DN có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng nhất nhiều quý, cổ phiếu vẫn "bốc hơi" 50% so với đỉnh
Nếu tính từ mức đỉnh lịch sử 88.800 đồng lập được trong phiên ngày 1/6/2022, tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu HAH đã giảm tới 50% thị giá chỉ sau gần 4 tháng.
- 28-09-2022Vì đâu ô tô Hàn được đặc biệt yêu thích tại Việt Nam?
- 28-09-2022Doanh nghiệp điện của ông Vũ Quang Bảo nợ hơn 8.000 tỷ, lãi 21 tỷ đồng trong 6T2022
- 27-09-2022Lãi đều trăm tỷ/năm, không phải nộp thuế TNDN, 1 công ty có EPS top đầu sắp trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 100%
Quý II/2022 vừa qua, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) là một trong những doanh nghiệp chứng kiến lợi nhuận "tăng dựng đứng". Sau khi trùng xuống trong quý I/2022, lãi ròng của HAH đã thiết lập kỷ lục mới – đạt 240 tỷ ngay trong quý sau, cao gấp 3 lần cùng kỳ.
Trước KQKD khả quan, SSI từng dự báo lợi nhuận 2 quý cuối năm 2022 của HAH sẽ tiếp tục tích cực nhờ giá cước và giá thuê tàu vẫn cao. Năm 2023, việc mở rộng công suất và gia hạn hợp đồng thuê tàu với mức giá cao hơn có thể hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của HAH.
Tuy nhiên, đối lập KQKD khiến cổ đông HAH đặt nhiều kỳ vọng, với tình hình đi xuống của thị trường chung, mã HAH chỉ vỏn vẹn tăng vài phiên cùng mức tăng tương đối yếu ớt.
Kết phiên giao dịch ngày 28/9, thị giá HAH giảm còn 44.000 đồng/cp - mức thấp nhất kể từ tháng 6. Trong 10 phiên gần nhất, mã này chỉ xuất hiện 1 phiên xanh 5,4% trong ngày 22/9 còn lại đều giảm mạnh, trong đó có 3 phiên giảm sàn vào các ngày 19, 26, 27/9.
Nếu tính từ mức đỉnh lịch sử 88.800 đồng (giá sau điều chỉnh) lập được trong phiên ngày 1/6/2022, tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu HAH đã giảm tới 50% thị giá chỉ sau gần 4 tháng.
Thực tế, từ giữa tháng 7/2022, cước vận tải biển bắt đầu "đổi chiều" so với 2 năm đại dịch COVID-19, tình trạng khó đặt tàu và khan hiếm container rỗng giảm đáng kể đã khiến viễn cảnh về việc sụt giảm nguồn thu hiện hữu với Hải An và nhóm vận tải biển.
Giá cước vận tải quốc tế liên tục hạ nhiệt
Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry, giá cước vận tải container trung bình đã giảm xuống mức rất thấp so với đầu năm, giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, cước vận chuyển mỗi container 40 feet là 4.471,99 USD.
Nguồn: Drewry
Drewry cho biết, so với đầu năm 2022, giá cước áp dụng với mỗi container 40 feet từ Việt Nam đi các cảng Los Angeles, Miami và Long Beach (Mỹ) hiện giảm khoảng 50%, xuống còn 12.000 - 13.000 USD. Cước vận chuyển mỗi container 40 feet đến Bờ Tây nước Mỹ giảm 60%, dao động quanh mức 5.400 USD. Trong khi đó, vận chuyển một container từ châu Á đến châu Âu giảm 42%, xuống 9.000 USD.
Hải An vẫn mua thêm tàu
Về Xếp dỡ Hải An, năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 2.388 tỷ và lợi nhuận hợp nhất sau thuế 550 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty cũng chú trọng phát triển đội tàu. Trong quý II/2022, Hải An đã đầu tư 2 tàu, nâng tổng số đội tàu lên 9 chiếc và đóng mới thêm 2 tàu container loại Bangkok Mark IV (1.800 TEU), với tổng số tiền đầu tư ban đầu khoảng 81 triệu USD. Mục tiêu của doanh nghiệp là duy trì 5 chuyến nội địa mỗi tuần, đồng thời mở rộng tuyến Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.
HĐQT cũng thông qua nghị quyết thay thế dự án đầu tư mua tàu A Roku, số IMO 9444974, đóng năm 2008 tại Imabari, Ehime, Nhật Bản của chủ tàu Mingsheng Logistics Co., Ltd bằng dự án đầu tư mua tàu A Kibo, số IMO 9444962, đóng năm 2008 cũng tại địa chỉ trên của chủ tàu Sintn Shipping Pte. Ltd ngày 23/9.
Gần đây nhất, Xếp dỡ Hải An vừa bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế số tiền khoảng 130 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng bị truy thu thuế số tiền 508 triệu đồng. Tổng mức xử phạt và truy thu thuế là gần 640 triệu đồng.
Nhịp sống thị trường