DN du lịch “ngóng chờ” vốn từ Nghị quyết 42 của Chính phủ
Để tồn tại và giữ chân người lao động có tay nghề, các doanh nghiệp mong muốn có thể sớm tiếp cận nguồn vốn vay từ Chính phủ để trả lương cho nhân viên.
- 17-04-2020Giảng viên cấp cao đại học RMIT: Tương lai tươi sáng cho du lịch Việt sau Covid-19
- 16-04-2020Bị thương nặng bởi Covid-19, kịch bản nào để ngành du lịch sống sót hậu đại dịch?
- 16-04-2020Dự kiến giảm 50% mức thu phí trong lĩnh vực kinh doanh du lịch
Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, đội tàu vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long của Công ty TNHH Phượng Hiến nằm bờ đã 3 tháng nay. Khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), anh Trần Văn Hiến, Giám đốc Công ty vẫn túc tắc xoay xở các mối khách du lịch nội địa để duy trì công ăn việc làm cho 12 nhân viên. Nhưng từ khi lệnh cấm biển được thực hiện nghiêm, tàu phải nằm bờ, nhân viên phải cắt giảm đến 80%.
Anh Trần Văn Hiến cho biết, nếu dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp (DN) nhỏ như anh khó mà trụ nổi: “Tôi cho nhân viên nghỉ luân phiên. 4 người tháng này trực thì sẽ có 4 người phải nghỉ. Lương chúng tôi trả 6 triệu/tháng/người và hỗ trợ họ tiền ăn. Tôi kinh doanh gần như vay 100%, thế chấp ngân hàng từ đất, giấy tờ tàu du lịch đến xe ôtô. Một tháng trả ngân hàng 30 triệu cả gốc lẫn lãi và tính cả lương cho nhân viên mỗi tháng phải chi 50-60 triệu mà không kiếm được đồng nào. Nếu không được cho vay kịp thời thì rất khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi”.
Các doanh nghiệp mong muốn có thể sớm tiếp cận nguồn vốn vay từ Chính phủ để trả lương cho nhân viên
Dù đã cắt giảm hàng chục nhân viên, nhưng trong tháng 3 vừa qua, anh Lê Văn Phong, Giám đốc Công ty TNHH Hải Phong vẫn phải chi tới 460 triệu đồng tiền lương và duy tu, bảo dưỡng phương tiện. Nếu trong tháng 4 này chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, công ty sẽ tiếp tục phải cho người lao động nghỉ việc.Hơn 1 tháng qua, 500 tàu tham gia dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long im lìm đậu trong bến, kéo theo hàng chục nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp phải nghỉ việc. Không chỉ những DN nhỏ mà cả những DN đã hoạt động hàng chục năm có tích lũy cũng không tránh khỏi khó khăn.
“Trước mắt, chúng tôi mong muốn thực hiện giảm lãi suất ở các ngân hàng. Vì hiện nay một số DN không còn tiền nên việc trả lương cho nhân viên rất khó khăn, trong khi đó việc trả lãi ngân hàng vẫn phải thực hiện. Giữ người lao động là hướng tới tương lai, nếu tháng 6, 7, 8 hay tháng 11, 12 thị trường sôi động trở lại nhưng thì lấy người đâu mà làm. Đây là việc chúng tôi rất đau đầu”, anh Lê Văn Phong trăn trở.
Theo khảo sát của Chi hội tàu Du lịch trên Vịnh Hạ Long, 90% số tàu hoạt động trên Vịnh đều đã phải thế chấp tài sản ở các ngân hàng. Hơn 250 DN hoạt động vận tải khách trên Vịnh Hạ Long đều có nhu cầu vay vốn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giữ chân người lao động.
“Chi hội Tàu du lịch của chúng tôi đang rất cần hướng dẫn của nhà nước cũng như là ngân hàng được phép cho các hộ kinh doanh vay theo chính sách này. Chi hội chúng tôi sẵn sàng xác nhận cho các hội viên về đề xuất của họ và cam kết cho các chủ tàu, yêu cầu họ thực hiện cam kết tín chấp và trả vốn đúng thời hạn như hợp đồng tín dụng. Phải có ràng buộc như vậy thì ngân hàng mới có thể giải ngân được”, ông Trần Văn Hồng, Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long nói.
Dù tất cả các tàu nằm bờ nhưng mỗi tàu vẫn phải duy trì từ 2 đến 5 lao động để trông coi tàu sản, tránh hỏa hoạn, thiên tai |
Bà Vũ Thị Ngọc Bích, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện đơn vị đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo nguồn vốn ưu đãi này đến đúng đối tượng, minh bạch và công bằng.
“Việc cho vay để trả lương cho người lao động 50%, theo hướng dẫn là phải do UBND xác nhận, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và bên Bảo hiểm xác định doanh nghiệp đó đảm bảo đúng các quy định mới cho vay được. Ngân hàng đã chuẩn bị các điều kiện và đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để rà soát các đối tượng cũng như các DN được thụ hưởng, đảm bảo khi chính sách được ban hành sẽ triển khai kịp thời tới doanh nghiệp”, Bà Vũ Thị Ngọc Bích cho biết thêm.
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tới mọi mặt của đời sống, khiến nhiều lao động mất việc làm hoặc giảm sâu thu nhập. Nghị quyết 42 của Chính phủ về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp như hiện nay./.
VOV