MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều kỳ diệu có lần nữa gọi tên Việt Nam vào năm 2021 nhờ vaccine?

Điều kỳ diệu có lần nữa gọi tên Việt Nam vào năm 2021 nhờ vaccine?

Nhớ lại cách đây gần 1 năm, khi ca bệnh Covid đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện 1 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra câu hỏi: "Có loại vaccine nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép, là vừa chống dịch Covid-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế?".

Cho đến nay, nhiều quốc gia đã bước vào quá trình triển khai tiêm chủng vaccine thì cùng lúc Việt Nam hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1 trên 120 tình nguyện viên. Kết quả lạc quan cho thấy, vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt và có tác dụng với virus SARS-CoV-2 kể cả biến chủng. Liệu vaccine Covid-19 có phải là "liều vaccine" mà Thủ tướng đã nhắc đến? Và khi đó, mọi người có quyền nghĩ đến một kịch bản lạc quan khi nền kinh tế trở về trạng thái trước Covid?

Vaccine Covid-19 chỉ mang tính chất hỗ trợ phục hồi

Với 3 giai đoạn thử nghiệm, vaccine Nano Covax dự kiến phải đến đầu năm 2022 mới hoàn tất thử nghiệm lâm sàng. Những loại vaccine "made in Vietnam" khác có tốc độ triển khai chậm hơn, đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 1 hoặc đang chuẩn bị thử nghiệm.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những lô vaccine nhập khẩu hiệu quả, an toàn với người dân. Dự kiến cuối tháng 2, lô vaccine đầu tiên sẽ được viện trợ cho 20% dân số Việt Nam theo chương trình COVAX. 

Một kịch bản tích cực trong năm nay là vaccine Covid-19 được phân phối rộng rãi trên toàn cầu. Thậm chí điều này diễn ra thì đại dịch cũng không có dấu hiệu sẽ chấm dứt. Theo giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge: "Có vaccine không đồng nghĩa là đại dịch Covid-19 kết thúc. Mọi người cần chuẩn bị tâm lý chung sống với virus SARS CoV-2".

Vì vậy, triển vọng năm 2021 là một "sự phục hồi chưa rõ ràng" và thế giới vẫn còn phải đối mặt với "những thách thức ghê gớm". Chủ tịch World Bank, ông David Malpass nhấn mạnh: "Cần phải có một động lực lớn cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường tính linh hoạt của thị trường lao động và sản xuất, củng cố tính minh bạch và quản trị". Điều này có thể hiểu là vaccine sẽ không giúp tự chữa khỏi những tai ương kinh tế của thế giới mà chỉ có thể hỗ trợ sự phục hồi về niềm tin, tiêu dùng và sự cải thiện dần trong thương mại.

Việt Nam vẫn làm tốt ngay cả khi chưa có vaccine Covid-19

Đến nay nhìn lại, Việt Nam đã trải qua một năm đầy thăng trầm nhưng cũng rất đáng tự hào. Chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi Covid-19 xuất hiện, nền kinh tế thế giới đã chao đảo và nhanh chóng tiến tới suy thoái trên diện rộng. Không hề có một dấu hiệu nào báo trước ảnh hưởng kinh khủng từ đại dịch và cũng không có một phòng tuyến nào có đủ sức mạnh tiến vào trong đại dịch mà không bị ảnh hưởng. Cho đến nay câu hỏi về loại vaccine Covid-19 vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam không nằm ngoài diễn biến chung của thế giới khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong thập kỷ (2,91%). Song, không thể phủ nhận rằng "mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam" (World Bank). Trùng hợp là World Bank đã đưa ra nhận định nói trên ngay trước Covid-19, thế nhưng chính đại dịch lại càng khẳng định mạnh mẽ nhận định ấy.

Hàng loạt các tờ báo lớn quốc tế gọi tên Việt Nam bằng ngôn từ hoa mỹ chưa từng có: "ngôi sao đang lên", "con hổ châu Á", "phép màu Việt Nam" và đến cả "cường quốc kinh tế khu vực mà ngay cả virus corona cũng không thể ngăn cản" (SMCP). Đến hiện tại, không còn nghi ngờ gì nữa về điều kỳ diệu mang tên Việt Nam. Rõ ràng những thành tích ấn tượng nói trên đã được ghi nhận ngay cả khi vaccine Covid-19 chưa được triển khai.

Điều này không có nghĩa là Việt Nam không cần vaccine. Bởi lẽ, thời gian qua đất nước đã cho thấy khả năng kiểm soát đại dịch khi chưa có vaccine, nhưng quá trình này sẽ dễ dàng hơn và các nước khác trên thế giới sớm đạt được trạng thái ổn định nếu vaccine được triển khai rộng rãi.

"Liều vaccine" từ chính nỗ lực của Việt Nam

Hai động lực chính của kinh tế Việt Nam là công nghiệp và xây dựng vẫn tiếp tục kéo kinh tế đi lên trong năm 2020 với tốc độ tăng trưởng 3,98%. Chuyên gia của Global Data - Dhananjay Sharma đánh giá, những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ thông qua mô hình PPP sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành xây dựng giai đoạn 2020-2024. Trong khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong đại dịch đạt 91,1%. 

"Chưa bao giờ có một công tác chỉ đạo về giải ngân quyết liệt như năm nay", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết. Kết quả giải ngân kỷ lục trong một thập kỷ trở lại đã đưa đầu tư công trở thành "cửa sáng nhất" trong "mũi giáp công" mà Thủ tướng đã nêu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp, đặc biệt là chế biến chế tạo dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn đảm bảo được sức bật trong suy thoái với tốc độ tăng trưởng 5,82%. Như vậy, phần lớn kết quả đạt được đến từ những chỉ đạo quyết liệt cùng hỗ trợ kép của Chính phủ đã chuyển hóa vào con số tăng trưởng nói trên.

Thực tiễn cho thấy, trong một "kỷ nguyên bất thường" với liên tiếp những cuộc suy thoái toàn cầu mà nền kinh tế còn chưa kịp phục hồi thì Việt Nam lại trở thành "ngoại lệ". Năm 2017, tốc độ tăng trưởng đạt trên 7%, vượt mục tiêu đề ra và trở thành "năm kỳ tích" của nền kinh tế. Đến năm 2019, liên tiếp những kỷ lục được ghi nhận, bao gồm thặng dư thương mại kỷ lục, kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục, quy mô nền kinh tế kỷ lục…

Có thể nói rằng, không hề có một "liều vaccine" cụ thể nào cho những cuộc suy thoái, chỉ có nỗ lực bền bỉ từ chính Việt Nam bằng sức mạnh kết hợp suốt dải đất hình chữ S, bao gồm cả nỗ lực triển khai vaccine Covid-19. Vì vậy, cho dù đại dịch còn đó thì những nỗ lực không ngừng vẫn có thể tiếp tục viết nên câu chuyện về một Việt Nam diệu kỳ trong suy thoái toàn cầu.

Hoài Thương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên