Dính "thẻ vàng" EU, xuất khẩu cá ngừ chuyển mạnh sang Trung Đông
Trung Đông đang là lựa chọn tốt nhất cho các nhà xuất khẩu cá ngừ trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các thị trường truyền thống như Mỹ và EU đang chững lại...
- 21-09-2017Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Pháp nhiều triển vọng
- 31-08-2017Sản lượng cá ngừ đại dương giảm gần 17% do thời tiết phức tạp
- 14-08-2017Thất thu cá ngừ đại dương, 80-90% số tàu hành nghề thua lỗ
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại các thị trường truyền thống như Mỹ và EU đang chững lại, thì thị trường Trung Đông đang là lựa chọn tốt nhất cho các nhà xuất khẩu, đặc biệt Israel đang là lựa chọn tốt nhất cho các nhà xuất khẩu cá ngừ.
Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại Trung Đông liên tục tăng trong vài năm qua, do nhập khẩu lương thực từ nông nghiệp của khu vực tăng trưởng liên tục.
Theo số liệu thống kê của ITC, nhập khẩu cá ngừ của khu vực Trung Đông ngày càng tăng trong 10 năm qua, từ 286 triệu USD lên 791 triệu USD, tăng 177%. Trong đó, Ai Cập, Ảrập Xêút, Israel là 3 nước nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất, chiếm tỷ trọng lần lượt là 21%, 19% và 11%.
Năm 2016, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vào Trung Đông đạt 41,55 triệu USD, tăng 29% so với năm trước. Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang khu vực này tiếp tục tăng trưởng tích cực, tính riêng thị trường Israel, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 35 triệu USD, tăng 138,2% so với cùng kỳ năm trước.
Irael hiện là thị trường lớn thứ 4 về nhập khẩu sản phẩm cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến. Việt Nam cũng đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 cho nước này, sau Thái Lan.
Với tốc độ xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tăng 109,3% so với cùng kỳ năm trước và giá trị đạt gần 35 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay, Israel dần thay thế ASEAN để trở thành thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam.
Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp cao ở Trung Đông (khoảng 200 ngàn tấn/năm), cùng với mức thuế nhập khẩu ở hầu hết các nước trong khu vực chỉ 5%, rất thấp so với Mỹ và EU, thăn và philê cá ngừ đông lạnh cũng đang được miễn thuế nhập khẩu ở Trung Đông.
Vì vậy, Trung Đông được coi là điểm đến hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Dự báo quý cuối năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khu vực này tiếp tục tăng trưởng, trong đó, giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường lớn là Israel, Ai Cập và Ảrập Xêut sẽ tăng mạnh so với năm 2016.
Theo các chuyên gia, dù có 7 vùng biển bao quanh, nhưng ngành khai thác hải sản ở Trung Đông còn nhỏ lẻ nên phụ thuộc lớn vào lượng cá ngừ nhập khẩu, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp. Trung Đông đang là lựa chọn tốt nhất cho các nhà xuất khẩu cá ngừ trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các thị trường truyền thống như Mỹ và EU đang chững lại do bị thẻ vàng IUU.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của hải quan, 3 quý đầu năm 2017, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam với giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 168,77 triệu USD, chiếm 39,3%, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm cá ngừ vằn chế biến và cá ngừ đóng hộp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu cá ngừ nhập khẩu của Mỹ.
Năm 2017, xuất khẩu cá ngừ đặt mục tiêu 524 triệu USD, tăng 8% so với 2016. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 430 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ, bình quân đạt 47,77 triệu USD/tháng. Với tốc độ này, xuất khẩu cá ngừ được dự báo sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra khoảng 50 triệu USD.
Vneconomy