MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FPT Trading được định giá không thấp hơn 80 triệu USD, bán 47% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài

12-09-2017 - 09:29 AM | Doanh nghiệp

Nếu kế hoạch này thoái vốn tại FPT Trading và FPT Retail hoàn tất ngay trong năm nay, FPT sẽ nắm giữ 48% cổ phần của FPT Trading và 45% cổ phần của FPT Retail. Khi đó, FPT vẫn là cổ đông lớn nhất của 2 công ty này nhưng sẽ không còn hợp nhất doanh thu vào kết quả kinh doanh của toàn tập đoàn.

Ngày 11/9, Hội đồng quản trị CTCP FPT đã ra nghị quyết về phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading) xuống dưới 50%.

Theo đó, FPT sẽ bán 47% vốn của FPT Trading cho nhà đầu tư chiến lược là một tập đoàn phân phối toàn cầu trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ thông tin - viễn thông, linh kiện… với mức định giá FPT Trading không thấp hơn 80 triệu USD (hơn 1.800 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, FPT cũng tính bán tối đa 5% vốn cho cán bộ của FPT Trading có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của công ty trong những năm tiếp theo. Thời gian thực hiện thoái vốn trong năm 2017. Sau khi thoái vốn, FPT Trading được chuyển thành công ty cổ phần.

FPT Trading hiện có vốn điều lệ 680 tỷ đồng nếu giữ nguyên vốn điều lệ và cổ phần hóa thì 1 cổ phiếu FPT Trading sẽ có giá gần 27.000 đồng.

Trước đó, trên thị trường có tin đồn Tập đoàn Synnex, trụ sở tại Mỹ đang hoàn tất việc mua lại cổ phần FPT Trading.

Hiện FPT Trading đang là công ty con do FPT nắm 100% vốn và là công ty đóng góp chính vào tổng doanh thu của tập đoàn này. FPT Trading từng có một thời kỳ khá ăn nên làm ra nhờ phân phối các sản phẩm của Apple tại Việt Nam. Tuy nhiên, với việc Apple thay đổi chính sách, cho phép các nhà bán lẻ lớn được nhập hàng trực tiếp thì doanh thu cũng như lợi nhuận của FPT Trading đã sụt giảm đáng kể từ cuối năm 2015.

Mới đây, FPT cũng đã hoàn tất bán 30% cổ phần của FPT Retail, công ty quản lý hệ thống FPT Shop cho nhóm nhà đầu tư liên quan đến VinaCapital và Dragon Capital. Tập đoàn này dự định sẽ chào bán ra công chúng thêm 10% cổ phần của FPT Retail và tiến hành niêm yết công ty này trên HoSE vào đầu năm 2018.

Nếu kế hoạch này thoái vốn tại FPT Trading và FPT Retail hoàn tất ngay trong năm nay, FPT sẽ nắm giữ 48% cổ phần của FPT Trading và 45% cổ phần của FPT Retail. Khi đó, FPT vẫn là cổ đông lớn nhất của 2 công ty này nhưng sẽ không còn hợp nhất doanh thu vào kết quả kinh doanh của toàn tập đoàn.

Doanh thu của FPT có thể giảm tới 2/3 so với hiện tại nhưng tập đoàn này sẽ mang đúng tính chất của một công ty công nghệ với nguồn thu chủ đạo từ công nghệ thông tin - viễn thông thay vì có phần lớn doanh thu tới từ hoạt động kinh doanh thương mại.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên