Digiworld và hành trình lội ngược dòng
Trong Q1/2017, DGW đạt doanh thu thuần 761 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 8,58 tỷ đồng, giảm 58,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận theo DGW là do bán giảm giá hàng tồn kho để chuẩn bị cho các đơn hàng mới. Cùng với đó, việc không còn hợp tác với Wiko từ đầu năm 2017 và trích lập dự phòng hàng tồn kho từ cuối năm 2016 cũng khiến cho chi phí tăng lên nên doanh số và lợi nhuận bị ảnh hưởng đôi chút.
DGW đã có sự trở mình khá lớn bắt đầu từ bước ngoặt “kết duyên” với Xiaomi giữa tháng 3/2017. Với hợp tác này, DGW sẽ chịu trách nhiệm phân phối, mở rộng thị trường và cung cấp bảo hành cho tất cả các dòng sản phẩm công nghệ của Xiaomi tại Việt Nam. Xiaomi được đánh giá là nhãn hiệu tương đối thành công khi là 1 trong 4 nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc.
Tại thị trường Ấn Độ, Xiaomi khẳng định được vị thế khi nhanh chóng trở thành nhãn hiệu đứng thứ 2 với thị phần 11%. DGW dự phóng dòng sản phẩm của Xiaomi đóng góp 500 tỷ đồng cho tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2017 và sẽ ghi nhận doanh thu từ Q2/2017. Bên cạnh đó, việc không còn các khoản bán giảm giá hàng tồn kho sẽ giúp kết quả kinh doanh của DGW ghi nhận sự đột phá lớn trong Q2/2017.
Trên thị trường phân phối thiết bị PCs và Laptops, DGW tiếp tục duy trì vị thế đứng đầu với thị phần 25%. Mảng thiết bị văn phòng mang lại doanh thu hơn 560 tỷ đồng cho DGW trong năm 2016, đạt tăng trưởng tích cực 25,92% nhờ tiếp tục mở rộng sản phẩm phần mềm và phần cứng mới; dự báo phân khúc này tiếp tục duy trì tăng trưởng với tốc độ 10% trong 3 năm tới.
Năm 2016, DGW đã hoàn thiện các nền tảng để chính thức trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (Market Expansion Service – MES). Kết quả, Obi Worldphone, Intex, Freetel đã chọn Digiworld làm nhà phân phối và triển khai dịch vụ MES tại Việt Nam. Đây là lợi thế cho DGW đề ra kế hoạch từ năm 2017 tận dụng năng lực MES để lấn sang các ngành hàng khác ngoài ICT, và sẵn sàng bán từng dịch vụ trong chuỗi MES theo nhu cầu khác nhau của khách hàng mà không nhất thiết phải làm phân phối.
Đầu tháng 3/2017, DGW và InfoFabrica đã kí kết hợp tác chiến lược cung cấp giải pháp điện toán đám mây. DGW sẽ cung cấp toàn diện các dịch vụ về điện toán đám mây với sự hỗ trợ về nền tảng đến từ InfoFabrica. Theo khảo sát của PGS, TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu đối với hơn 500 doanh nghiệp trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42,5%).
Nếu so sánh thông qua con số tuyệt đối thì mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp (1,7 USD/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan và 1,3 lần so với Philippines. Vậy cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam.
Nguồn thu của DGW từ mảng điện toán đám mây trong tương lai đến từ (1) chi phí đầu tư ban đầu của doanh nghiệp và (2) chi phí hàng tháng nhằm duy trì dịch vụ. Vì vậy, sau khi phát triển được lượng khách hàng lớn, đây được đánh giá là mảng sẽ đem lại nguồn thu và lợi nhuận ổn định cho DGW trong dài hạn.
Xa hơn nữa là câu chuyện về tiềm năng lớn từ ngành hàng phân phối sản phẩm chăm sóc sức khoẻ. Theo số liệu từ BMI, Frost Sullivan và World Bank, năm 2015, tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam là 13 tỉ USD. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 24 tỉ USD. Dự đoán của Roland Berger về mức tăng trưởng của dịch vụ MES cho ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam từ 2016-2021 là 11,1%.
Hiện nay, ngành hàng chăm sóc sức khỏe có độ phân mảnh cao, với nhiều sản phẩm tốt nhưng chưa biết cách marketing ra thị trường. Nhiều đơn vị sản xuất cũng không đủ nguồn lực để xây dựng hệ thống phân phối riêng và đây rõ ràng là cơ hội cho DGW và nhiều đơn vị dấn bước vào mảng phân phối sản phẩm sức khỏe.
Từ Q4/2016, DGW đã đầu tư 40 tỷ đồng chi phí ban đầu vào ngành hàng chăm sóc sức khoẻ và dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm đầu tiên trong Q3/2017. Theo ước tính của DGW, ngành hàng này sẽ đóng góp 80 tỷ đồng doanh thu trong năm 2017 và DGW kỳ vọng sẽ tăng trưởng 100%/năm, mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt doanh số 600 tỷ đồng.
Về mức độ phủ sóng, DGW đặt mục tiêu đến giữa 2019, DGW sẽ phủ 20.000 nhà thuốc trong số 40.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Về phân khúc sản phẩm, DGW sẽ tham gia vào phân khúc thực phẩm chức năng và thuốc không kê toa là mảng hoạt động có biên lợi nhuận cao từ 60-65% với điều kiện DGW tham gia càng nhiều khâu, chứ không chỉ phân phối đơn thuần .
Hai năm qua, những diễn biến thay đổi liên tục của thị trường phân phối đã khiến cho DGW phải đối diện với vô vàn thử thách nhưng chính trong khó khăn công ty đã nhận ra những giá trị to lớn mà dịch vụ MES có thể mang lại.
Nỗ lực tái cấu trúc thông qua chiến lược tập trung vào khai thác dịch vụ MES, DGW đang từng bước chuyển mình từ một nhà phân phối thiết bị ICT để trở thành nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường đa ngành. Với các mảnh ghép kinh doanh hiện tại, có thể nói DGW sẽ sớm lấy lại vị thế nhà phân phối đa ngành nghề hàng đầu tại Việt Nam.
Nhịp sống kinh tế