Định giá cổ phiếu Techcombank ở mức 128.000 đồng là quá đắt?
Từ ngày 9/4 - thời điểm được dùng làm mốc để định giá - tới nay, giá các cổ phiếu trong nhóm được dùng làm cơ sở tính giá cho TCB đều giảm mạnh từ 20 - 40%, trong đó VPBank mất nhiều nhất và theo sau là BIDV, không những thế chỉ số VnIndex cũng giảm hơn 20%.
- 24-05-2018"Soi" cơ cấu cổ đông Techcombank trước ngày lên sàn
- 24-05-2018Techcombank lên sàn với mức định giá 6,5 tỷ USD, mẹ và vợ ông Hồ Hùng Anh sẽ gia nhập Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán
- 23-05-2018Sau niêm yết, cổ đông Techcombank sẽ "ngập" trong cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 200%
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – TCB) đã được chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) vào ngày 4/6/2018. Giá chào sàn sẽ là 128.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa ở mức gần 150 nghìn tỷ đồng tức khoảng 6,5 tỷ USD. Với mức giá niêm yết này, Techcombank sẽ ghi nhận kỷ lục của dòng ngân hàng về giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, còn vốn hóa thì đứng thứ 2 sau Vietcombank và cao gấp rưỡi so với BIDV cũng như VietinBank.
Techcombank đang ở vị thế nào so với các ngân hàng đã niêm yết?
Bản cáo bạch lên sàn của Techcombank vừa công bố cho thấy ngân hàng này hiện đứng thứ 3 trong khối cổ phần tư nhân về mạng lưới chỉ sau Sacombank và ACB. Còn nếu xét về hệ thống máy ATM thì dẫn đầu với 1.117 chiếc.
Tổng tài sản năm 2017 đạt gần 270 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6 trong nhóm các ngân hàng tư nhân đã niêm yết sau Sacombank, MB, SHB, ACB và VPBank. Nếu so với các ngân hàng lớn nhất hệ thống thì tài sản của Techcombank chỉ bằng chưa đến 1/3 so với Vietcombank và VietinBank và chưa bằng 1/4 so với của BIDV.
Huy động vốn và cho vay khách hàng của Techcombank trong khi đó ở mức thấp, kém xa so với VPBank, MB, ACB, Sacombank. Nếu so với 3 ngân hàng TMCP Nhà nước thì nguồn tiền huy động và cho vay của Techcombank chưa bằng 1/4 của các ông lớn đó.
Xét về vốn chủ sở hữu, hết năm 2017 Techcombank đứng thứ 6 trong số các ngân hàng đã niêm yết sau MB, VPBank và tất nhiên là cả BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Về hiệu quả kinh doanh, bản cáo bạch cho biết 2017 là năm làm ăn kinh doanh đột phá với lợi nhuận trước thuế 8.036 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt 27,7% - cao nhất trong các ngân hàng, cao hơn cả VPBank là ngân hàng có công ty tài chính đang "đẻ trứng vàng" với NIM cao chót vót.
Tài sản bằng chưa đến 1/3, các chỉ tiêu khác cũng "chạy dài không kịp" BIDV và VietinBank, thậm chí cả lợi nhuận nếu trừ đi khoản thu đột biến gần 1.500 tỷ trong năm vừa rồi thì Techcombank vẫn còn ở "chiếu dưới" so với các ngân hàng đàn anh.
Ngoài ra, theo lãnh đạo ngân hàng này, trong hoạt động kinh doanh Techcombank còn đang đẫn dầu ở một số mảng như là khách hàng VIP, thị phần cho vay mua nhà để ở (chiếm 31% tổng thị phần), có công ty con là chứng khoán Techcombank chiếm 85% thị phần tư vấn, phát hành trái phiếu…
Riêng về chính sách với cổ đông thì Techcombank là ngân hàng xếp sau cùng trong bảng danh sách các ngân hàng đã niêm yết khi suốt 7 năm qua cổ đông không nhận được một đồng cổ tức nào. Tuy nhiên theo kế hoạch ngân hàng vừa công bố thì sau khi lên sàn sẽ tiến hành chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông tỷ lệ 1:2 (một cổ phiếu hiện hữu sẽ nhận được thêm 2 cổ phiếu) để tăng vốn điều lệ - một tỷ lệ chi trả cổ tức cao không có đối thủ trong ngành.
Đơn vị tư vấn định giá cổ phiếu tới 137.000 đồng
Đơn vị tư vấn lên sàn cho Techcombank là Công ty chứng khoán Bản Việt (BVSC). Công ty này cho biết giá tham chiếu của Techcombank trong ngày giao dịch đầu tiên dựa theo kết quả định giá cổ phiếu theo phương pháp thị trường mà cụ thể là so sánh hệ số P/E và P/B và phương pháp giá trị sổ sách.
P/E và P/B của Techcombank được tính toán tại thời điểm ngày 9/4/2018 còn thu nhập mỗi cổ phiếu lấy theo EPS của năm 2017, giá trị sổ sách của cổ phiếu cũng tính theo năm 2017.
Dựa vào kết quả kinh doanh năm 2017, đơn vị tư vấn tính toán giá trị sổ sách trên một cổ phiếu của Techcombank ở mức 32.251 đồng.
