Định giá về mức thấp nhất trong lịch sử, cổ phiếu ngân hàng đã thực sự hấp dẫn?
Sau đợt sụt giảm mạnh của thị trường đã khiến P/E của ngành về 7,1 lần và P/B 1,3 lần, tương đương vùng đáy Covid-19 đợt 1 vào tháng 3/2020.
Tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại trong những quý tới
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán ACBS đánh giá tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại kể từ quý 4/2022 và sang năm 2023. Nguyên nhân do thu nhập ngoài lãi sẽ tăng trưởng chậm lại theo khó khăn chung của thị trường bất động sản và chứng khoán.
Mặc dù quỹ dự phòng của các ngân hàng đang khá dày và chất lượng tài sản tương đối ổn, nhưng bắt đầu có dấu hiệu suy giảm kể từ quý 4. Điều này sẽ gây áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng trong những quý tới.
Điểm tích cực là nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn ở mức cao và vượt quá khả năng cung ứng của hệ thống NHTM. Do đó, lãi suất cho vay vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao và giúp NIM của các ngân hàng được giữ ổn định.
Mặt khác, nguồn vốn huy động suy yếu khiến trạng thái thanh khoản trở nên căng thẳng và mặt bằng lãi suất tăng lên. Song ACBS kỳ vọng trạng thái thanh khoản hệ thống sẽ ổn định trở lại trong thời gian tới nhờ nguồn vốn quay trở lại hệ thống ngân hàng sau khi lãi suất huy động đã tăng lên mức tương đối hấp dẫn.
Áp lực tỷ giá cũng giảm bớt khi đồng USD suy yếu. Chỉ số DXY giảm mạnh từ đỉnh 120 xuống 105 sau khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và Fed cho thấy ý định giảm đà tăng lãi suất trong những kỳ họp sắp tới. Dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất lên mức 5% trước khi giảm dần kể từ năm 2024. Như vậy, dư địa tăng lãi suất USD không còn nhiều so với mức lãi suất hiện tại 4%. Điều này sẽ giúp áp lực điều tiết tỷ giá và thanh khoản của NHNN giảm bớt
Tuy vậy, ACBS cho rằng NIM của ngành ngân hàng vẫn có thể được giữ ổn định khi lãi suất tăng lên. Dự báo NIM của ngành sẽ giảm nhẹ trong quý 4/2022 do kỳ điều chỉnh lãi suất cho vay thường sẽ chậm hơn khoảng 1 quý so với lãi suất huy động, trước khi hồi về mức cũ từ quý 1/2023.
Chi phí hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là chi phí cho nhân viên sẽ phải tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ kiểm soát chi phí hoạt động khác chặt chẽ hơn trong năm 2023 để đối phó với môi trường vĩ mô xấu đi và bất ổn chính sách gia tăng. Do đó, kỳ vọng tỷ lệ CIR của ngành ngân hàng sẽ duy trì ở mức dưới 35%, đây là mức tốt so với các ngân hàng khác trên thế giới.
Chất lượng tài sản ổn định trong quý 3/2022 nhưng có dấu hiệu suy giảm kể từ quý 4/2022 khiên nợ xấu gia tăng trong những quý sắp tới. Trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực bất động sản tăng lên 20% thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng thêm 1,6%.
Thời gian gần đây, Chính phủ và các doanh nghiệp đã cùng thảo luận và đề xuất nhiều hướng giải quyết để khai thông kênh trái phiếu doanh nghiệp và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
ACBS cho rằng hướng đi này cho có tác động tích cực về lâu dài, còn trong ngắn hạn phương án khả thi nhất là nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và tái cơ cấu thời gian thanh toán trái phiếu để giảm áp lực thanh khoản cho doanh nghiệp.
Định giá đang ở mức thấp nhất trong lịch sử
Về định giá cổ phiếu ngân hàng, sau đợt sụt giảm mạnh của thị trường đã khiến P/E của ngành về 7,1 lần và P/B 1,3 lần, tương đương vùng đáy Covid-19 đợt 1 vào tháng 3/2020. Mức định giá này thấp hơn lần lượt 38,1% và 29,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2010-2022.
Mặc dù lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong những quý tới, song mức định giá đang thấp nhất lịch sử khiến cổ phiếu ngân hàng vẫn đem đến cơ hội đầu tư tốt trong dài hạn.
Tầm nhìn ngắn hạn, các thay đổi về chính sách và tình hình vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực hơn sẽ là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngân hàng hồi phục.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số rủi ro giảm giá trong ngắn hạn đến từ tình trạng dòng vốn vẫn bị tắc nghẽn gây khủng hoảng trong ngành bất động sản khiến nợ xấu tăng cao và lạm phát Mỹ vẫn duy trì mức cao khiến Fed phải mạnh tay tăng lãi suất gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.
Nhịp Sống Thị Trường