MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều ‘tò mò’ về các tân đại biểu Quốc hội

02-08-2016 - 11:31 AM | Xã hội

Sau 3 tháng chờ đợi của cử tri, cuối cùng cũng “được” đưa ra trước Quốc hội, với những lời phát biểu gan ruột như: “ăn không ngon, ngủ không yên vì chuyện Formosa”.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc với những gương mặt đại biểu QH mới do nhân dân bầu ra. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Đức Lam, người có công tác liên quan đến bồi dưỡng đại biểu dân cử.

Trong cuộc sống, người mới, việc mới bao giờ cũng được quan tâm theo dõi nhiều hơn. Quốc hội khóa XIV cũng vậy, với khoảng 2/3 là tân đại biểu, vừa mới bước chân vào nghị trường, tại kỳ họp đã phải bàn và quyết những chuyện lớn của quốc gia như nhân sự, chương trình lập pháp, chương trình giám sát của cả năm, ngân sách nhà nước.

Bước vào kỳ họp thứ nhất, những người quan tâm đến việc nước muốn biết nhiều hơn về một Quốc hội mới sẽ hành động như thế nào; có giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, có đáp ứng được những điều mong mỏi của người dân?

Tiếng nói đại biểu, tiếng nói cử tri

Có lẽ, trong ý nghĩ của một người dân bình thường có quan tâm đến chuyện thế sự, điều “tò mò” và dễ theo dõi nhất là đại biểu sẽ nói gì ở hội trường, nhất là các đại biểu mới. Vài con số thống kê phần nào trả lời cho thắc mắc này.

Phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, có 5 trong số 14 ĐBQH phát biểu là người mới; phiên thảo luận về chương trình giám sát của năm sau, có 4/18 người phát biểu là tân đại biểu; phiên thảo luận về ngân sách nhà nước, con số này là 2/6; và 2 phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, có 9/24 đại biểu có ý kiến là người mới.

Một số ít đại biểu mới không tỏ ra “tân binh” trên nghị trường. Nhưng nói chung, như bao nhiệm kỳ khác, đại biểu lần đầu vào nghị trường có vẻ còn ngại nói.

Trong vài ngày ít ỏi, hàng loạt những vấn đề được nêu lên ở hội trường Diên Hồng, từ xe công, nợ công, lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng, cán bộ biến chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính, ngân sách nhà nước.

Và đặc biệt là chuyện Formosa, sau 3 tháng chờ đợi của cử tri, cuối cùng cũng “được” đưa ra trước Quốc hội, với những lời phát biểu gan ruột như: “ăn không ngon, ngủ không yên vì chuyện Formosa”; “thành lập ủy ban điều tra lâm thời về Formosa”; “quả bom môi trường nằm sát kề bên mà ai cũng lo lắng” [1] ; “dự án này không xứng đáng tồn tại nữa”. Đó là những tiếng nói đại diện cho lòng dân.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi băn khoăn một cách chính đáng, vì sao chưa thấy đại biểu Quốc hội các tỉnh khác như Hà Tĩnh, các ủy ban của Quốc hội có ý kiến, hoặc chí ít là có thông tin dự kiến sẽ làm gì. Hà Tĩnh đã rõ thiệt hại và hậu quả, đại biểu Hà Tĩnh không lên tiếng là khó hiểu. Còn các Ủy ban là nơi có điều kiện giám sát chuyên môn sâu về các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Đặc biệt, các kênh để người dân trực tiếp đối thoại với ĐBQH chưa được phát huy, nhất là để nghe những người chịu ảnh hưởng trực tiếp nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của mình. Có lẽ do kỳ họp đầu tiên quá ngắn, không đủ thời gian để các đại biểu khác lên tiếng; cũng như chưa có điều kiện để người dân trực tiếp bày tỏ với Quốc hội, ĐBQH.

Kỳ vọng đến các kỳ họp tiếp theo, các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội sẽ có những hành động cụ thể, thiết thực đối với những vấn đề đang được đặt ra trên bàn nghị sự.

Lập pháp: Nợ cũ, nợ mới

Bản chất của hoạt động lập pháp là tạo cơ sở pháp lý, môi trường pháp lý thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội diễn ra suôn sẻ, thông suốt, cho người dân thực hiện các quyền của mình; đồng thời ngăn ngừa, trừng phạt những hành vi có hại cho cá nhân, cộng đồng, xã hội.