Cơ sở so sánh số liệu của Techcombank được lấy dựa trên cơ sở so sánh với các ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, VPBank và ACB – là những cổ phiếu có giá trị cao nhất trên thị trường. Bình quân P/E của 6 cổ phiếu này đạt 23,1 lần còn P/B là 2,8 lần.
Qua đó, VCSC tính toán giá cổ phiếu theo P/E là hơn 178 nghìn đồng và giá trị cổ phiếu trên P/B là hơn 90 nghìn đồng.
Nguồn: Bản cáo bạch
Bản cáo bạch cho biết, giá cổ phiếu định giá theo phương pháp so sánh hệ số P/E của các doanh nghiệp cùng ngành là giá trị ở thời điểm hiện giúp nhà đầu tư cân nhắc để đưa ra quyết định đầu tư, do vậy Techcombank ưu tiên sử dụng kết quả của phương pháp định giá này và chọn trọng số là 60%. Phương pháp P/B phản ánh giá trị tài sản Techcombank đang sở hữu, do ngân hàng hoạt động dịch vụ nên giá trị tài sản không tính tới các tài sản vô hình như thương hiệu uy tín do vậy ngân hàng chọn trọng số 30%. Còn lại phương pháp giá trị sổ sách không phản ánh giá trị tại một thời điểm xác định, không phản ánh đầy đủ giá trị Techcombank nên chỉ chọn trọng số là 10%.
Tổng hợp, với P/E chiếm 60% trọng số, P/B chiếm 30% trọng số và 10% trọng số còn lại là giá trị sổ sách, VCSC tính ra giá cổ phiếu TCB ở mức 137.301 đồng.
Tuy nhiên do Techcombank đã bán được cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với giá bình quân 128.000 đồng nên ngân hàng đề xuất mức giá niêm yết bằng mức giá 128.000 đồng.
Nguồn: Bản cáo bạch
Đắt hay rẻ?
Trả lời câu hỏi của báo giới về băn khoăn cổ phiếu niêm yết ở mức 128.000 đồng có đắt quá hay không, lãnh đạo Techcombank cho biết giá của từng cổ phiếu không mang nhiều ý nghĩa bằng giá trị của cả tổ chức. Hơn nữa, sau khi lên sàn, ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1: 2 thì giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh xuống còn "bốn mấy ngàn đồng" thì không phải là quá cao.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, giá cổ phiếu TCB được tính toán dựa trên cơ sở hoạt động của 6 ngân hàng lớn nhất hệ thống, có cổ phiếu giá tốt nhất nhóm ngân hàng là Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, MB, VPBank.
VPBank - ngân hàng vẫn được so ngang với Techcombank trong hoạt động - đã ghi nhận cổ phiếu giảm từ mức 70.000 đồng ngày 9/4 xuống chỉ còn hơn 40.000 đồng thời điểm hiện tại
Thời điểm chọn để tính giá cũng là đỉnh cao nhất của thị trường chứng khoán với chỉ số VnIndex ở mức 1.200 điểm. Từ đó tới nay, thị trường đã giảm 20% với chỉ số ngày hôm nay chỉ còn chưa đến 970 điểm, cổ phiếu của dòng ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm sâu với VPBank và BIDV mất khoảng 40%, Vietcombank giảm 35% còn ngân hàng giảm ít nhất là ACB và MB cũng mất đến hơn 20% giá trị.
Hơn nữa, năm 2017 – là năm được lấy làm cơ sở để tính toán giá – là năm đỉnh cao nhất trong hoạt động của Techcombank từ trước tới nay với lãi ròng ở mức 6.446 tỷ đồng. So với năm 2016 kết quả kinh doanh tăng gần gấp đôi và là năm thứ 2 liên tiếp đạt mức tăng trưởng như vậy.
Bên cạnh đó năm 2017 Techcombank còn ghi nhận một khoản thu bất thường tới gần 1.500 tỷ đồng đến từ dịch vụ liên kết độc quyền với bảo hiểm Manulife. Khoản thu này chỉ được ghi nhận một lần duy nhất dù các năm sau vẫn hoạt động.
Do vậy giả sử loại trừ đi khoản thu bất thường trong năm 2017 thì lợi nhuận ròng của ngân hàng chỉ đạt gần 5.000 tỷ. Đồng thời thời điểm lấy làm mốc để định giá cổ phiếu không phải chọn đúng đỉnh là ngày 9/4 thì tất cả các chỉ số dẫn đến kết quả định giá của Techcombank gồm giá trị sổ sách cũng như P/E và P/B của ngân hàng sẽ thay đổi đáng kể.
Trở lại với nhận định của lãnh đạo Techcombank, tại buổi công bố kế hoạch niêm yết mới đây, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cổ phiếu TCB lên sàn có thể không được như kỳ vọng khi thị trường không thuận lợi, Giám đốc Tài chính ngân hàng này là ông Trịnh Bằng cho biết sự lên xuống của giá cổ phiếu là do thị trường quyết định, Techcombank tập trung vào dài hạn là phát triển ngân hàng, chiến lược lâu dài tốt thì thời gian dài giá trị của Techcombank sẽ được phản ánh đúng. Được biết năm 2018 ngân hàng đặt mục tiêu lãi ròng 8.000 tỷ đồng và năm 2019 là hơn 11.000 tỷ.
Trí Thức Trẻ