Đỉnh cao của dạy con là nuôi chúng trở thành những người bình thường: Bố mẹ nên thức tỉnh ngay từ bây giờ
Chấp nhận con mình không phải thiên tài là một điều không dễ dàng với nhiều người.
- 22-09-2023Lionel Messi dạy con: Không cho dùng điện thoại, quan tâm đồng hành mỗi ngày
- 19-09-2023Lisa và Leon đạp xe rõ đáng yêu nhưng câu nói dạy con của Hồ Ngọc Hà mới là điểm nhấn
- 17-09-2023Cha mẹ 9x Trung Quốc "dạy con ngược", chuyên gia lo ngại
Cách đây không lâu, một bài phát biểu có tựa đề "Con gái tôi nỗ lực hết sức để trở thành một người bình thường" của một vị giáo sư đã từng gây tranh cãi trên mạng xã hội. Theo ý kiến của giáo sư, cũng là một người mẹ, trong thời đại này, cách dạy con tốt nhất thực ra là chấp nhận chúng là người bình thường và giáo dục con "trở thành một người bình thường một cách vững vàng".
Tuy gây được tiếng vang nhưng bài phát biểu này cũng nhận không ít chỉ trích. Ý kiến phản đối cho rằng nói như vậy không khác nào làm nhụt chí con trẻ, bắt chúng phải chấp nhận số phận của mình mà từ bỏ nỗ lực.
Giáo dục trẻ em là một công cuộc kéo dài vô cùng khó khăn với mỗi người làm cha làm mẹ. Dạy con ra sao không có công thức chung mà còn phải dựa trên nền tảng giáo dục, nền tảng kinh tế, tài năng và sở thích của trẻ.
Bài phát biểu này đã làm dấy lên câu hỏi: tại sao chúng ta lại chán ghét hay sợ việc con mình trở thành người bình thường? Dù không phải sự thật dễ nghe nhưng chúng ta đều biết, tỷ lệ thiên tài và người thành công rực rỡ trong xã hội chỉ là số ít. Hầu hết những đứa trẻ hôm nay mai sau sẽ trở thành những người bình thường, giống như cha mẹ chúng.
Việc có một số phụ huynh không chấp nhận được thực tế này đến từ nhiều nguyên do. Đầu tiên, các bậc cha mẹ đều có xu hướng đánh giá quá cao tài năng và tiềm năng của con mình. Tất nhiên, có người sẽ cho rằng "mọi đứa trẻ đều đặc biệt và có tiềm năng", rồi bác bỏ lối suy nghĩ về những người bình thường, cho rằng đây là một kiểu đánh giá không tích cực, có thể làm trẻ tự ti. Thực chất, không có phương pháp giáo dục nào gọi là "mọi đứa trẻ đều là thiên tài" mà chỉ khuyến khích tìm ra những điểm sáng của riêng mình ở những đứa trẻ bình thường.
Thứ hai, môi trường giáo dục chung hiện nay quá cạnh tranh và áp lực, đổ lên cả đầu trẻ lẫn cha mẹ. Vì sợ con thiệt thòi, nhiều bậc cha mẹ có điều kiện kinh tế bình thường nhưng vẫn đầu tư phần lớn thu nhập của mình cho con đi học thêm, học phụ đạo, học trường tư đắt đỏ để con "bằng bạn bằng bè". Công sức và tiền bạc đổ ra càng nhiều thì kỳ vọng cũng lại càng lớn. Biết bao gia đình đã phải trả một khoản chi phí lớn như vậy, nếu nói với họ rằng con cái họ sau này làm người thường cũng được thì thật khó chấp nhận.
Thứ ba, phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đã trở thành một công cụ khuếch đại cạnh tranh giáo dục. Ngay cả khi bạn bắt đầu với mong muốn bình dị là nuôi dạy con cái với tiền đề coi chúng như những "đứa trẻ bình thường", một khi lên mạng xã hội đầy rẫy những ông bố bà mẹ đang đua nhau cho con học này học kia, bạn cũng có thể bị lung lay. Họ sẽ nói với bạn rằng dạy con với phương pháp "đứa trẻ bình thường" là vô trách nhiệm.
Ai cũng mong con mình có tương lai xán lạn và thành công, đây là một mong muốn hiển nhiên. Nhưng thực chất, trở thành một “người bình thường” không có nghĩa là bị bỏ lại phía sau hay kém cỏi. Hãy để con trẻ được phát triển tự nhiên, thoải mái tự do và tận hưởng tuổi thơ của chúng, thay vì tham gia vào các khóa đào tạo thiên tài không có thật. Nhưng liệu có bao nhiêu người có thể tự tin nói "Tôi muốn con tôi trở thành một người bình thường" hay không quả thực là một vấn đề đáng bàn.
Phụ nữ mới