Đối chiếu với điều này, qua những lời phát biểu của ĐBQH khi bàn về chương trình lập pháp và nhìn lại hoạt động lập pháp thời gian qua, có thể nói, đang có những khoảng trống, thiếu hụt, những “món nợ” cả cũ và mới. Những cụm từ thể hiện đúng những “căn bệnh” của lập pháp được các đại biểu dùng như: “tình trạng ông chẳng bà chuộc”; “chồng chéo”; “thiếu tính đồng bộ và nhất quán”; “nhiều đạo luật còn sai sót” [2] ; “xin rút khỏi chương trình”; “không ai phải chịu trách nhiệm”; “chưa sát thực tế”; “khả năng dự báo chưa cao”; “nể nang, thiếu kiên quyết”; “con người làm luật kiểu như một đại đội đi đánh cả sư đoàn nên không thể làm nổi” v.v…

Thực ra, những chuyện như trên đều là “bổn cũ soạn lại”- như lời một ĐBQH phát biểu tại hội trường. Chỉ có điều, những vấn đề cũ còn tồn tại, thì vẫn phải tiếp tục nói, và quan trọng hơn, “dọn dẹp” chúng, trả những “món nợ” lập pháp.

Khái niệm “món nợ” trong hoạt động lập pháp xuất hiện ở diễn đàn Quốc hội khoảng vài năm trước, khi các ĐBQH bàn về những đạo luật liên quan đến quyền con người đã “treo” nhiều năm như Luật biểu tình, Luật về hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý dân.

Đến nay, trong số đó, Luật về hội sẽ được thông qua cuối năm 2016, còn Luật Biểu tình một lần nữa lại “treo”. Tại kỳ họp đầu tiên của khóa mới, các ĐBQH tiếp tục “đòi nợ” thay cho nhân dân; theo đó, Quốc hội “hoàn toàn có cơ sở và khả năng trả món nợ lập pháp này đối với nhân dân”. Trong đó, có ĐBQH nêu đề xuất nên chuyển cho Bộ Tư pháp trực tiếp chủ trì soạn thảo Luật biểu tình; Bộ Công an thẩm định, phản biện.

Dù theo phương án nào, điều cốt lõi, xuất phát điểm của đạo luật này chính là quyền biểu tình hiến định của công dân, chứ không phải là quyền hạn quản lý của nhà nước.

Không chỉ thế, “món nợ” lập pháp còn là những đạo luật khác, như sửa các lỗi trong BLHS 2015; xem xét, sửa đổi các luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, nhổ những “cái đinh” dưới “tấm thảm đỏ”. Để trả các “món nợ” lập pháp này, cần xác định hội nhập quốc tế là một yêu cầu cơ bản để thiết kế xây dựng chính sách, pháp luật, ví dụ như triển khai thi hành hiệp định TPP sau khi được phê chuẩn.

Tuy nhiên, ngay cả ĐBQH cũng băn khoăn, không rõ chúng ta triển khai TPP như thế nào; những dự án luật nào sẽ được Quốc hội xem xét để sửa đổi, ban hành, thực thi hiệp định này. Thậm chí, như ĐBQH lo lắng, “Quốc hội chưa triển khai, chưa khởi động chương trình chính thức để phê chuẩn TPP”.

Không chỉ nêu ra những “món nợ” cần phải trả, điều quan trọng hơn nhiều là làm cách nào để “trả nợ” bằng những đạo luật bảo đảm chất lượng. Trong số những giải pháp để luật có chất lượng, một trong những điểm nổi bật theo quy định mới là việc xây dựng chương trình lập pháp phải lồng với xây dựng chính sách.

Theo quy định, cơ quan nào muốn đề xuất xây dựng dự luật thì trong bộ hồ sơ trình phải có tài liệu phân tích các nội dung chính sách dự kiến sẽ được thể hiện trong dự thảo luật, tác động của từng chính sách, lúc đó mới được đưa vào dự kiến chương trình lập pháp để Quốc hội xem xét. Đây là “chốt chặn” ngay ở khâu đầu tiên của quy trình lập pháp, gạt ra những dự án luật không đủ điều kiện.

Như vậy, khi chuyển sang các giai đoạn tiếp theo sẽ hạn chế được nhiều những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trừ ý kiến của một ĐBQH, điểm rất thiết yếu này có vẻ như bị chìm đi, chưa được chú ý đúng mức. Hơn nữa, điểm mới này nếu làm cho có thì cũng sẽ làm được, nhưng để làm một cách thực sự sẽ đặt ra những thách thức rất lớn cho cơ quan soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội.

Theo Nguyễn Đức Lam

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên