Định giá VN-Index đang ở mức hấp dẫn, những yếu tố nào có thể tác động đến TTCK Việt Nam trong tháng 7?
Trong bối cảnh thị trường hiện tại, BSC khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng trong việc phân bổ các danh mục dựa trên triển vọng ngành và kết quả kinh doanh quý 2 của từng doanh nghiệp, hạn chế đối với các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2022 đạt 7,72%, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung nửa đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và 2021. Trong báo cáo chiến lược thị trường mới cập nhật, Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, một vài yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP bao gồm hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng, các hiệp định thương mại và sự hồi phục của tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Theo BSC, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 42,97% so với cùng kỳ, cho thấy một số lĩnh vực, ngành nghề còn nhiều khó khăn. Ngược lại, lũy kế bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng duy trì đà hồi phục cho thấy cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao, tương đương với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Đứng trước khả năng suy thoái của Mỹ gia tăng, BSC chia dự báo tốc độ tăng trưởng xuất nhập trong những tháng tới theo 2 kịch bản, tiêu cực là kinh tế Mỹ suy thoái vào năm 2022 thì xuất khẩu có thể tăng 13,1% và nhập khẩu tăng 12,6%; còn tích cực là kinh tế Mỹ suy thoái vào năm 2023, xuất có thể tăng 18% và nhập khẩu có thể tăng 17,3%. Đồng thời, BSC nâng mức dự báo CPI năm 2022 lên 3,8% trong kịch bản tích cực và 5,5% trong kịch bản tiêu cực do giá dầu duy trì đà tăng cao.
Về diễn biến thị trường chứng khoán, BSC đưa ra hai kịch bản cho TTCK tháng 7 với quan điểm tích cực là VN-Index sẽ đạt 1.270 điểm
Tại kịch bản tích cực hơn, chỉ số VN-Index sẽ cân bằng ở vùng đáy ngắn hạn và hướng đến vùng 1.250 – 1.270 điểm với tâm lý tích cực trở lại khi nền kinh tế tiếp tục cho thấy dấu hiệu tăng trưởng khả quan. Động lực đến từ quyết tâm của các cơ quan điều hành trong việc thực thi các biện pháp bình ổn giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô hướng đến mục tiêu tăng trưởng bên cạnh nỗ lực trong việc triển khai các phương thức mới trong giao dịch, quản lý chứng khoán nhằm mục tiêu nâng hạng thị trường Việt Nam. Theo đó, thị trường sẽ phân hóa dựa trên kết quả kính doanh quý 2 cũng như tình hình thế giới.
Tại kịch bản kém tích cực hơn, BSC cho rằng tâm lý nhà đầu tư vẫn có khả năng tiêu cực về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ trước những hành động quyết liệt của FED nhằm kiềm chế lạm phát cũng như sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc khi tình hình dịch bệnh Covid- 19 tiếp tục diễn biến phức tạp bất chấp những biện pháp phục hồi kinh tế. Giá cả hàng hóa ở mức cao gây áp lực lên các biện pháp điều hành của Chính phủ, tâm lý bi quan, thận trọng tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong bối cảnh thanh khoản không có nhiều cải thiện. VN-Index được dự báo dao động trong vùng 1.160 đến 1.180 điểm.
Thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,9 - 1,1 tỷ USD/phiên khi VN-Index diễn biến trong kịch bản hướng 1.250 – 1.270 điểm khi nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, cơ quan quản lý triển khai các biện pháp mới trong quản lý, giao dịch chứng khoán.
Sau nhịp điều chỉnh, P/E VN-Index kết thúc tháng 6 ở mức 13,04 lần, giảm gần 19% so với quý trước, và thấp hơn mức 16,33 lần P/E bình quân 5 năm. Mức P/E của VN-Index hiện đang ở mức định giá hấp dẫn khi đứng thứ 5 châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 14,69 lần – đứng thứ 11 khu vực châu Á. BSC dự báo P/E VN-Index sẽ vận động trong vùng 13,5 -14,0 lần khi tâm lý tích cực trở lại khi nền kinh tế tiếp tục khởi sắc bên cạnh kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp.
Tám yếu tố có thể tác động tới TTCK Việt Nam tháng 7
Trong tháng 7 này, BSC chỉ ra 4 nhóm yếu tố sẽ tác động tích cực đến TTCK Việt Nam. Cụ thể là việc nền kinh tế tiếp đà tăng trưởng ấn tượng bên cạnh kết quả kinh doanh quý 2 được kỳ vọng tích cực đối với các nhóm ngành cơ bản, hưởng lợi từ bối cảnh kinh tế thế giới. Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đnag nỗ lực bình ổn giá cả các mặt hàng, đặc biệt là giá xăng/dầu nhằm đạt mục tiêu lạm phát đã đề ra. Về phía UBCKNN, VSD, các cơ quan đã và đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp nâng cao tính chuyên nghiệp, hấp dẫn đối với TTCK (rút ngắn giao dịch T 2 về T 1,5) nhằm mục tiêu sớm nâng hạng lên thị trường mới nổi. NHNN tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành cũng tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng phục sản xuất kinh doanh, bên cạnh việc khẩn trương triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng từ nguồn NSNN.
Trong khi đó, BSC cũng lưu ý về đà mua ròng của khối ngoại có khả năng chịu tác động khi FED và các NHTW lớn khác tiếp tục trong “cuộc đua” lãi suất nhằm hướng đến mục tiêu ưu tiên hàng đầu là chống lạm phát. Khả năng tiếp tục nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp về chính sách tiền tệ của FED và ECB diễn ra vào thời gian cuối tháng 07 cũng sẽ tiếp tục tác động đến bối cảnh kinh tế thế giới, lo ngại về suy thoái kinh tế tăng lên. Dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc tiếp tục diễn biến khó lường trong khi các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc chưa tác động tích cực đến nền kinh tế. Ngoài ra, xung đột địa chính trị Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, các biện pháp trừng phạt, đáp trả với tần suất và mức độ lớn hơn trước có thể gây tâm lý bất ổn, kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn "bear-market" - thị trường con gấu, BSC khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng trong việc phân bổ các danh mục dựa trên triển vọng ngành và kết quả kinh doanh quý 2 của từng doanh nghiệp, hạn chế đối với các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao.