp đồng, trong đó có cả Temu và Shein. Cô Yuan chia sẻ: “Sức mua của người tiêu dùng Mỹ khá ấn tượng”.

Điều khiến Trung Quốc lo sợ Mỹ 'động chạm' đến quy định về hàng nhập khẩu dưới 800 USD - Ảnh 2.

Một cảnh trong quảng cáo của Temu tại Super Bowl năm 2023. Ảnh: CNN

Khối lượng kiện hàng bùng nổ sau màn ra mắt của Temu vào năm 2022, với khẩu hiệu “mua sắm như một tỷ phú” đi vào cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng Mỹ. Temu gây chú khí khi ra mắt đoạn quảng cáo tại sự kiện thể thao Mỹ Super Bowl hôm 19/2/2023. Giải Super Bowl hàng năm của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ thường thu hút tới 115,1 triệu người xem. Temu là nhà bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Boston (Mỹ) nhưng lại cùng chủ sở hữu với gã khổng lồ thương mại mạng xã hội Trung Quốc Pinduoduo.

Vào năm 2023, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã thông quan khoảng một tỷ lô hàng thuộc diện de minimis, tăng 46% so với một năm trước đó. Temu và Shein đang mở rộng nhanh chóng không phải là những động lực duy nhất. Amazon và AliExpress vẫn giữ được thị phần, với TikTok cũng tham gia vào “đấu trường”.

Những chuyến hàng này ngày càng trở nên không thể thiếu đối với nền kinh tế Trung Quốc, với xuất khẩu chiếm gần 20%. Thương mại toàn cầu suy yếu trong bối cảnh lạm phát cao đã ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc trong năm qua.

Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ năm 2023 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần 3 thập niên. Tuy nhiên, xuất khẩu thương mại điện tử của Trung Quốc vẫn đang bùng nổ. Theo ước tính sơ bộ của hải quan Trung Quốc, giá trị từ các kiện hàng thương mại điện tử nhỏ năm 2023 đã tăng vọt 19,6% so với năm trước đó và đạt 1,83 nghìn tỷ nhân dân tệ (258 tỷ USD), chiếm hơn 7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tờ Nhân dân Nhật báo trong bài đăng hôm 29/1 rằng xuất khẩu thương mại điện tử của Trung Quốc đã trở thành một hình thức ngoại thương mới với tốc độ phát triển nhanh nhất, tiềm năng lớn nhất và tác động thúc đẩy mạnh mẽ nhất. Tính riêng tại tỉnh Quảng Đông, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu qua thương mại điện tử vào năm 2023 gấp 57 lần so với năm 2015.

Việc mở rộng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử đã được đưa ra tại hội nghị thường niên của chính phủ Trung Quốc vào tháng 12/2023. Nhiều chính quyền địa phương cam kết thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, chẳng hạn như xây dựng thêm nhà kho.

Chính khách Mỹ muốn hành động

Điều khiến Trung Quốc lo sợ Mỹ 'động chạm' đến quy định về hàng nhập khẩu dưới 800 USD - Ảnh 3.

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình Mỹ cho rằng de minimis mang lại cho các nền tảng thương mại điện tử và nhà sản xuất kinh doanh Trung Quốc một lợi thế không công bằng so với các nhà bán lẻ Mỹ. Nguy cơ Mỹ thay đổi quy tắc thương mại đã có hiệu lực gần 100 năm có thể khiến ngành thương mại điện tử đang bùng nổ của Trung Quốc và nói rộng ra là vô số nhà máy sản xuất này nước có nguy cơ chịu tổn thất tài chính lớn.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin 2 dự luật lưỡng đảng đã được đệ trình tại Quốc hội Mỹ kêu gọi hạ thấp ngưỡng hoặc chấm dứt de minimis. Ông Sheng Lu tại Đại học Delaware (Mỹ) nhận định: “Thay đổi của de minimis sẽ là vấn đề quan trọng cần theo dõi vào năm 2024”.

Vào tháng 6/2023, các thượng nghị sĩ Bill Cassidy và Tammy Baldwin đã hé lộ về Dự luật Tương hỗ De Minimis nhằm ngăn hàng nhập khẩu của Trung Quốc “lợi dụng các thủ tục hải quan cho phép nhập cảnh miễn thuế vào Mỹ”.

Vài ngày sau, thượng nghị sĩ Marco Rubio và Sherrod Brown đưa ra Dự luật Công bằng và An ninh Nhập khẩu, đề xuất chấm dứt de minimis với hàng hóa từ Trung Quốc và Nga.

Cùng tháng đó, một ủy ban tuyển chọn của Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo cho biết Temu và Shein có khả năng chiếm hơn 30% tổng số kiện hàng nhập khẩu vào Mỹ dựa trên de minimis.

Temu phản hồi với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng tăng trưởng của họ không phụ thuộc vào chính sách de minimis mà nhờ hiệu quả của chuỗi cung ứng và hoạt động trơn tru.

Trong khi đó, đại diện của Shein cho biết công ty đang hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp trong ngành và các nhà hoạch định chính sách để giúp cải cách de minimis.

Ông Andy Tsay tại Đại học Santa Clara tin rằng cuộc bầu cử năm 2024 sẽ gây khó cho dự đoán về việc các dự luật có được thông qua hay không, ngay cả khi đó là điều nhiều người mong muốn. Ông bổ sung: “Khi các chính trị gia đưa ra quyết định xem liệu điều gì đó có giúp họ tái đắc cử hay không, họ phải tìm ra sự khác biệt giữa những gì người tiêu dùng Mỹ nói và những gì họ thực sự muốn”.

Theo tổ chức Hội đồng Ngoại thương Quốc gia Mỹ, việc loại bỏ de minimis có thể tăng gấp đôi chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng Mỹ, đồng thời buộc hải quan Mỹ phải thuê thêm 22.000 nhân sự.

Theo Hà Linh

Báo Tin Tức

Trở lên trên