Định ra quyết định quan trọng về khí đốt Nga: EU bất ngờ tìm thấy "cứu tinh" ở Lục địa Đen
Việc tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới rất quan trọng đối với EU, đặc biệt khi mùa đông sắp cận kề.
Nguồn cung từ Nigeria
Liên minh châu Âu EU đang tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt bổ sung từ Nigeria khi khối này chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung của Nga, Matthew Baldwin, Phó Tổng giám đốc Bộ phận Năng lượng của Ủy ban châu Âu, cho biết hôm 23/7.
Ông Baldwin đưa ra thông tin nêu trên khi tổ chức các cuộc họp với các quan chức từ nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi tại Nigeria trong tuần này.
Theo ông, Nigeria đang cải thiện an ninh ở đồng bằng sông Niger và có kế hoạch mở lại đường ống Trans Niger sau tháng 8, điều này sẽ giúp xuất khẩu nhiều khí đốt hơn sang châu Âu.
EU nhập khẩu 14% tổng nguồn cung cấp LNG từ Nigeria và có khả năng tăng hơn gấp đôi con số này, ông Baldwin nói với Reuters.
Sản lượng dầu và khí đốt ở Nigeria đang bị hạn chế do nạn trộm cắp và phá hoại đường ống, điều này khiến nhà máy sản xuất khí đốt Nigeria LNG Ltd tại Đảo Bonny chỉ hoạt động với 60% công suất.
Ông Baldwin cho biết: "Nếu có thể tăng công suất lên hơn 80%, sẽ có thêm LNG để giao ngay đến châu Âu. Họ (các quan chức Nigeria) nói với chúng tôi: 'Hãy đến và nói chuyện một lần nữa vào cuối tháng 8 vì chúng tôi nghĩ rằng hai bên có thể tạo ra những tiến triển thực sự trong vấn đề này".
Hôm 20/7, Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước thành viên EU nên cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3. Mục tiêu ban đầu sẽ là tự nguyện, nhưng sẽ trở thành bắt buộc nếu Ủy ban tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Năm ngoái, Nigeria đã xuất khẩu 23 tỷ mét khối (bcm) khí đốt sang EU, nhưng con số này đã giảm dần trong những năm qua. Năm 2018, khối này đã mua 36 bcm LNG từ Nigeria, ông Baldwin cho biết.
Một đề xuất của EU về việc các nước thành viên nên cắt giảm sử dụng khí đốt 15% để chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung từ Nga đang vấp phải sự phản đối từ các chính phủ, khiến họ nghi ngờ liệu họ có thể chấp thuận kế hoạch khẩn cấp hay không.
Tại cuộc họp của các nhà ngoại giao EU, ít nhất 12 trong số 27 quốc gia thành viên đã nêu quan ngại về đề xuất này, Reuters dẫn lời 5 quan chức EU cho biết.
Điểm mấu chốt chính là liệu EU có đủ khả năng để đưa ra các mục tiêu ràng buộc hay không. Đan Mạch, Pháp, Ireland, Ý, Malta, Hà Lan, Ba Lan và Bồ Đào Nha nằm trong số các quốc gia cho rằng Ủy ban không thể làm điều này nếu không cho phép các quốc gia bày tỏ ý kiến - thậm chí là phản đối đề xuất.
"Các quốc gia thành viên muốn có khả năng tự kích hoạt các cơ chế khủng hoảng. Đây không phải là quyền lợi mà họ muốn trao vào tay Ủy ban", một quan chức EU cho biết.
Đề xuất vấp phải phản đối
Theo đề xuất, Ủy ban sẽ tham khảo ý kiến của Nhóm điều phối khí đốt của EU gồm các đại diện quốc gia trước khi đưa mục tiêu trở thành bắt buộc.
Đề xuất này cần được sự chấp thuận của ít nhất 15 quốc gia EU để trở thành luật.
Các nước EU đang chạy đua để tích trữ đầy kho khí đốt của họ trước mùa đông. Ủy ban EU cảnh báo rằng nếu không cắt giảm sâu hơn việc sử dụng khí đốt ngay bây giờ, một số nước sẽ gặp khó khăn để có nhiên liệu trong những tháng lạnh giá nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung - một kịch bản mà Ủy ban cho biết là có thể xảy ra.
Hàng chục quốc gia EU đã bị ảnh hưởng bởi dòng khí đốt sụt giảm từ Nga.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nước EU chỉ cắt giảm nhu cầu khí đốt tổng hợp của họ ở mức 5%, bất chấp sau nhiều tháng nguồn cung của Nga đang cạn kiệt và giá tăng cao, giám đốc chính sách năng lượng của EU Kadri Simson cho biết.
Một số quốc gia cho rằng việc áp đặt cùng một mục tiêu cho mọi quốc gia trong EU không phải là cách tiếp cận đúng đắn. Các quốc gia này bao gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - những nước không tính Nga trong số các nhà cung cấp khí đốt chính của họ - và Hungary, quốc gia trong tháng này đã ra lệnh cấm xuất khẩu khí đốt.
Bộ trưởng Năng lượng Bồ Đào Nha Joao Galamba hôm 21/7 cho biết nước này "hoàn toàn phản đối" kế hoạch của EU.
"Đề xuất không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia", ông nói với tờ Expresso, đồng thời cảnh báo rằng việc cắt khí đốt bắt buộc trong bối cảnh sản lượng thủy điện ở Iberia thấp có thể gây ra mất điện.
Tổ quốc