MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều tra vụ phá hoại Dòng chảy phương Bắc, lần ra manh mối liên quan đến Ba Lan

11-06-2023 - 10:10 AM | Tài chính quốc tế

Trước đó, truyền thông Đức hồi tháng 3 đã xác định khả năng có sự tham gia của một du thuyền từ một công ty có trụ sở tại Ba Lan thuộc sở hữu của công dân Ukraine trong vụ tấn công.

Tờ Tạp chí Phố Wall hôm 10/6 đưa tin các nhà điều tra Đức đã tìm ra bằng chứng cho thấy một nhóm phá hoại đã sử dụng Ba Lan làm căn cứ điều hành các hành động phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc ở Biển Baltic vào tháng 9 năm 2022.

Điều tra vụ phá hoại Dòng chảy phương Bắc, lần ra manh mối liên quan đến Ba Lan - Ảnh 1.

Ảnh minh họa về đường ống Dòng chảy phương Bắc. Nguồn: Shutterstock.

Theo nguồn tin trên, các nhà điều tra đã dựng lại hành trình kéo dài 2 tuần của Andromeda - một du thuyền dài 15 mét bị nghi ngờ có liên quan đến vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2.

Tạp chí đã trích dẫn lời khai của một số nhân chứng cho biết, nhóm phá hoại đã đặt chất nổ dưới biển sâu trên Dòng chảy phương Bắc 1 trước khi họ đưa con tàu đi về phía Ba Lan.

Hiện Đức đang cố gắng đối chiếu các mẫu DNA được tìm thấy trên tàu "với kết quả có ít nhất một binh sĩ Ukraine".

Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức và Người phát ngôn của chính phủ Ba Lan đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận từ Reuters.

Tuy nhiên, ông Stanislaw Zaryn - Phó Bộ trưởng Điều phối các Dịch vụ Đặc biệt của Ba Lan, đã viết trên Twitter bác bỏ thông tin về manh mối của Ba Lan hoặc Ukraine trong việc phá hủy các đường ống dẫn khí, cho rằng đây là suy đoán vô căn cứ.

Xung đột tại Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 đã đặt sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga vào tầm ngắm chính trị. Việc phá hủy các đường ống Dòng chảy phương Bắc đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của khu vực sang các nhà cung cấp năng lượng khác.

Tờ Washington Post tuần này đưa tin rằng, Mỹ đã biết được kế hoạch tấn công các đường ống của Ukraine 3 tháng trước khi chúng bị hư hại do các vụ nổ xảy ra ở các khu kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch. Thụy Điển và Đan Mạch đều cho biết vụ nổ là có chủ ý nhưng vẫn chưa xác định được ai chịu trách nhiệm.

Truyền thông Đức hồi tháng 3 đã xác định khả năng có sự tham gia của một du thuyền từ một công ty có trụ sở tại Ba Lan thuộc sở hữu của công dân Ukraine trong vụ tấn công. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine đã phủ nhận liên quan đến vụ nổ./.

Theo CTV Mỹ Linh

VOV

Trở lên trên